Đánh đổi bằng rất nhiều hy sinh và tai tiếng, ngày 6/11/2021 đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ đi vào hoạt động. Sau một thập kỷ thấp thỏm chờ đợi, ngày mai, người dân Thủ đô được cầm trên tay chiếc vé tàu đường sắt trên cao để di chuyển 13km với 25 phút, không có tắc đường và khói bụi.
Năm 2007, tại Chương trình phát triển tổng thể Thủ đô đến năm 2020, với đề xuất Hà Nội sẽ có 5 tuyến vận tải đô thị khối lượng lớn, tốc độ cao, lần đầu tiên “đường sắt đô thị” xuất hiện trên giấy ra mắt công chúng Thủ đô.
1 năm sau (năm 2008), viễn cảnh về các tuyến đường sắt đô thị giảm tải cho giao thông thành phố được hình thành. Khi đó người dân Hà Nội đã mơ có đường sắt trên cao vào năm 2014 sau khi Cục đường sắt Việt Nam và Cục 6 đường sắt Trung Quốc đặt bút ký hợp đồng (EPC) dự án đường sắt đô thị tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Ngày 10/10/2011, tại Ba La, quận Hà Đông, Hà Nội, ông Đinh La Thăng khi ấy đang ngồi “ghế nóng” Bộ trưởng Bộ GTVT là người đã phát lệnh khởi công dự án. Lễ phát động này đánh dấu mốc lịch sử với thủ đô Hà Nội, mở ra một kỳ vọng mới về phát triển tiến tới hạ tầng thông minh.
Nhưng...
Để phục vụ cho dự án này, hàng trăm cây xanh đã bị chặt bỏ, những tuyến đường có dự án chạy qua đã bị bó hẹp thậm chí hư hỏng vì xe chở vật liệu cày phá. Một dự án nhằm giảm ùn tắc giao thông chưa thấy đâu mà ngược lại là chỉ ám ảnh của những mất mát.
Không chỉ lá phổi xanh của thành phố bị chặt bỏ mà từ khi dự án đi vào triển khai đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thương tâm.
Ngày 6/11/2014, khi người dân đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân thì bất ngờ 2 thanh sắt dài hơn chục mét từ trên giàn giáo rơi xuống làm 1 người tử vong và 2 người bị thương. Ngay sau đó chưa đầy một tháng, vào tháng 12/2014, một đoạn đà giáo dài khoảng 10m bị sập khi công nhân đang chuẩn bị đổ bê tông trụ mũ H7, một khối lượng bê tông sắt thép lớn đổ xuống đường Trần Phú. May sao, thời điểm trên không xảy ra thương vong đáng tiếc nào… Vào tháng 10/2016, một công nhân đang làm việc trên cao đã bất ngờ rơi xuống đất tử vong.
Sau mỗi lẫn bó thép, rơi thanh sắt, sập giàn giáo, xảy ra tai nạn chết người... là mỗi lần phía cơ quan có trách nhiệm lại rút kinh nghiệm.
Và để rồi, mỗi khi đi qua những tuyến đường có dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang thi công người tham gia giao thông luôn cảm thấy nơm nớp lo sợ bởi không biết những khối bê tông, những thanh sắt hàng chục mét đang treo lơ lửng trên đầu họ có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Nỗi ám ảnh từ một dự án được mong đợi!
B
an đầu, chủ đầu tư đặt ra mục tiêu đến tháng 6/2014 dự án này sẽ hoàn thành toàn bộ công trình. Sau đó 1 năm, đến 30/6/2015 sẽ đưa vào khai thác chính thức.
Tuy vậy, từ mốc khởi công, dự án đã liên tục 4 lần phải điều chỉnh tiến độ do nhiều nguyên nhân như vướng mặt bằng, ngừng thi công vì xảy ra tai nạn lao động, tổng thầu xin lùi tiến độ hay xác định lại tổng mức đầu tư và đợi nguồn vốn vay.
Lần thứ 5, tới tháng 12/2016, Bộ GTVT trình và Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh tiến độ do chờ xác định lại tổng mức đầu tư, nên lùi thời điểm chạy thử vào tháng 10/2017. Nhưng mốc 10/2017 cũng nhanh chóng bị vỡ do việc vay vốn bổ sung 250 triệu USD của Ngân hàng Eximbank Trung Quốc gặp trục trặc về pháp lý dẫn tới giải ngân chậm.
Lần thứ 6, tháng 5/2017, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị khẩn trương xử lý các vướng mắc, đặc biệt về vốn để dự án vận hành thương mại vào quý 2/2018. Tuy nhiên, việc chờ đợi giải ngân khoản vốn vay bổ sung 250 triệu USD đã kéo dài tới hơn 1 năm so với dự kiến, và mốc tiến độ này tiếp tục bị phá vỡ.
Lần thứ 7, cuối tháng 12/2017, trong cuộc họp tiến độ, sau khi Ngân hàng Eximbank Trung Quốc thông qua thủ tục giải ngân vốn bổ sung, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu cuối 2018 dự án phải vận hành thương mại.
Lần thứ 8, thời điểm về đích của dự án còn mờ mịt, khi mốc tiến độ vận hành thử nghiệm từ tháng 9/2018, chính thức vận hành tháng 4/2019 cũng đã bị phá vỡ. Nhiều hạng mục phụ trợ của dự án có dấu hiệu, hư hỏng, xuống cấp.
Mặc dù ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội lúc bấy giờ đã thông tin, các bên liên quan đang cố gắng để đưa các đoàn tàu tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại vào cuối tháng 12/2019.
Báo cáo gửi Bộ GTVT cuối tháng 4/2019, Ban Quản lý dự án đường sắt đưa ra rất nhiều lý do trong đó việc dự án chưa được cấp chứng nhận an toàn hệ thống và Hội đồng nghiệm thu nhà nước. Bên cạnh đó, phần đào tạo cũng vướng mắc do các nhân sự được đào tạo lý thuyết chưa được đưa vào vị trí để đào tạo thực hành...
Nhưng thực tế, bước sang năm 2020, trên toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hệ thống đường ray trên cao vẫn vắng tàu hoạt động toàn công trường vắng bóng cán bộ, công nhân viên vận hành.
Mốc thời gian này đã trôi qua, các đoàn tàu dự án vẫn “xếp kho”. Đây là lần thứ 9 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỡ hẹn với người dân Thủ đô.
Điệp khúc “chuẩn bị bàn giao, sắp đưa vào khai thác thương mại” được cơ quan chức năng ra hẹn liên tục thì tàu Cát Linh- Hà Đông vẫn “xin thông cảm” lại trễ hẹn.
Tháng 10/2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng (tháng 12/2020) nhưng sau khi chạy thử toàn tuyến vẫn chưa thể khai thác toàn tuyến.
Tối 29/4/2021, Bộ GTVT đã chính thức phát đi thông cáo mong người dân có thể chia sẻ, thông cảm vì mốc 1/5/2021 không thể hoàn thành. Cũng theo Bộ GTVT các điều kiện kĩ thuật của dự án này đã đảm bảo để vận hành. Tuy nhiên các hồ sơ cũng như thủ tục nghiệm thu vẫn phải phụ thuộc vào quá trình xem xét, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện của Tư vấn an toàn ACT và Hội đồng kiểm tra nhà nước.
Mốc “đóng đinh” ngày 1/5/2021, Bộ GTVT “hứa” đưa vào khai thác là lần thứ 10, nhưng đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại.
S
au gần 10 năm thi công, trải qua nhiều nhiệm kỳ Bộ trưởng GTVT, dự án đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông từ một công trình vận tải vì lợi ích dân sinh, tuyến đường vì lợi ích dân sinh, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên liên tục lỡ hẹn, trở thành nỗi thất vọng của người dân Thủ Đô. Dự án được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ban đầu từ 8.700 tỉ lên đến 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng, tương đương trên 205%).
Dự án chưa được đưa vào khai thác nhưng đã phải bố trí vốn để trả nợ theo hiệp định vay vốn. Nguyên nhân là do quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ so sánh kỹ thuật và lựa chọn dẫn đến trong quá trình thay đổi phương án, làm tăng chi phí; bổ sung khối lượng di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ra khỏi chỉ giới mặt bằng khu nhà ga; bàn giao mặt bằng chậm và tiến độ thực hiện kéo dài, dẫn đến chi phí nhân công vật liệu cao.
Theo Bộ Tài chính, Việt Nam có 9 năm để trả nợ cả gốc lẫn lãi cho Ngân hàng EximBank Trung Quốc do vay 250 triệu USD để làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hiện tại, trung bình 1 năm, Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng.
Với gần 700 công nhân vận hành toàn tuyến, dự án được cho là sẽ tiếp tục ngốn tiền ngân sách trong quá trình vận hành. Hà Nội dự kiến phải chi 14,5 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ giá vé cho hành khách đi tàu.
Đ
ầu năm 2020, Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt thông báo dự án được nghiệm thu các hạng mục xây dựng, thiết bị. Bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tháng 6/2020, dự án tiếp tục gặp khó khăn khi tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán toàn bộ số tiền 50 triệu USD trước khi bàn giao cho phía Việt Nam. Theo Ban Quản lý dự án đường sắt trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải, việc thanh toán phải tuân theo quy định hợp đồng EPC. Vì vậy, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các điều khoản hợp đồng và thống nhất các công việc thực hiện để sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Ngày 28/10/2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng.
Từ ngày 12 đến ngày 31/12/2020, Tổng thầu EPC thực hiện việc chạy thử toàn tuyến trong 20 ngày liên tục. 13 toa tàu vận hành chạy thử mỗi ngày sẽ có 287 lượt tàu chạy; giờ cao điểm từ 5-6 phút/lượt; giờ bình thường 10 phút/lượt; bắt đầu vận hành từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm, theo đúng lịch trình khai thác thương mại.
Sau khi tất cả 13 đoàn tàu được chạy thử nghiệm để kiểm tra các thông số kỹ thuật, kết nối liên hợp.
Toàn tuyến đã vận hành hơn 5.700 chuyến tàu an toàn với tổng số trên 70.000km dưới sự giám sát của các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn độc lập ACT của Pháp, các cơ quan chức năng và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước để kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu vận hành phục vụ công tác đánh giá an toàn, nghiệm thu kỹ thuật.
Ngày 31/3/2021, bắt đầu kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ, tài sản để bàn giao cho thành phố Hà Nội tiếp quản điều hành, thời gian dự kiến từ 3-4 tuần.
Đến 9/4/2021, phát biểu trả lời kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị trực tuyến sơ kết đảm bảo ATGT toàn quốc được Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: "Chúng tôi sẽ bàn giao dự án cho Hà Nội ngay trong tháng 4, đến cuối tháng 4 có thể vận hành thương mại".
Song song với việc kiểm đếm, bàn giao hồ sơ, các bên sẽ tiếp tục hoàn thiện các khuyến cáo về an toàn của Tư vấn ACT (Pháp). Tư vấn ACT đã đưa ra 16 khuyến nghị về an toàn, với 3 nhóm về: Nhóm liên quan đến hồ sơ tài liệu; Nhóm liên quan đến thiết kế cần khắc phục tại hiện trường và có thể tiếp tục cải tiến, nâng cao mức độ an toàn trong tương lai; Nhóm liên quan đến sự sẵn sàng vận hành của các nhân sự (phía Metro Hà Nội).
Về phía Metro Hà Nội, lãnh đạo công ty này cho hay, hiện toàn bộ nhân sự vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đầy đủ và sẵn sàng vận hành khai thác thương mại. Nhân sự của nhà thầu tư vấn vận hành đã sang Việt Nam và đang thực hiện cách ly phòng chống dịch COVID-19 trước khi trực tiếp giám sát tại hiện trường.
Để chuẩn bị khai thác, Công ty Metro Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực vận hành là 681 người, trong đó có 201 người được đào tạo tại Trung Quốc. Và trong tháng 3 vừa qua, Hà Nội tiếp tục thông báo tuyển thêm 107 nhân sự bổ sung.
Metro Hà Nội cũng lựa chọn Công ty TNHH Vận hành Tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) thực hiện tư vấn bàn giao, tiếp nhận dự án và hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác thương mại. Giá trị trúng thầu hơn 120 tỷ đồng (hơn 5,1 triệu USD). Thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng.
Ngày 29/4/2021, Tư vấn đánh giá độc lập về an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cấp Chứng chỉ an toàn cho dự án. Khi ban hành Chứng chỉ an toàn, theo quy trình của công tác cấp chứng an toàn hệ thống châu Âu, Tư vấn ACT phải báo cáo Ủy ban ISA (Ủy ban các tư vấn đánh giá an toàn độc lập, mà Tư vấn ACT là thành viên) xem xét, ra quyết định cuối cùng.
Ngày 5/5/2021, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống đã ban hành Chứng nhận an toàn hệ thống số EC_9082_0022_rev 02 do CERTIFER SA cấp (thay thế Chứng nhận đã cấp ngày 29/4/2021). Bộ GTVT cho rằng với chứng nhận an toàn này, dự án đủ điều kiện an toàn đưa vào vận hành, khai thác.
Sau nhiều tháng giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, ngày 27/10/2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ GTVT hoàn thành các công đoạn để bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội trước ngày 10/11/2021, đưa vào khai thác, sử dụng.
Ngày 29/10/2021, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã thống nhất kết quả nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đây là bước đánh giá cuối cùng để đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại.
Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án đầu tiên được cho phép triển khai thí điểm tại Việt Nam. Dự án có tính đặc thù cao, nền tảng kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới, các đơn vị tham gia thực hiện dự án còn thiếu kinh nghiệm; khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý, tổ chức thực hiện loại hình Hợp đồng EPC chưa thực sự đầy đủ...
Do đó, dự án bị kéo dài thành phố đã phải trả giá cao hơn nhiều so với dự kiến.
Chị Vũ Thị Phương Hà (Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, với tuyến đường từ nhà tới cơ quan ở Hoàng Cầu (Ô Chợ Dừa, Đống Đa) chị đi xe máy mất khoảng 30 phút, chưa kể những lúc tắc đường vào giờ cao điểm. Nhưng nếu đi tàu điện chị chỉ mất vài phút đi bộ tới ga La Khê, cả tuyến đường đi làm đến Hoàng Cầu khoảng 10 phút. Không phải chịu cảnh tắc đường, khói bụi.
“Đứa con” vật vã thai nghén trong 13 năm cuối cùng cũng “chào đời”, dù có lỡ hẹn nhiều năm, chưa đáp ứng được kì vọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô, nhưng “đứa con” đầu tiên này vẫn được mọi người dân đón nhận.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài là 13,08 km. Tuyến đi qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của thành phố Hà Nội, được Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án đường sắt làm đại diện chủ đầu tư.
Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách và khu trung tâm điều hành tuyến tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |