Nhiều người tức tưởi vì bị phá xe lấy tiền trên quốc lộ

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trong quá trình tác nghiệp trên các quốc lộ, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp công nhân, sinh viên, người làm thuê… bị nhóm phá xe lấy tiền.

Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp công nhân, sinh viên, người làm thuê… bị nhóm phá xe “vẽ bệnh”, lấy tiền. Họ đều là người đi đường dừng nghỉ chân, bơm hơi xe… dọc các tuyến quốc lộ (QL) và bị nhóm phá xe rạch lốp, rút dây mobin sườn rồi “vẽ bệnh” lấy nhiều tiền. Tất cả người dân đều bức xúc nhưng không ai báo công an.

Bị phá xe nhưng không biết

Ngày 1-7, tại tiệm sửa xe trên QL1 (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) chị Dương Thị Kim T (sinh năm 2005, quê Đồng Tháp) điều khiển xe Vision biển số 59X2-9015... chạy hướng từ đường Tô Ký về QL1 thì xe bị xẹp bánh.

Thợ sửa xe thực hiện hành vi phá xe rồi vẽ bệnh với chị T. Ảnh: Nhóm PV

Thợ sửa xe thực hiện hành vi phá xe rồi vẽ bệnh với chị T. Ảnh: Nhóm PV

Chị T dắt xe vào tiệm nhờ bơm bánh xe, thay nhớt và kiểm tra thì bị ông này rút dây mobin sườn xe. Lúc này nhớt cũng thay xong nên người đàn ông nói: “Xong rồi”.

Chị hỏi hết bao nhiêu thì được báo giá là 300.000 đồng. Chị T dắt xe, khởi động nhưng xe không nổ.

Người đàn ông kiểm tra, sau đó báo hư thiết bị phun xăng. “Cái này của em cháy, hư rồi. Một là em thay, hai là sửa lại”. Do trước đó, chị T nói mình chỉ có khoảng 600.000 đồng nên ông này báo giá: “Thay thì đắt, sửa thì chỉ 450.000 đồng em đi ngon lành luôn, chỉ 10-15 phút. Phun xăng của em bị cháy đen sì”.

Ông này sau đó xịt rửa vệ sinh sơ rồi lắp vào vì thực tế không có cháy hay hư hỏng gì. Người đàn ông cũng cắm lại dây mobin sườn đã tháo trước đó.

Chị T mong muốn cơ quan chức năng xử lý các tiệm phá xe trên Quốc lộ 1. Ảnh: Nhóm PV

Chị T mong muốn cơ quan chức năng xử lý các tiệm phá xe trên Quốc lộ 1. Ảnh: Nhóm PV

Khi chị T đưa tiền, người đàn ông đi vào đưa cho một phụ nữ trong tiệm, người phụ nữ này đưa tiền cho một người đàn ông đeo kính, đang nằm võng lướt điện thoại.

Theo chị T, khi chị vào bơm xe thì người đàn ông không tính tiền. Sau khi thay nhớt thì xe không nổ máy. “Ông đó nói cháy cục gì, sửa thì mấy trăm, còn thay thì triệu mấy. Tôi đi đường xa, không mang nhiều tiền nên sửa chạy đỡ” - chị T nói.

Chị T cho biết mình đi làm thuê và mong cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thực trạng này.

Vét sạch túi trả tiền cho tiệm phá xe

Ngày 9-7, vợ chồng anh Mai Văn A bồng theo con nhỏ, chạy xe trên QL51 theo hướng từ TP.HCM đi Vũng Tàu. Khi đến tiệm sửa xe, cà phê võng của ông Nguyễn Văn Đông ở huyện Long Thành, Đồng Nai thì dừng lại uống nước, nghỉ ngơi.

Hai vợ chồng anh A bị nhóm phá xe ở quán ông Đông vẽ bệnh, lấy đi số tiền lớn. Ảnh: Nhóm PV

Hai vợ chồng anh A bị nhóm phá xe ở quán ông Đông vẽ bệnh, lấy đi số tiền lớn. Ảnh: Nhóm PV

Sau chừng 30 phút, cả gia đình này ra xe Vision để đi tiếp thì xe không nổ máy. Nhóm ông Đồng, ông Hưng liền tiếp cận, kiểm tra xe giúp. Sau khi sửa xe, cả gia đình lên xe rời đi.

Chúng tôi đã đuổi theo họ và vợ chồng anh A cho hay đang ngụ huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. Anh A cho biết đang trên đường về nhà, do con nhỏ buồn ngủ nên ghé quán cà phê võng để nghỉ.

“Sau khi ra thì xe đề không lên. Họ nói để dắt qua kiểm tra giúp và thông báo bị tuột nồi, phải sửa thay hết 1,25 triệu đồng” - anh A nói và cho biết lúc đó xe chỉ đề không được, trong ví chỉ còn đúng 1,2 triệu đồng.

Người vợ tức tưởi cho biết đó là toàn bộ số tiền cả hai vợ chồng có trong người. “Tôi nói hiện chỉ còn đúng 1,2 triệu đồng thì họ còn giảm cho tôi 50.000 đồng. Đó là tiền hai vợ chồng để dành từ quê vào mua sữa cho em bé”.

PV đã đuổi theo hai vợ chồng này để tìm hiểu câu chuyện. Ảnh: Nhóm PV

PV đã đuổi theo hai vợ chồng này để tìm hiểu câu chuyện. Ảnh: Nhóm PV

Người phụ nữ cho biết như vậy là nhóm sửa xe lừa đảo. “Nhiều người khổ như vợ chồng tôi, tiền hết rồi họ còn tiền đâu để đi đường nữa, nếu xe hết xăng, con đói thì phải làm sao. Tôi mong muốn cơ quan chức năng xử lý để người dân không lâm vào hoàn cảnh như vợ chồng tôi” - người vợ nói.

Do đường xa, con nhỏ, hai vợ chồng anh A không trình báo công an mà chọn tiếp tục di chuyển. Chúng tôi chia tay sau khi gửi cho họ một ít tiền dằn túi…

Còn ngày 27-7, ở tiệm của ông Đàm Văn Long trên QL1, đoạn gần cầu vượt Linh Xuân (phường An Bình, TP Dĩ An, Bình Dương), anh Nguyễn Đình K (ngụ huyện Bình Chánh) làm nghề thợ sơn thành nạn nhân của tiệm.

“Lúc đó xe tôi bị xẹp bánh, vào tiệm kiểm tra thì thợ chỉ cho xem vết rách rất dài chừng 15 cm dọc theo thân lốp và ruột. Thợ báo hết tổng cộng 470.000 đồng. “Tôi chỉ buồn một xíu… Mình xui thì chịu thôi” - anh K nói và cho hay là không biết bị phá xe nên sẽ không báo vụ việc lên cơ quan chức năng.

Hai vợ chồng anh A cho biết đã vét sạch túi 1,2 triệu đồng đưa cho nhóm phá xe. Ảnh: Nhóm PV

Hai vợ chồng anh A cho biết đã vét sạch túi 1,2 triệu đồng đưa cho nhóm phá xe. Ảnh: Nhóm PV

Một thợ sửa xe ở huyện Long Thành, Đồng Nai cho biết việc nhóm người kinh doanh cà phê võng, sửa xe… chuyên phá xe lấy tiền đã bị đăng tải trên mạng xã hội từ khoảng năm 2019.

Theo người này, một bộ bi nồi kém chất lượng chỉ có giá chưa đến 100.000 đồng. Nhiều nạn nhân phần lớn không biết bị lừa, một số người biết nhưng do đường xa, không muốn báo công an vì sợ phiền phức.

Người này cũng cho biết thủ thuật của những thợ sửa xe thiếu đạo đức là rút dây mobin sườn các loại xe như Air Blade, Vision, SH… Việc rút ra, gắn lại rất dễ.

Cũng theo người thợ này, trường hợp hư nồi, vỡ bi, dây curoa đứt thì xe vẫn nổ máy bình thường, không phải không khởi động như bị rút dây mobin sườn.

“Khi xe bị hỏng hóc, tốt nhất người dân nên điện thoại cho người quen hoặc một thợ nào đó, quay clip gửi cho thợ để họ nhận định, có phương án xử lý, tránh bị lừa” - người này cho biết.•

Cụm tiệm phá xe ở hai chiều đường trên Quốc lộ 51 đoạn qua huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đều có họ hàng với nhau nên sẵn sàng “xử” khách nếu bị phản ứng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN TÂN - NGUYỄN YÊN - PHẠM HẢI ([Tên nguồn])
Chiêu trò phá xe của khách trên các quốc lộ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN