Nhiều quy định mới về bằng lái xe phân khối lớn

Sự kiện: Thời sự

Dự thảo mới quy định người điều khiển các loại xe như Yamaha Exciter, Honda Winner, Suzuki Raider... sẽ phải thi bằng lái hạng A thay vì bằng A2 cũ.

Bộ Công an vừa đưa dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ ra lấy ý kiến góp ý. Theo đó, dự thảo có nhiều quy định mới về giấy phép lái xe (GPLX).

Nhiều quy định mới về GPLX

Cụ thể, Bộ Công an chia GPLX thành 17 hạng khác nhau thay vì 13 hạng như hiện nay, gồm A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.

Trong đó, GPLX hạng A0 được quy định cấp cho người lái xe máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xylanh dưới 50 cc hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW. Người điều khiển loại xe này phải đủ 16 tuổi trở lên. Đối với hạng A1 cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xylanh từ 50 cc đến 125 cc hoặc có công suất động cơ điện trên 4 kW đến 11 kW. Còn GPLX hạng A sẽ dành cho người điều khiển xe trên 125 cc. Đặc biệt, dự thảo này cũng quy định chi tiết hơn về việc cấp GPLX cho người khuyết tật.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề xuất nhiều điểm mới về thời hạn của GPLX. Đơn cử như GPLX hạng A0, A1, A, B1 không quy định thời hạn. GPLX hạng B2 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 60 tuổi, trường hợp người lái xe trên 60 tuổi thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Đối với GPLX hạng B sẽ có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Các hạng GPLX còn lại có thời hạn năm năm kể từ ngày cấp.

Dự thảo vừa đưa ra đã có nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt là nội dung người điều khiển các loại xe phải có GPLX hạng A, có tác dụng tương tự bằng A2 cũ. Phương án đề xuất là đối với GPLX hạng A1 chỉ được điều khiển xe từ 125 cc trở xuống (thay vì dưới 175 cc như trước đây). Còn GPLX hạng A sẽ dành cho mô tô, xe máy trên 125 cc. Như vậy, đối với người điều khiển xe trên 125 cc thì phải thi GPLX bằng A. Điều này đồng nghĩa với việc người điều khiển các loại xe như Yamaha Exciter, Honda Winner, Suzuki Raider sẽ phải thi bằng lái hạng A, thay vì bằng A2 cũ.

Nếu dự thảo được thông qua thì người điều khiển các loại xe như Yamaha Exciter, Honda Winner… sẽ phải thi bằng lái hạng A. Ảnh minh họa: THY NHUNG

Nếu dự thảo được thông qua thì người điều khiển các loại xe như Yamaha Exciter, Honda Winner… sẽ phải thi bằng lái hạng A. Ảnh minh họa: THY NHUNG

Cần có lộ trình phù hợp

Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch GPLX Hoàng Gia, cho rằng việc lọc ra chi tiết đối với hạng GPLX cho xe 175 cc sẽ ảnh hưởng như việc in phôi bằng và tác động lớn đến những người đang điều khiển loại xe này. Nếu dự thảo được thông qua thì người đi xe 175 cc buộc phải lấy bằng khác, không được lấy bằng A1 như cũ.

Đối với người lái xe 125 cc và trên 125 cc, do số lượng ít nên việc thi và lấy lại bằng mới sẽ không ảnh hưởng nhiều, dù việc thi lại và in phôi bằng rất tốn kém nhưng đây vẫn là điều nên làm. Còn đối với GPLX hạng A0, ông Long cho rằng không nên bỏ. Thêm giấy phép A0 là thêm mới chứ không bớt vì GPLX này độc lập hoàn toàn, không ảnh hưởng đến các hạng GPLX cũ.

Theo nguồn tin của PV, hiện nay Bộ Công an đã tiếp nhận nhiều ý kiến góp ý về dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ. Trong đó, liên quan đến đề xuất GPLX hạng A0 quy định cấp cho người lái xe máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xylanh dưới 50 cc hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW đã được Bộ Công an đưa ra khỏi dự thảo. 

Theo ông Long, việc áp dụng chia nhỏ hạng GPLX này bắt buộc phải có thời gian và lộ trình phù hợp.

Chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng cho biết đối với hạng GPLX dành cho xe máy ở nước ngoài không chia nhỏ như vậy. Về nguyên tắc, người lái xe dưới 50 cc thì người điều khiển xe không cần bằng lái. Còn đối với xe có phân khối lớn 125 cc hay 500 cc thì người điều khiển xe phải chứng minh có đủ khả năng, sức khỏe để lái xe hay không, như có đỡ nổi trọng lượng của xe, có chống được hay không.

Theo ông Đồng, dự thảo có thể quy định thêm về các loại bằng lái, tuy nhiên đối với người lái xe đã có GPLX và đang sử dụng thì không nên hồi tố, buộc thi lại. Bởi việc buộc những người lái các loại xe này thi lại không những gây tốn kém mà còn làm xáo trộn xã hội.

Nhiều ý kiến trái chiều

Gửi ý kiến góp ý về Pháp Luật TP.HCM, bạn đọc H. Nhứt cho rằng đề xuất này là vô lý. Người có bằng A1 nghĩa là đã được công nhận điều khiển xe hai bánh không quá 175 cc. Nay phải thi bằng A để được điều khiển xe từ 125 cc trở lên là thiếu tính thực tế. Nếu năm năm sau lại sửa luật thì ra sao và Bộ Công an có chắc khi luật này được thông qua thì tai nạn giao thông (TNGT) sẽ giảm 80% so với khi chưa được thông qua.

Theo bạn đọc Hoàng, việc phân cấp nhiều loại bằng lái gây ra thêm nhiều sự bức xúc trong dân, tạo ra nhiều lý do để một số bộ phận lạm quyền. Có bằng lái hay không bằng lái mà không có ý thức thì vẫn gây ra tai nạn. Phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân. Đồng thời, nên tăng các biện pháp răn đe và mức phạt lên hơn nữa, như việc tăng mức phạt sử dụng rượu, bia và các chất kích thích đã là một bước ngoặt lớn…

Còn bạn đọc Nguyễn Xuân Hùng lại đồng tình phương án này nhằm hạn chế TNGT. Vì người điều khiển các loại xe như Yamaha Exciter, Honda Winner..., xe côn nói chung thường là giới trẻ, họ thường chạy xe rất nhanh nên dễ gây tai nạn. 

Đề xuất mất GPLX phải thi lại: “Không phù hợp, thêm gánh nặng chi phí”

Luật sư, chuyên gia giao thông vừa có chia sẻ liên quan đến đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT “tất cả những người mất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Nhung- Tuyến Phan ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN