Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất hạ tuổi lấy bằng lái xe
Về đề xuất “trẻ hóa” độ tuổi cấp bằng lái xe, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu thực tiễn mới áp dụng tại Việt Nam.
Vừa qua, Bộ Công an tổ chức hội thảo Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề xuất cơ quan soạn thảo luật nghiên cứu để “trẻ hóa” đối tượng được cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1 - cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xylanh 50-175 cm3. Đề xuất này có hai luồng ý kiến trái chiều.
Có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất hạ độ tuổi cho đối tượng được cấp giấy phép lái xe hạng A1. Ảnh: THY NHUNG
16 tuổi đã đủ điều kiện về thể chất
Trong đó, khá nhiều học sinh và phụ huynh có con em ở độ tuổi này ủng hộ trẻ em từ 16 tuổi có thể được cấp GPLX hạng A1.
Chị Nguyễn Thị Vân (TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Trẻ em ở độ tuổi này đã phát triển hơn hẳn thế hệ trước cả về thể chất lẫn nhận thức. Kèm theo đó, trẻ em độ tuổi này cũng bắt đầu có những lớp học thêm, học nhóm cùng bạn bè mà không thể lúc nào cũng phụ thuộc cha mẹ đưa đón”.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, nhận định: “Theo tôi, đây là một đề xuất hợp lý. Đây cũng là trào lưu trên thế giới khi xét về mặt thể chất, nhận thức, độ tuổi này đã phát triển”.
Ông Tính dẫn chứng hiện nay một số nước trên thế giới đã hạ độ tuổi của người được cấp GPLX hai bánh cũng như bốn bánh. Do đó, Việt Nam nên nghiên cứu trên các nước đang áp dụng có những khó khăn, thuận lợi gì và các nước có cần điều kiện kèm theo hay không. Ví dụ như độ tuổi này chỉ được đi trong khu vực nội đô hay như thế nào đó. Theo đó, Việt Nam có thể áp dụng thí điểm trong vòng 1-2 năm để đánh giá và rút kinh nghiệm, sau đó đưa vào áp dụng chính thức.
“Khuynh hướng này là tiên tiến và phù hợp với tình hình phát triển chung của các nước. Tuy nhiên, việc thay đổi quy định với người được cấp GPLX A1 thì cũng cần nghiên cứu luật pháp có cần điều chỉnh để phù hợp tình hình chung hay không?” - ông Tính góp ý.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tiến Bộ, cho rằng: “Với GPLX hạng A1 hiện nay là những xe đi hằng ngày và thực tế cho thấy học sinh lớp 9, lớp 10 đã đi nhiều rồi”.
Cũng theo ông Dũng, khi người lái đảm bảo điều kiện như vấn đề sức khỏe theo quy định thì việc này cũng thuận lợi cho người dân khi cha mẹ không phải đưa đón con cái.
Cần nghiên cứu lại
Đại diện một trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn TP.HCM cho rằng: Ở độ tuổi 16 và 18 tuổi là khác nhau.
“Tuổi 16 còn ở độ tuổi bốc đồng, lại thiếu kinh nghiệm nên đi xe phân khối lớn chưa xử lý được tình huống. Sự ủng hộ của các phụ huynh hiện nay chỉ nghĩ đến nhu cầu nhưng xét về khía cạnh pháp luật thì độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là 18 tuổi. Khi đề xuất này được đồng ý, nếu có xảy ra tai nạn chết người thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?” - vị này đặt vấn đề.
Cũng theo vị đại diện này, hiện nay thực tế nhiều học sinh vẫn sử dụng xe trên 50 cc đi học. Tuy nhiên, các nhà trường xử lý bằng cách không cho học sinh gửi xe loại không phù hợp trong khuôn viên trường học.
Đồng quan điểm, ThS tâm lý học Lê Mỹ Linh (Trung tâm Apax Leader) cho rằng xét về góc độ tâm lý, người dưới 18 tuổi chưa nên được cấp bằng lái xe trên 50 cc. Đây là độ tuổi có tâm sinh lý hoạt động chủ đạo là bạn bè, nhóm, hội nên nếu được pháp luật đồng ý cấp GPLX nghĩa là có phương tiện để dễ tụ tập hơn.
“Tuổi mới lớn thường có những nhu cầu khẳng định mình, chứng tỏ mình, rất hay thành lập băng nhóm, đua xe. Chưa kể gây ra tai nạn, khi sử dụng xe như vậy cha mẹ không thể kiểm soát được các em đi đâu, về đâu” - vị chuyên gia nói.
Bà Linh cũng phân tích thêm tại Việt Nam hạ tầng giao thông chưa đủ rộng rãi, khi các em chưa làm chủ được bản thân, chưa kiểm soát được hành vi tốt thì việc chưa tuân thủ luật lệ giao thông cũng bị hạn chế.
“Trẻ em phương Tây, 16 tuổi có thể được thi bằng lái xe nhưng chúng ta phải thấy ở họ đường sá như thế nào, điều kiện, mức sống của họ ra sao. Tôi cảm giác là Việt Nam chưa phù hợp, nếu cân nhắc được giống như nước ngoài thì mới có thể áp dụng” - chuyên gia nhấn mạnh.
Độ tuổi được sở hữu bằng lái xe ở các nước trên thế giới Mỗi quốc gia có luật lệ và yêu cầu riêng khác nhau về độ tuổi được phép thi và sở hữu GPLX. Ở Canada, người dân có thể nhận được GPLX ở tuổi 16 (riêng ở tỉnh Alberta, đủ 14 tuổi đã có thể đăng ký thi sát hạch bằng lái xe). Tại Thái Lan, theo Bộ GTVT nước này, độ tuổi tối thiểu để công dân được lái xe hơi là 18 tuổi và lái xe máy là 15 tuổi. Tuy nhiên, để có được bằng lái xe chính thức, tất cả người dân đều phải vượt qua kỳ thi sát hạch lái xe để lấy bằng lái xe tạm thời. Sau khi sở hữu bằng tạm thời và đủ 18 tuổi trở lên, người lái xe có thể đăng ký thi sát hạch một lần nữa để chuyển thành GPLX chính thức. Tại Mỹ, theo trang thông tin verywellhealth.com, tùy từng tiểu bang, độ tuổi mà thanh thiếu niên được phép bắt đầu học lái xe vào khoảng 14 đến 16 tuổi. Độ tuổi để nhận được bằng lái xe tạm thời là 15-16 tuổi và những người 16-18 tuổi sẽ được quyền tham gia kỳ thi sát hạch để lấy bằng lái xe chính thức. Một số bang như Alaska, Arizona, Kansas, New Mexico hay Wyoming chỉ cho phép những thanh thiếu niên đủ 16 tuổi sáu tháng được thi lấy bằng lái chính thức. Ở Trung Quốc, độ tuổi tối thiểu để người dân được phép sở hữu bằng lái xe hợp pháp được chia theo các loại bằng và các loại xe có vận tải khác nhau. Theo đó, công dân đủ 18 tuổi trở lên mới được phép thi sát hạch để lấy bằng C1, C2, C3, D, E, F (xe máy và các loại ô tô cá nhân). Khôi Phương |
Theo đại biểu tham dự hội thảo, quy định về cấp giấy phép lái xe hiện nay đã lạc hậu so với thực tiễn.
Nguồn: [Link nguồn]