Nhiều nhà chờ xe buýt bị mất thiết bị

Sự kiện: Thời sự

Thiết bị điện tử tại nhiều nhà chờ xe buýt ở TP HCM bị mất làm ảnh hưởng tới việc phục vụ hành khách, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã đề nghị công an vào cuộc

Ngày 19-6, ghi nhận tại nhà chờ xe buýt trước số 19 Mai Chí Thọ, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức cho thấy màn hình điện tử hiển thị thông tin các chuyến xe, tuyến xe tắt ngúm. Một số hành khách lần đầu ghé trạm lúng túng vì không biết đón tuyến xe buýt nào để nối chuyến.

Nhà chờ xe buýt Q2 072 Thảo Điền (TP Thủ Đức, TP HCM) bị mất cắp 2 bình ắc quy và 1 bộ điều khiển inverter

Nhà chờ xe buýt Q2 072 Thảo Điền (TP Thủ Đức, TP HCM) bị mất cắp 2 bình ắc quy và 1 bộ điều khiển inverter

Bảng hướng dẫn bị vô hiệu

Thấy phóng viên tần ngần khá lâu trước bảng điện tử, tài xế xe ôm tên Quý tiến lại nói chuyện. Ông Quý kể bảng điện tử ngừng hoạt động nhiều tháng nay vì bị lấy cắp các bình ắc quy, bộ điều khiển và 4 tấm pin năng lượng mặt trời.

Quan sát thêm, phóng viên thấy phần kính tại nhà chờ bị nứt do va chạm vật cứng, tủ đựng bình ắc quy bị tháo dỡ để một bên, phía sau nhà chờ trơ trụi.

Nhà chờ xe buýt đối diện ngã ba Thảo Điền trên đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức cũng bị mất cắp 2 bình ắc quy và 1 bộ điều khiển inverter khiến màn hình điện tử không hoạt động. Gần đó, màn hình điện tử nhà chờ xe buýt trước khu dân cư Estella trên đường Võ Nguyên Giáp lâm vào cảnh tương tự. Theo quan sát, các tủ đựng bình ắc quy tại những nơi này đều bị hư hỏng, mất nắp đóng trong khi "ruột" không còn.

Là hành khách thường xuyên đi xe buýt trên trục xa lộ Hà Nội, sinh viên Trần Minh Ngọc (ngụ TP Thủ Đức) cho biết xe buýt là phương tiện đi học, đi làm chính hằng ngày của bạn. Tuy nhiên, nhiều nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP Thủ Đức cũng như nhiều quận, huyện thiếu phương tiện chỉ dẫn khiến người chưa quen đường lúng túng, người đi nhiều cũng cảm thấy thiếu vắng, khó chịu. "Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi trộm cắp, phá hoại tài sản công cộng này" - Minh Ngọc nói.

Nhiều hành khách khi được hỏi đều chung ý kiến như Minh Ngọc. Bà Võ Thị Kim Xuyến (ngụ quận 1), người thường xuyên tới thăm người thân bằng xe buýt mỗi cuối tuần, nhấn mạnh nhà chờ xe buýt để phục vụ người dân, việc phục vụ có tốt thì mức độ hài lòng mới tăng và tâm lý lựa chọn phương tiện công cộng này mới phổ biến. Do vậy, sự chu đáo phải được bảo đảm từ trước khi lên xe đến quá trình di chuyển.

Bị trộm 2 bình ắc quy, nhà chờ xe buýt này gây khó khăn cho hành khách muốn tìm thông tin trên bảng điện tử. Ảnh: ÁI MY

Bị trộm 2 bình ắc quy, nhà chờ xe buýt này gây khó khăn cho hành khách muốn tìm thông tin trên bảng điện tử. Ảnh: ÁI MY

Cần công an vào cuộc, người dân chung tay

Tình trạng mất cắp thiết bị tại các nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP Thủ Đức thời gian qua đáng báo động. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, trong quá trình kiểm tra hạ tầng, trung tâm phát hiện tại 22 vị trí nhà chờ xe buýt trên đường Võ Nguyên Giáp, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1 thuộc địa bàn TP Thủ Đức đã bị lấy cắp thiết bị phục vụ tiện ích. Cụ thể, mất 54 bình ắc quy, 5 bộ điều khiển inverter, 4 tấm pin năng lượng mặt trời… tổng giá trị tài sản ước tính 550 triệu đồng.

Thiết bị điện tử bị lấy cắp đã gây ảnh hưởng lớn đến việc phục vụ hành khách khi họ không có thông tin tham khảo trên bảng điện tử. Thông tin tới phóng viên, ông Phạm Vương Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, cho hay đơn vị vừa có văn bản gửi đến Công an TP Thủ Đức để điều tra, xử lý tình trạng mất cắp trên. 

Song song đó, đề xuất Công an TP Thủ Đức chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường công tác kiểm tra địa bàn, đặc biệt tại các điểm dừng xe buýt, nhằm can thiệp, xử lý kịp thời hành vi trộm cắp, phá hoại tài sản công.

Theo ông Bảo, không chỉ riêng TP Thủ Đức mà 2 năm trở lại đây, tình trạng mất cắp các thiết bị điện tử tại các nhà chờ xe buýt diễn ra thường xuyên, trên khắp các quận, huyện của TP HCM. Để hạn chế, trung tâm đã dùng giải pháp kỹ thuật như lắp thêm các tấm thép chắn trong các tủ đựng thiết bị, song hiệu quả không cao.

"Việc mất cắp thiết bị điện tử đã gây ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ vận tải hành khách công cộng cho người dân và gây thiệt hại tài sản của nhà nước. Ngoài Công an TP Thủ Đức, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng gửi văn bản đến Công an TP HCM, công an những quận, huyện nơi xảy ra tình trạng mất cắp để hỗ trợ điều tra, xử lý hành vi phá hoại. Đồng thời với những việc trên, chúng tôi đang soạn thảo quy chế phối hợp giữa trung tâm và công an các địa phương nhằm bảo đảm an ninh trật tự, tránh việc mất cắp các thiết bị tại nhà chờ xe buýt" - ông Bảo nói.

Ngoài đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ xử lý nghiêm đối tượng trộm cắp, ông Bảo cũng kêu gọi người dân chung tay bảo vệ tài sản công cộng. Khi phát hiện đối tượng trộm cắp, người dân hãy gọi đường dây nóng 1022 hoặc cung cấp hình ảnh cho cơ quan chức năng. 

Có thể đối diện 15 năm tù

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, điều 173 Bộ Luật Hình sự quy định người trộm cắp tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình thức cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm nếu trộm cắp tài sản trị giá từ 2 triệu đến dưới 30 triệu đồng...

Phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu phạm tội có tổ chức, chuyên nghiệp, giá trị tài sản trộm cắp từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm. Với giá trị tài sản từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng, mức hình phạt có thể lên đến 15 năm tù...

Nguồn: [Link nguồn]

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, mô hình xe buýt điện chạy trên đường ray có sẵn không phải loại hình đường sắt đô thị, nhưng có dẫn tuyến, khi hết đường ray có thể chạy sang đường đô thị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỒNG - ÁI MY ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN