Nhìn lại hình ảnh Hà Nội thay đổi ra sao sau hơn 50 ngày giãn cách xã hội
Hà Nội đang trong đợt giãn cách xã hội thứ 4 phòng chống COVID-19. Sau 50 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, thành phố đã thay đổi như thế nào?
6h sáng ngày 24/7, UBND TP Hà Nội quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch COVID-19. Hà Nội bước vào những ngày đầu giãn cách, phố phường, đường sá vắng vẻ, ít người đi lại, các khu công cộng, nơi tụ tập đều được giăng dây phong tỏa.
Tăng cường lập chốt kiểm soát đi lại của người dân: Ngay trong ngày giãn cách đầu tiên, Hà Nội lập 22 chốt để kiểm soát người ra vào tại các cửa ngõ thành phố. Sau đó, chính quyền thành phố mở tối đa "luồng xanh" cho các phương tiện chuyên chở hàng hóa thiết yếu vận chuyện lưu thông thuận lợi.
Trong nội thành, Hà Nội siết chặt hơn việc kiểm tra người đi đường bằng việc thành lập nhiều chốt. Thành phố yêu cầu người dân ra ngoài, đi làm phải có giấy tờ tùy thân, xác nhận có đóng dấu của cơ quan, đơn vị. Theo mức xử phạt đối với 16 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 do Sở Tư pháp Hà Nội công bố: Người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài không cần thiết bị phạt tiền tối đa 3 triệu đồng.
Ngày 16/8, Công an TP Hà Nội lập 6 tổ tuần tra kiểm soát gồm các lực lượng Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và công an địa bàn… trên các tuyến đường nhằm xử lý vi phạm về giãn cách xã hội. Ngày 29/8, tăng cường thêm 6 tổ tuần tra kiểm soát đặc biệt nói trên sẽ nâng tổng số lên thành 12 tổ tuần tra kiểm soát thuộc công an thành phố.
Từ ngày 4/9, sau khi Hà Nội chia vùng trong đợt giãn cách thứ tư, Công an TP Hà Nội triển khai chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 tại phân vùng 1 (vùng đỏ). Trong đó, 21 chốt trực của thành phố đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao (16 cán bộ/ca/chốt), các chốt trực 24/24h, chia làm 4 ca với chốt trưởng là cán bộ Phòng PC08 - Công an TP Hà Nội.
Bốn lần điều chỉnh giấy đi đường trong 2 tháng: Ngày 27/7, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao thành phố thống nhất mẫu giấy tờ, quy trình kiểm soát việc di chuyển của lực lượng công vụ, y tế, công nhân, lao động hiện đang sinh sống tại các khu vực ven thành phố, rút ngắn thời gian khai báo để di chuyển vào thành phố làm việc.
Ngày 9/8, Hà Nội tiếp tục siết chặt việc kiểm soát người ra đường. Ngoài giấy đi đường và giấy tờ tùy thân, người dân phải có thêm giấy phân công nhiệm vụ, lịch, ca trực của đơn vị. Nhiều chốt kiểm soát tại nội đô trở nên ùn ứ các phương tiện dừng chờ kiểm tra. Tuy nhiên đến ngày 10/8, Hà Nội lại ra văn bản điều chỉnh tránh gây phức tạp trong công việc kiểm tra giấy tờ đi đường của người dân.
Chiều 3/9, Hà Nội bắt đầu cấp giấy đi đường mới có nhận diện QR Code. Công an Hà Nội cho biết, có 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường. Tùy theo phân nhóm, thẩm quyền cấp giấy đi đường thuộc công an thành phố; công an phường, xã, thị trấn. Ngày 5/9, Công an Hà Nội ra văn bản hướng dẫn, phân cấp cụ thể về thẩm quyền cấp giấy đi đường, điều chỉnh lại so với dự kiến ban đầu. Trong đó, nhóm các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhà nước… thẩm quyền cấp giấy đi đường được điều chỉnh như cũ, do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp. Tối 5/9, Hà Nội ra thông báo trong 2 ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng chưa xử phạt nếu người đi đường chưa có giấy đi đường theo quy định mới. Tới chiều tối 7/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, xem xét hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.
Khoanh "vùng xanh", đi chợ bằng tem phiếu: Từ ngày 1/8, tại nhiều khu vực bắt đầu thiết lập "vùng xanh"- vùng an toàn không có dịch tại các ngõ xóm, khu dân cư. Mô hình này được kỳ vọng góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng.
Các “vùng xanh” do tổ tự quản an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại đầu ngõ xóm, thôn trực tiếp giám sát, quản lý theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”, để bảo vệ dân cư không để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào và lây nhiễm chéo trong địa bàn. Trải qua 50 ngày giãn cách, "vùng xanh" phủ gần hết các ngõ xóm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phần lớn các phường trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội đều triển khai phát thẻ đi chợ đều có quy định ngày đi chợ chẵn, lẻ cho người đi chợ. Theo đó, mỗi phiếu chỉ cho một người đi và một lần vào chợ. Thậm chí, có những nơi còn quy định cụ thể khung giờ được phép vào chợ mua hàng, người dân cầm thẻ đi chợ đúng giờ quy định.
Trong 50 ngày giãn cách, Hà Nội không đóng cửa chợ dân sinh, đảm bảo giãn cách, vì vậy việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh trong 50 ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy. Qua đó, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung cấp cho người dân, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, khan hiếm diện rộng.
Thần tốc xét nghiệm và tiêm vắc xin: Hà Nội bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho toàn dân lớn nhất từ ngày 27/7 tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với cả ba loại vắc xin gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna.
Từ 9/8 đến 17/8, thành phố Hà Nội tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số khoảng 1.300.000 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR để phòng chống dịch COVID-19. Thành phố sẽ xét nghiệm cho toàn bộ người dân tại “nhóm đỏ”; xét nghiệm cho những người có ho, sốt, khó thở... qua khai báo y tế; xét nghiệm cho “nhóm da cam” bao gồm các đối tượng là nhân viên y tế, bệnh nhân, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị, lái xe, người giao hàng, bảo vệ tòa nhà... trên cơ sở chỉ định chuyên môn dịch tễ và xét nghiệm “vùng xanh” theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao, mỗi hộ gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao nhất (có thể căn cứ theo tiền sử di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thường xuyên tới các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ...).
Ngày 9/9, nhiều quận, huyện ở Hà Nội bắt đầu tăng tốc triển khai tiêm vắc xin cho người dân bằng cách tiêm cả ngày lẫn đêm và ưu tiên tiêm cho nhóm đối tượng trên 65 tuổi. Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ, tính từ 18h ngày 10/9 đến 18h ngày 11/9, thành phố đã triển khai tiêm 411.452 mũi vắc xin phòng COVID-19 (tăng 50.762 mũi so với hôm trước). Với năng lực hiện có và sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành phố, Hà Nội có thể tiêm được hơn 300.000 mũi tiêm/ngày, nên dự kiến số vắc xin được phân bổ hiện tại sẽ được tiêm hết trong ngày 11/9. Nếu được phân bổ đủ vắc xin, thành phố hoàn toàn có thể tiêm xong 100% người dân từ 18 tuổi trở lên như mục tiêu đề ra trước ngày 15/9.
Từ ngày 6/9 đến 12/9, Hà Nội xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn thành phố theo nguyên tắc tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao: Lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần. Tại khu vực có nguy cơ cao: Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần. Tại các khu vực khác: Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.
Chiều 10/9, trao đổi với các cơ quan báo chí về tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội khẳng định, qua 3 đợt giãn cách xã hội, thành phố đạt được 5 kết quả quan trọng, trong đó quan trọng nhất là khống chế, không để dịch bùng phát mạnh mặc dù mức độ nguy cơ dịch bệnh ban đầu là rất lớn. Theo ông Phong, đợt bùng phát dịch thứ 4 xảy ra từ ngày 27/4, lúc đó Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Ở bên trong thành phố đã phát sinh những ổ dịch rất phức tạp, trong khi 8 tỉnh xung quanh đều có dịch. Với vị trí là Thủ đô, trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông, trung tâm giao dịch, hằng ngày, có hàng chục nghìn lượt phương tiện, hàng vạn người qua lại thành phố, chưa kể cả chuyến bay giải cứu, lượng người nhập cảnh vào thành phố cũng rất lớn... Nhưng với ý thức trách nhiệm cao và luôn chủ động có phương án, kế hoạch phòng, chống dịch ở mức cao hơn, Hà Nội đã áp dụng các biện pháp mạnh để đối phó với dịch, trong đó từ 6h ngày 24/7, thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Đến nay, thành phố đã qua 3 đợt giãn cách xã hội; từ ngày 6/9, áp dụng phương án chia 3 vùng với mức độ phòng, chống dịch khác nhau, trong đó tiếp tục giãn cách xã hội ở Vùng 1. Mục tiêu của việc thực hiện giãn cách xã hội là nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh; đồng thời rà soát, truy vết các trường hợp F0, F1 để đưa cách ly, F2 để cách ly tại nhà; tạo điều kiện nâng cao năng lực hệ thống y tế trên địa bàn thành phố; chuẩn bị các phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh ở mức độ cao hơn. Việc áp dụng biện pháp giãn cách và phải kéo dài là tình thế bắt buộc nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân, nhất là khi nguy cơ dịch bệnh còn cao, trong khi lượng vắc xin được phân bổ không đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. Cho đến trước ngày 2/9, Hà Nội mới được phân bổ 2,9 triệu liều và thực tế số vắc xin về kho của thành phố mới có 2,4 triệu liều; số người trong độ tuổi được tiêm vắc xin cũng mới chỉ đạt 26,5%, chủ yếu là tiêm mũi 1. |
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, trải qua 50 ngày giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, những ngày gần...