Nhiều nước xử lý cảnh sát béo

Phòng CSGT Hà Nội vừa cho biết sẽ không để CSGT bụng bự được tham gia điều tiết giao thông. Đây không phải điều mới trên thế giới, vì một số nước cũng đã áp dụng hoặc đề xuất biện pháp giảm tình trạng quá nhiều cảnh sát thừa cân, béo phì.

Tháng 7/2011, Bộ Nội vụ Nga thông báo những cảnh sát béo quá sẽ phải giảm cân hoặc bị sa thải.

Quyết định này được đưa ra khi Nga muốn cắt giảm đội ngũ cảnh sát béo phì và cải thiện hình ảnh đất nước trong mắt khách du lịch và nhà đầu tư.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố sẽ cắt 1/5 lực lượng cảnh sát và tăng tính chuyên nghiệp trong hàng ngũ này.

Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Oleg Yelnikov cho biết ý kiến của Bộ trưởng Nội vụ chưa phải chính thức, và các văn bản luật của nước này không nêu cụ thể cân nặng của cảnh sát.

“Chưa có điều luật nào quy định điều đó. Nếu một người nặng 180kg mà vẫn chạy xa được thì không vấn đề gì”, ông Yelnikov nói.

Tuy nhiên, rất nhiều người lên tiếng kêu gọi phải ép cảnh sát giảm cân. “Bộ trưởng khá nhạy cảm trong việc nắm bắt đòi hỏi của người dân Nga rằng cảnh sát cần trông nghiêm chỉnh hơn. Giờ đây đội ngũ giám sát thực thi pháp luật sẽ không chỉ có đồng phục mới mà sẽ có hình dáng mới”, báo Trud bình luận.

“Với đôi mắt híp, cằm xệ, cổ đầy ngấn và bụng phệ, rất nhiều cảnh sát Saint Peterburg trông thật khó coi”, trang Neva 24 bình luận, và cho biết 12.000 trong số 40.000 cảnh sát của thành phố bị thừa cân, béo phì.

Tại nước Anh, một báo cáo do chính phủ Anh hậu thuẫn đưa ra vào tháng 3/2012 đề xuất bắt buộc cảnh sát hằng năm phải thực hiện bài kiểm tra thể hình xem có béo quá hay không. Nếu trượt quá 3 lần, cảnh sát sẽ bị bị cắt hơn 2.900 bảng tiền lương mỗi năm, kèm theo các hình thức xử lý khác, thậm chí cả sa thải.

Đề xuất của cựu quan chức ngành đường sắt Tom Winsor cho biết 44% cảnh sát bị thừa cân và 19% bị béo phì; 1% “béo bệnh” và chỉ có 35% có cân nặng bình thường.

Hiện nay, cảnh sát Anh chỉ bị kiểm tra thể hình khi họ bắt đầu vào nghề, và không bao giờ bị kiểm tra lại.

Nhiều nước xử lý cảnh sát béo - 1

Hai cảnh sát ở London đang đi tuần 

Ép giảm cân

Tháng 7/2005, sở cảnh sát thủ đô Bangkok (Thái Lan) buộc 85 cảnh sát giao thông có vòng eo hơn 100cm phải thực hiện phác đồ giảm cân.

“Thừa cân, béo phì làm ảnh hưởng đến công việc của họ và tổn hại hình ảnh của cảnh sát giao thông. Thừa cân, béo phì cũng không tốt cho sức khỏe của cảnh sát”, Thiếu tướng Montri Jamroon, phó giám đốc công an Bangkok,  nói.

Sở cảnh sát Bangkok kiểm tra cân nặng của 4.150 cảnh sát và xác định 85 cảnh sát bị thừa cân.

Theo phác đồ giảm cân, trong giai đoạn đầu, 85 cảnh sát này phải tham gia các bài tập thể chất tại bệnh viện vào 4h chiều hằng ngày.

Bệnh viện sẽ cung cấp bữa tối cho họ và phát tài liệu hướng dẫn chi tiết số lượng và chủng loại thực phẩm họ nên ăn vào bữa sáng và bữa trưa. Giai đoạn này kéo dài 2 tuần, sau đó vòng eo của họ sẽ được đo lại.

Những người giảm được cân sẽ tiếp tục thực hiện phác đồ điều trị này trong 2 tuần cuối của chương trình. Còn những người không giảm được phải thực hiện chương trình nghiêm ngặt hơn trong 2 tuần cuối, như phải ở tại bệnh viện, ăn đúng thời gian quy định, tập yoga và nhiều hoạt động khác để giảm mỡ thừa.

Sau 1 tuần tiếp theo, họ sẽ được đo vòng eo và phân chia làm 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất gồm những người giảm được eo sẽ tiếp tục thực hiện nốt phác đồ.
Nhóm thứ hai gồm những người vẫn giữ cân nặng như cũ. Họ sẽ phải châm cứu để giảm mỡ bên cạnh chế độ tập luyện và ăn uống nghiêm ngặt.

Sau khi hoàn thành chương trình dài 1 tháng, người không giảm được cân nào sẽ tiếp tục phải theo phác đồ giảm cân tại bệnh viện trong 1 tháng nữa. Nếu không có kết quả, họ sẽ phải làm công việc bàn giấy thay vì được điều khiển giao thông trên đường.

Tháng 5/2012, sở cảnh sát thủ đô của Indonesia cũng nhận được lệnh phải tập thể dục để giảm cân trước tình trạng quá nhiều cảnh sát thừa cân, béo phì, làm ảnh hưởng tới khả năng bảo vệ dân chúng. Ít nhất 300 cảnh sát thừa cân, béo phì ở Jakarta bị yêu cầu phải tập thể dục ít nhất 2 lần/tuần. Không có cảnh sát nào bị phạt vì thừa cân, béo phì, nhưng họ sẽ bị buộc phải thực hiện các bài tập.

Một chương trình tương tự cũng được thực hiện ở TP. Tangerang, ngoại ô của Jakarta đối với 132 cảnh sát. Các chuyên gia y tế tư vấn để giúp những cảnh sát thừa cân, béo phì này xây dựng chế độ ăn uống và bảo vệ sức khỏe hợp lý.
Dự kiến chương trình sẽ được mở rộng ra phạm vi cả nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN