Nhiều tổ trưởng dân phố xin nghỉ việc, dán bảng xin nghỉ việc trước nhà
Không chỉ làm công tác hỗ trợ, tổ trưởng dân phố còn tham gia tuyên truyền việc giãn cách, phát phiếu, đi chợ hộ, vận động, lập danh sách tiêm chủng…, khối lượng công việc và áp lực rất lớn
Ngày 17-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã có buổi làm việc trực tuyến với UBND các quận 8, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Hóc Môn giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42, 154, 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TP HCM về chính sách, hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Đây là phiên làm việc đầu tiên của Đoàn ĐBQH TP HCM trong kế hoạch giám sát việc thực hiện các Nghị quyết hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Nhiều tổ trưởng xin nghỉ việc
Tại buổi làm việc, nhiều địa phương phản ảnh công tác chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn khi thời gian thực hiện gấp gáp trong lúc dịch căng thẳng, giãn cách lâu nên khâu rà soát, thống kê còn thiếu sót các đối tượng thuộc diện hỗ trợ.
Lãnh đạo xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn cho biết xã là cấp cuối cùng thực hiện chính sách nhưng cần một hệ thống chân rết từ các ấp, tổ nhân dân. Tuy nhiên hiện nay các cô chú tổ nhân dân lớn tuổi xin nghỉ việc rất nhiều, xã phải khẩn cầu các cô chú tiếp tục hỗ trợ địa phương.
ĐBQH Trần Kim Yến cho rằng khối lượng công việc của các tổ dân phố, tổ nhân dân rất lớn
Trao đổi về vấn đề này, ĐBQH Trần Kim Yến nhìn nhận có tình trạng cô chú tổ trưởng xin nghỉ việc, thậm chí dán bảng xin nghỉ việc trước nhà.
ĐBQH Trần Thị Kim Yến nói tổ trưởng tổ dân phố thường là cô chú lớn tuổi, bệnh nền nhiều, khả năng bị lây bệnh là rất lớn, có trường hợp con cái không cho tham gia. Vừa qua những người này không chỉ làm công tác hỗ trợ mà còn tham gia tuyên truyền việc giãn cách, phát phiếu, đi chợ hộ, vận động, lập danh sách tiêm chủng…, khối lượng công việc và áp lực rất lớn.
"Đấy là sự hy sinh rất lớn" - ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đánh giá. Ông cho rằng nếu không có đội ngũ này mà chỉ có cán bộ phường, xã thì không có cách nào để lập danh sách hỗ trợ an sinh.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: "Đây là sự hy sinh rất lớn"
Theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, đối với việc còn bỏ sót đối tượng hỗ trợ, cần tổng hợp danh sách, có cơ chế để khắc phục. Lực lượng ở cơ sở cần mạnh mẽ hơn, củng cố lại, tăng cường lực lượng từ cấp quận, cấp thành phố về và có thêm phụ cấp rõ ràng. Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần có cơ chế để khi người dân đói thì có thể phát tín hiệu ngay, ngoài phản ánh lên các cổng thông tin.
Khi giãn cách xã hội lâu hơn, số người cần hỗ trợ tăng lên, quy mô lớn hơn, có nguy cơ sai sót lớn hơn. Vì vậy, cần có lộ trình, thông điệp, làm theo thứ tự, động viên gia đình nào còn có thể trụ được thì chậm hơn.
Nhận quà nhiều lần, vẫn gọi tổng đài xin thêm
Tại buổi làm việc, ĐBQH Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM TP, thông tin khi giám sát ở huyện Bình Chánh, có một gia đình đã nhận 2 lần tiền hỗ trợ (1,5 triệu và 1,2 triệu đồng) cùng với 6 lần nhận quà của huyện chuyển xuống nhưng vẫn gọi lên tổng đài 1022, HĐND và MTTQ để xin thêm. Hay một trường hợp khác không có số nhà đã được chuyển rau củ quả nhưng "đòi cho hàng ngày".
ĐBQH Tô Thị Bích Châu cho biết có tình trạng nhận quà nhiều lần vẫn gọi lên tổng đài xin thêm
Một số hộ ở quận Gò Vấp đã nhận 1,5 triệu đồng, được Đoàn Thanh niên đi trao nhưng nghĩ còn khoản hỗ trợ khác của chính quyền nên xin thêm. Bà Tô Thị Bích Châu mong rằng bà con cần có sự chia sẻ, cảm thông với lực lượng ở cơ sở trong lúc dịch bệnh đang căng thẳng.
Trong khi đó, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND TP HCM Cao Thanh Bình cho biết sau đợt 1, số lượng đối tượng bị sót hỗ trợ là rất lớn. Ông dẫn chứng như quận 8 sót gần 23.000 trường hợp, đã chi trả bổ sung nhưng hiện còn hơn 5%, hay quận Gò Vấp còn sót 10.000 trường hợp, huyện Hóc Môn sót trên 15.000 trường hợp…
Ông Cao Thanh Bình đề nghị trường hợp tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân thực hiện hỗ trợ chưa tốt thì nên tăng cường đoàn thể, cán bộ phường/xã về hỗ trợ để tránh gây thiệt thòi cho người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận và chia sẻ khó khăn với lực lượng cán bộ ở cơ sở. Tuy nhiên, Đoàn ĐBQH TP HCM cũng nhận được thông tin nhiều địa phương chi hỗ trợ rất chậm, cần rút kinh nghiệm vào đợt 3. Bà Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị thời gian tới phải làm tốt công tác xác minh, dưới sự hỗ trợ của cảnh sát khu vực phải lập danh sách nhanh nhưng không sót đối tượng; cấp nào thực hiện tốt nhiệm vụ của cấp đó, trong đó quận phải duyệt ngay khi có danh sách và cấp ngay kinh phí cho phường. "Không để xảy ra tình trạng gửi tiền chậm cho dân là vì lập danh sách chậm hay duyệt chậm hoặc rà soát quá kỹ" Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM đề nghị |
Nguồn: [Link nguồn]
Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, cơ quan thuộc UBND thành phố phải sử dụng đúng quyền hạn được giao, không chuyển công...