Nhiều quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người dân
ĐBQH cho hay các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới đang bộc lộ nhiều bất cập.
Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Quản lý quảng cáo xuyên biên giới lộ nhiều bất cập
Thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho biết ông hoàn toàn thống nhất sự cần thiết cần phải sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo, để khắc phục những bất cập, hạn chế đã và đang tồn tại sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012.
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, theo ĐB Tuấn, các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đang bộc lộ nhiều bất cập. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, mỹ quan đô thị và an toàn sức khoẻ người tiêu dùng.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh). Ảnh: QH
Ông Tuấn dẫn chứng, hiện nay quảng cáo trên các nền tảng số ngày càng phổ biến nhưng chưa có quy định rõ ràng và hiệu quả. Từ đó đã xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo qua livestream, video ngắn hay quảng cáo tự động.
“Cá biệt nhiều người Trung Quốc quảng cáo bán hàng bằng tiếng Trung Quốc trên Tiktok hay sàn giao dịch thương mại điện tử như Shein và Temu đã gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và ngăn ngừa các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người dùng” - ĐB đoàn Trà Vinh dẫn chứng.
Tiếp tục nêu ý kiến, ĐB Trần Quốc Tuấn cho hay lo ngại nhất là các sản phẩm trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đơn cử như một số thực phẩm chức năng, thuốc bổ được quảng cáo là "cải thiện sức khỏe toàn diện" hoặc "công dụng thần kỳ", nhưng thực tế không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh cho các lời khẳng định này.
Hoặc nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn, nước uống được quảng cáo là "chứa ít calo", "giảm mỡ", "chứa chất xơ cao”. Trên thực tế, các sản phẩm này có thể chứa nhiều đường, chất bảo quản hoặc thành phần không tốt cho sức khỏe.
Hoặc các dịch vụ tài chính như vay tiền, thẻ tín dụng, tín dụng đen, bảo hiểm… có thể quảng cáo các điều kiện rất hấp dẫn như "vay tiền không lãi suất", "hưởng lãi suất 0%". Nhưng thực tế có thể ẩn chứa nhiều khoản phí khác, hoặc các điều kiện rất phức tạp mà người tiêu dùng không dễ dàng nhận ra...
Từ đó, ĐB đề nghị Luật Quảng cáo sửa đổi cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị quảng cáo phải minh bạch, cung cấp thông tin rõ ràng, đáng tin cậy để không đánh tráo khái niệm về thông tin sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Các ĐB cũng đề nghị cần phải có các quy định rõ ràng về việc quảng cáo không được phép chiếm dụng không gian công cộng hoặc làm giảm đi giá trị cảnh quan đô thị. Các biển quảng cáo không được phép phủ lên các di tích lịch sử, các khu vực có giá trị văn hóa hoặc tự nhiên….
Cần thiết lập hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo
Nêu ý kiến về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo, ĐB Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) cho hay, hiện dự thảo luật đang bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Y tế, NN&PTNT.
ĐBQH Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá). Ảnh: QH
Tuy nhiên, ông cho rằng như vậy là chưa đầy đủ. Vì hầu như tất cả các bộ ngành đều phải thực hiện chức năng quản lý nhà nước có liên quan đến các sản phẩm của bộ, ngành mình, không riêng gì ba bộ trên.
Do vậy, ĐB cho rằng nội dung này cần quy định chung trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực có liên quan đến sản phẩm quảng cáo. Còn lại chi tiết chức năng nhiệm vụ từng ngành, lĩnh vực thì giao Chính phủ quy định chi tiết thì sẽ đảm bảo khoa học hơn.
Về việc thành lập hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo, ĐB Mai Văn Hải cũng cho rằng cần xem xét lại về sự cần thiết, về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của hội đồng.
“Nếu hội đồng này thẩm định tất cả sản phẩm quảng cáo trên địa bàn cả nước thì hội đồng này có hoàn thành nhiệm vụ không? Nếu thành lập thì chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng này đến đâu” - ông Hải đặt vấn đề.
Nguồn: [Link nguồn]
Người có ảnh hưởng phải chứng minh đã sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm trước khi đăng tải ý kiến cá nhân lên mạng xã hội, theo dự thảo sửa đổi Luật Quảng...