Nhiều sự cố mà vẫn "an toàn, nghiêm túc"!

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, dù có đến 766 thí sinh bị kỷ luật và không ít sự cố ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh

Ngày 4-7 diễn ra 2 môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT là lịch sử và sinh học. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kỳ thi THPT quốc gia đã diễn ra an toàn, nghiêm túc (!). Tổng số thí sinh (TS) bị kỷ luật là 766, trong đó khiển trách: 49; cảnh cáo: 27; đình chỉ 690. Số liệu do các cụm thi gửi về có những cụm thi địa phương hầu như không có TS nào bị xử lý.

Khắc phục sự cố

Tuy bộ đánh giá là “an toàn, nghiêm túc” nhưng thực tế 4 ngày thi đã diễn ra nhiều sự cố. Sáng 4-7, cụm thi do Trường ĐH Đà Lạt chủ trì đã phải tổ chức thi lại môn toán cho 25 TS vì 2 giám thị coi thi thay vì ký vào ô “cán bộ coi thi” đã ký nhầm sang ô “cán bộ chấm thi”, trên giấy làm bài của TS trong ngày 1-7 và khi phát hiện sự cố giám thị đã cho TS chép lại bài trên giấy thi khác khi TS đã làm bài được 100 phút. Theo PGS-TS Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, để bảo đảm quyền lợi tối đa cho TS, cụm thi sẽ chấm cả hai bài thi, bài nào điểm cao sẽ lấy điểm bài đó.

Nhiều sự cố mà vẫn "an toàn, nghiêm túc"! - 1

Sau môn thi cuối cùng, TS Nguyễn Thị Mỹ Linh (quê Kiên Giang; học sinh Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, quận 9, TP HCM) đã bật khóc khi được gặp lại người thân sau 1 năm xa nhà để học tập và ôn thi - Ảnh: Quốc Chiến

Trưa 4-7, ông Lê Đức Chung - Trưởng điểm thi Trường THPT Yên Định 1, cụm thi số 25 do Sở GD-ĐT Thanh Hóa chủ trì - xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động về việc vào khoảng 14 giờ 15 phút ngày 3-7, khi các cán bộ coi thi số 1 của cụm thi tiến hành bóc đề môn hóa học thì có 3/4 phòng thi phát hiện ra sự cố thiếu tổng cộng 18 đề. Cụm thi đã photocopy thêm đề ngay tại điểm thi dưới sự chứng kiến của lực lượng công an và giám sát coi thi. Tuy nhiên, TS làm bài thi trễ 50 phút so với quy định.

Chiều 4-7, trả lời về sự cố hy hữu này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT, cho biết: “Nhiều TS khi nhận đề thi nghĩ là thời gian làm bài luôn, thực ra không phải vậy. Đối với môn thi trắc nghiệm thì phát đề lúc 14 giờ 15 phút, 15 phút sau TS mới được phép làm bài. Trong khoảng thời gian 15 phút, cán bộ coi thi có thể điều chỉnh nếu phát hiện sai sót. Ở đây, cán bộ phát hiện có sự cố về đề nên đã điều chỉnh và phát đề cho TS vào lúc 14 giờ 28 phút, trước thời gian TS chính thức làm bài” - ông Trinh giải thích. Thế nhưng, khi phóng viên đặt tiếp câu hỏi rằng liệu báo cáo mà ông Trinh đưa ra có chính xác hay không thì ông Trinh cho hay ban chỉ đạo thi sẽ tiếp tục xác minh và bảo đảm mọi quyền lợi cho TS.

Trả lời về việc một số TS bị đình chỉ tại điểm thi Trường ĐH Y Dược TP HCM trong môn thi văn, sau đó có đến điểm thi gây rối, TS Hà Hữu Phúc - Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP HCM - cho biết đây là những TS thực hiện nghĩa vụ trong ngành công an chứ không phải là những cán bộ thuộc biên chế của ngành. Sáng 4-7, ông Phúc có kiểm tra các điểm thi có phản ánh TS vi phạm nhưng thấy các điểm thi ổn định. Bộ GD-ĐT cũng trao đổi với Bộ Công an và được biết những TS vi phạm đã về đơn vị.

Thí sinh vi phạm chủ yếu ở cụm thi ĐH

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại những cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì, hiện tượng tiêu cực thi cử vẫn diễn ra khá công khai. Trả lời các câu hỏi về tính nghiêm túc của kỳ thi, liệu có hay không sự buông lỏng trong các cụm thi địa phương, tại sao các TS bị kỷ luật phần lớn lại ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì, ông Mai Văn Trinh cho rằng ở tất cả cụm thi đều có sự tham gia của cán bộ giảng viên ĐH, không có sự khác biệt về tính nghiêm túc của các cụm thi, chỉ khác nhau về địa điểm để tạo điều kiện cho TS. “Chúng tôi không có ý phân biệt 2 cụm thi nên không bóc tách các số liệu thống kê. Nếu như cụm thi ĐH nhiều TS vi phạm hơn cụm địa phương thì có thể nói rằng những TS lấy kết quả để tuyển sinh ĐH chịu áp lực cao hơn TS thi tốt nghiệp, nên ý định vi phạm lớn hơn” - ông Trinh nói.

Đâu là thước đo cho sự “an toàn, nghiêm túc” của kỳ thi? Ông Mai Văn Trinh cho rằng một kỳ thi an toàn, nghiêm túc được đánh giá trên nhiều phương diện, trước hết là hình thức, sau đó còn là nội dung, với việc phân tích phổ điểm, kết quả thi. “Có thể thấy những hiện tượng như trước không còn, trường thi sạch sẽ hơn, không còn chuyện phao thi rải trắng sân trường như nhiều năm trước... Nhiều TS vi phạm kỷ luật chứng tỏ các hội đồng thi đã làm nghiêm quy chế thi” - ông Trinh đánh giá.

Công bố kết quả thi trước ngày 20-7

Trước những băn khoăn liệu có phải đề thi năm nay rơi vào tình trạng cao không tới, thấp không thông và liệu mức điểm tập trung ở khoảng 5, 6, 7 như nhiều người dự đoán có gây khó khăn cho các trường ĐH trong việc xét tuyển không, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng chất lượng tuyển sinh sẽ phụ thuộc đẳng cấp và chất lượng của mỗi trường.

TS sẽ căn cứ vào kết quả thi và nguyện vọng của mình để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường phù hợp. Trong 20 ngày đầu đăng ký để xét nguyện vọng 1, cứ 3 ngày các trường sẽ cập nhật tình hình hồ sơ xét tuyển 1 lần. TS sẽ căn cứ vào đó để căn chỉnh thay đổi nguyện vọng. Điều này có thể sẽ khiến các trường gặp đôi chút khó khăn nhưng hưởng lợi sẽ là TS.

Ngày 4-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã làm việc với ban chỉ đạo cụm thi ĐH Đà Nẵng về công tác thi THPT quốc gia. Theo ông Ga, trong chiều cùng ngày, Bộ GD-ĐT chính thức công bố đáp án và thang điểm các môn thi đồng thời gửi về các cụm thi để chuẩn bị chấm thi. Kết quả thi sẽ được công bố chậm nhất vào ngày 20-7.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh rằng năm nay, công tác chấm thi sẽ thực hiện hết sức nghiêm túc. Các giám đốc sở GD-ĐT sẽ giới thiệu giáo viên chấm thi và chịu mọi trách nhiệm về nhân thân của người chấm; bảo đảm công bằng, minh bạch.

Xem xét dấu hiệu hình sự 1 vụ vi phạm

Sáng 4-7, trong buổi thi môn sử, Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội phát hiện và bắt giữ một nhóm đối tượng đang có dấu hiệu giải và đọc bài gửi vào phòng thi ở Hà Nội. Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng C. và L. khai nhận đã thực hiện hành vi giúp thí sinh P.D.L (Vĩnh Phúc) làm bài thi môn sử bằng cách gọi điện cho TS bằng iPhone, hành vi này đã thực hiện trót lọt trong buổi thi ngày 2-7. Vụ việc chỉ được phát hiện khi lực lượng công an vào cuộc chứ không phải từ hội đồng thi.

Trước câu hỏi liệu các giám thị có bị truy cứu trách nhiệm vì để xảy ra tình trạng này, ông Mai Văn Trinh cho biết sau khi nhận thông tin từ cụm thi Học viện Kỹ thuật Quân sự và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu tăng cường khâu thanh tra ở khu vực đó để phát hiện xem có sự việc gì khác không. Bộ GD-ĐT cho biết khi kết luận của cơ quan điều tra sẽ xử lý theo quy chế, nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ truy cứu trách nhiệm.

ĐỂ TRA CỨU ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT QG NĂM 2015

SOẠN TIN: DIEM SỐBÁODANH gửi 8702

VD: Thí sinh thi ở cụm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội, SBD là BKA000345, soạn tin:

DIEM BKA000345 gửi 8702

Xem chi tiết Bấm đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lan Anh - Huy Lân - Bích Vân - Tuấn Minh - Cao Nguyên (Người lao động)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN