Nhiều vấn đề lớn phát lộ sau mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh
"Tôi ở Quảng Ninh và làm phòng chống bão lũ cũng khá lâu nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày, phân bố không đều ở các vùng dẫn đến việc không lường được trước tình hình như vậy".
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhiều bài học đã được rút ra từ trận mưa lũ lịch sử. Quảng Ninh giờ rất cần sự chung tay hỗ trợ của người dân cả nước.
Ông Đặng Huy Hậu
Ông có thể đánh giá sơ lược về những thiệt hại do trận mưa lũ gây ra cho người dân tỉnh Quảng Ninh?
Tôi ở Quảng Ninh và làm phòng chống bão lũ cũng khá lâu nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày, phân bố không đều ở các vùng dẫn đến việc không lường được trước tình hình như vậy. Có một số nguyên nhân của việc ngập lụt nặng: Thứ nhất, do mưa rất lớn trong thời gian dài.
Thứ hai, do cơ sở hạ tầng thoát nước trên địa bàn tỉnh không tốt. Việc quy hoạch của địa phương cũng vậy. Điều này thể hiện qua quy hoạch đổ thải các bãi xỉ than cũng như vấn đề an toàn sau đổ thải ở các bãi đổ. Đây là vấn đề đáng lưu ý trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa cao và nhanh. Việc mất cân bằng sinh thái tự nhiên cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng. Cùng đó là yếu tố thời tiết cực đoan.
Vậy tỉnh đã rút ra được bài học gì trong trận mưa lũ này?
Bài học thì rất nhiều. Đến nay có thể thấy là vấn đề dự báo lượng mưa ra sao. Thứ hai là xử lý thông tin kịp thời từ dưới lên trên và ngược lại. Thông tin có kịp thời, chính xác mới có phương án ứng phó tốt. Cùng đó là phản ứng của chính người lãnh đạo trong việc đưa ra quyết sách chính xác và chỉ đạo quyết liệt.
Như vừa rồi chúng tôi phát lệnh, chỉ sau hơn 1 tiếng, tàu huy động của lực lượng hải quân lập tức có mặt. Như vậy rất nhanh. Các đơn vị đóng quân trên địa bàn như quân khu 3, 242 ở Vân Đồn cũng triển khai rất nhanh. Việc huy động xuồng cứu hộ ở Quang Hanh (Cẩm Phả) cũng vậy.
Ở đây cũng cần nói, trong các trận mưa bão vừa qua, nhiều người dân khá chủ quan với mưa bão. Việc phối hợp với chính quyền cũng chưa tốt. Khi chính quyền phát lệnh sơ tán, việc di dời cũng rất chậm nên mới có trường hợp gặp nạn do sạt lở. Đến nay tỉnh đã ứng 15 tỷ đồng để cứu trợ cho bà con bị ảnh hưởng của lũ lụt ở thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. Tỉnh chỉ đạo các địa phương phải chủ động làm công tác tiếp tế cho dân, tuyệt đối không để dân thiếu ăn.
Được biết tỉnh Quảng Ninh đã phát động kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng với người dân bị ảnh hưởng của mưa lũ. Việc ủng hộ đến giờ này đã thực hiện thế nào, thưa ông?
Với Quảng Ninh, chúng tôi đợt này không thể hình dung được mức độ thiệt hại quá lớn như vậy. Ước tính thiệt hại ban đầu là hơn 1.500 tỷ đồng nhưng không phản ánh hết thực chất của thiệt hại. Thiệt hại, theo tôi, sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Quảng Ninh tuy là tỉnh thu ngân sách lớn của cả nước nhưng giờ rất cần sự chia sẻ của cả cộng đồng. Một cân gạo giúp đỡ lúc này, một miếng khi đói bằng cả gói khi no, là rất cần thiết. Mong người dân cả nước và báo chí ủng hộ chương trình hướng về người dân Quảng Ninh. Hơn lúc nào hết người dân Quảng Ninh rất cần sự hỗ trợ.
Cảm ơn ông!