Nhiều quan chức cấp cao Úc bị tố dính líu đến mafia Ý
Tổ chức mafia Ý Calabria đã mua chuộc nhiều chính trị gia Úc cấp cao, theo kết quả một cuộc điều tra do chương trình Four Corners của Đài ABC kết hợp với công ty truyền thông hàng đầu của Úc, Fairfax Media thực hiện.
Nhiều quan chức cấp cao của Úc bị tố có liên hệ với mafia
Cụ thể, cuộc điều tra kéo dài trong một một năm và có trích dẫn các thông tin bí mật của cảnh sát cho biết, nhiều chính trị gia Úc ở cấp tiểu bang lẫn liên bang bị phát hiện lợi dụng các lỗ hổng chính trị để tham nhũng.Băng đảng mafia Calabria, còn được gọi là Ndrangheta đã kiếm được hàng tỷ euro nhờ các hoạt động buôn bán ma túy và tống tiền doanh nghiệp.
Tổ chức này là một trong những nhóm tội phạm khét tiếng nhất thế giới và đang ra sức tìm cách vươn vòi bạch tuộc ra ngoài biên giới Ý, mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới.
Theo Đài truyền hình quốc gia ABC của Australia cho hay, nhánh Calabria hoạt động ở Úc gây áp lực, đe dọa, tống tiền trong cả các hoạt động kinh doanh hợp pháp lẫn các hoạt động bất hợp pháp.
Cuộc điều tra chung của Đài ABC và Fairfax Media đã phát hiện ra mối liên hệ giữa các đối tượng tội phạm thuộc tổ chức Calabria và nhiều chính trị gia Úc cấp cao.
Cuộc điều tra còn chỉ ra rằng, một người đàn ông "có liên hệ mật thiết" với Calabria từng gặp cựu Thủ tướng John Howard và các quan chức Úc hàng đầu khác tại một sự kiện gây quỹ của đảng Tự do trong những năm đầu thập niên 2000. Tuy nhiên, cuộc điều tra không kết luận, liệu ông Howard có biết thân phận của người đàn ông này hay không.
Ngoài ra, những kẻ mafia cũng bị tố đã tiếp cận và dùng tiền để vận động, mua chuộc một số chính trị gia đảng Lao động lẫn đảng Tự do để giúp chúng giành được các lợi ích trong các hoạt động kinh doanh.
Chẳng hạn, Calabria đã thực hiện chiến dịch vận động hành lang để xin thị thực cho một thủ lĩnh mafia mà sau này bị bỏ tù vì buôn bán ma túy và dính líu vào một âm mưu giết người.
Cuộc điều tra cũng dẫn một bản báo cáo bí mật của cảnh sát tiết lộ rằng, con trai của một tay thủ lĩnh mafia thậm chí còn làm việc tại Đại sứ quán Úc ở Rome. Báo cáo của cảnh sát còn mô tả, sự cố trên là "một sai sót nghiêm trọng".
Calabria nổi lên vào giữa những năm 1970 hoạt động chủ yếu trên khắp châu Âu và có liên kết với các băng đảng ma túy Colombia. Doanh thu lớn nhất của tổ chức này được cho là đến từ cocaine, tống tiền và rửa tiền.
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])