Nhiều tuyến cao tốc của VEC chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng
Đối với các dự án của Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), hiện mới lắp đặt được số làn tối thiểu trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Các tuyến cao tốc còn lại (Hà Nội - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Đà Nẵng - Quảng Ngãi) chưa lắp đặt.
Sau phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, sáng nay (9/6), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Thời gian dành cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từ 9h15 đến 15h20, với các nội dung: Tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc; công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
Ông Thể cũng sẽ trả lời về thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước cùng tham gia trả lời, giải trình.
Trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Thể đã có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về những vấn đề thuộc lĩnh vực ông phụ trách. Tại báo cáo này, Bộ trưởng lý giải về sự chậm trễ trong việc triển khai thu phí điện tử không dừng, khi mà hạn cuối cùng đã qua từ 2,5 năm trước.
Ông Thể thông tin, đến nay, tất cả các trạm thu phí đủ điều kiện đã được lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng. Đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, trong đó, Bộ GTVT quản lý 69 trạm, địa phương quản lý 44 trạm.
Đối với các dự án của Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), theo ông Thể, hiện mới lắp đặt được số làn tối thiểu trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Các tuyến cao tốc còn lại (Hà Nội - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Đà Nẵng - Quảng Ngãi) chưa lắp đặt, đang sử dụng hệ thống thu phí thủ công - MTC.
“Hiện nay có khoảng hơn 3 triệu phương tiện đã dán thẻ để tham gia dịch vụ, chiếm hơn 65% tổng số phương tiện trên toàn quốc” – ông Thể cho hay và cam kết sẽ chỉ đạo hoàn thiện toàn bộ hệ thống để đảm bảo các trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy, áp dụng chế tài dừng thu phí hoặc yêu cầu đóng các làn thu phí chưa lắp đặt thu phí không dừng nếu chậm tiến độ.
Đối với việc lắp đặt các làn thu phí còn lại (Bộ GTVT và địa phương là cơ quan có thẩm quyền), nhà đầu tư BOT đã hoàn thành công tác chuẩn bị (thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu, đặt hàng mua sắm thiết bị), phấn đấu hoàn thành trước ngày 30-6-2022.
“Trong quá trình lắp đặt các làn thu phí còn lại, việc thu phí không dừng tại các trạm thu phí vẫn diễn ra bình thường do các trạm đã được lắp đặt số lượng lớn các làn thu phí ETC (mỗi trạm chỉ còn 1 cửa thu MTC)” – ông Thế báo cáo.
Với các dự án do VEC quản lý, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trước ngày 6/6/2022 để tiến hành lắp đặt, vận hành hệ thống trong tháng 7/2022, nghiêm túc xử lý trách nhiệm, tập thể cá nhân nếu để chậm tiến độ.
Vẫn trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã tập trung làm rõ tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc; công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước…
Liên quan đến dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, ông Thể thông tin, dự án gồm 4 dự án thành phần (gồm các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; các công trình phục vụ quản lý bay; các công trình thiết yếu trong cảng hàng không; các công trình khác.
Đáng lưu ý, với dự án thành phần 1, ngoài trụ sở Cảng vụ hàng không (Bộ GTVT đã bố trí vốn), các trụ sở còn lại do kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chưa được các bộ chủ quản và UBND tỉnh phê duyệt, nên công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm.
Ở dự án thành phần 3, phần mặt bằng khu vực san nền và khu vực dự trữ chưa được bàn giao toàn bộ nên nhà thầu chưa phát huy hết năng lực san nền trên toàn bộ dự án; tường rào ranh giới cho toàn bộ 5.000 ha chưa được xây dựng nên tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn cũng như tái lấn chiếm.
Với hạng mục đường công vụ chính (tuyến số 1 và số 2) mới đang kiểm đếm nên tiềm ẩn nguy cơ không có mặt bằng để triển khai khởi công vào tháng 12-2022 và ảnh hưởng đến tiến độ chung dự án.
Để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng khu vực 4, 5 (khu trữ đất) và khu vực 14, 17, 18 (khu xây dựng) để không ảnh hưởng đến tiến độ công tác san nền và bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án trong tháng 6-2022 để xây dựng tường rào ranh giới bảo đảm an ninh, an toàn, chống lấn chiếm.
Nguồn: [Link nguồn]
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho rằng việc xem xét gia hạn thêm thời gian dán thẻ ETC miễn phí thời điểm này là phù hợp.