Nhiều người tự túc về quê mắc kẹt tại các chốt ở miền Tây
Nhiều người ở miền Tây biết việc tự túc về quê là sai quy định phòng chống dịch bệnh nhưng họ vẫn làm liều vì ở lại không có việc làm, tiền bạc không còn.
Chiều 23-9, vẫn còn hơn 150 người các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, An Giang… đang "mắc kẹt" tại khu vực giáp ranh giữa huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An và huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Lý do, phía Đồng Tháp không đồng ý cho những trường hợp này di chuyển qua chốt kiểm soát dịch mà tỉnh này thành lập. Đa số những người đang "mắc kẹt" tại đây là công nhân lao động ở các khu công nghiệp huyện Đức Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có quê ở các tỉnh miền Tây.
Rất nhiều người bị "mắc kẹt" tại Long An
Theo ông Bùi Quốc Bảo – Bí thư huyện ủy Tân Thạnh, tỉnh Long An - những công dân đang "mắc kẹt" ở địa bàn thì một số đã tiêm vắc-xin mũi 1, có người đã tiêm mũi 2. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chưa tiêm mũi nào. Ngoài người lớn, những người mắc kẹt ở đây còn có trẻ em.
"Chúng tôi đã vận động những người này trở lại nơi tạm trú nhưng họ bảo không có việc làm, không có thu nhập và cũng đã trả phòng trọ. Hiện lãnh đạo tỉnh đã xuống nắm tình hình và liên hệ, phối hợp với Đồng Tháp và các tỉnh khác để giải quyết, tạo điều kiện cho những người dân này trở về địa phương, bảo đảm công tác phòng chống dịch" - ông Bảo cho biết.
Trong thời gian chờ các tỉnh tiếp nhận những công dân trên, Long An tạm thời bố trí họ vào khu cách ly của huyện, hỗ trợ ăn uống.
Những ngày qua, sau khi toàn tỉnh Long An và các tỉnh, TP miền Tây thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thì lượng người ở Bình Dương, Long An, TP HCM tìm cách về quê theo tuyến Quốc lộ N2.
Theo đó, tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên Quốc lộ N2 vào cửa ngõ huyện Tân Thạnh, mỗi ngày có trên 2.000 người và phương tiện lưu thông về quê.
Đến chiều 23-9, vẫn còn khoảng 200 người dân từ tỉnh Long An đi xe máy về quê "kẹt" lại trước chốt kiểm dịch cửa ngõ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, giáp ranh với TP Cần Thơ. Một số người cho biết họ là người lao động trong các huyện ở Long An nhưng kiệt quệ vì gần 3 tháng nay không có việc làm do dịch Covid-19 nên chạy xe máy về quê ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Nhiều người bị kẹt lại ở Hậu Giang
Ông Nguyễn Văn Nhuần (56 tuổi; ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà mau) cho biết cả nhà ông gồm 5 người thì 4 người lớn mắc Covid-19 nhưng đã điều trị khỏi. Tối 22-9, cả nhà ông chở nhau trên 2 xe máy để về quê.
"Lên Long An làm thuê nhưng do dịch không có việc làm nên không còn tiền trả tiền nhà trọ, ăn uống hàng ngày nên cả nhà quyết định chạy xe máy về quê. Khi đến Tiền Giang, chúng tôi ngủ dọc đường một đêm, sau đó rạng sáng nay chạy về tới chốt ở huyện Châu Thành A thì không được tiếp nhận. Tối nay chắc chúng tôi phải ngủ dọc đường nữa rồi" - ông Nhuần lo lắng.
Một số người cho rằng họ biết tự ý về quê và di chuyển liên tỉnh như vậy là không đúng quy định phòng chống dịch bệnh nhưng ở lại rất khó khăn, không tiền bạc nên mới liều về quê.
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, những công dân này từ TP HCM và các tỉnh phía Nam tự chạy xe máy về quê. Ông đã liên hệ với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu để yêu cầu địa phương này tiếp nhận công dân nhưng chưa được đồng ý.
"Những ngày qua, rất nhiều công dân tỉnh Bạc Liêu về đến chốt Hậu Giang vào đêm khuya nên chúng tôi tiếp nhận và đưa vào khu cách ly. Do khu cách ly quá tải nên không thể tiếp nhận công nhân ngoài tỉnh. Nếu lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đồng ý tiếp nhận công dân của họ, chúng tôi sẽ dẫn đường để đưa về Bạc Liêu" - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, do lãnh đạo Bạc Liêu không tiếp nhận công dân của tỉnh này nên ông đã báo cáo Quân khu 9 và đoàn công tác của Chính phủ để tìm hướng giúp người dân. Đối với công dân quê Sóc Trăng, tỉnh này đồng ý tiếp nhận nên lực lượng trực chốt tỉnh Hậu Giang đã dẫn đường và đưa về bàn giao tại chốt thị xã Ngã Bảy giáp huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
"Với công dân Cà Mau, chúng tôi muốn đưa về quê cũng không được vì tỉnh Bạc Liêu không cho người ngoài tỉnh chạy xe qua địa bàn. Những người tự ý về quê như thế này là họ đã quá khó khăn, mình phải tìm cách giúp bà con" - lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang bày tỏ.
Đến tối cùng ngày, lãnh đạo 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau đã đồng ý đón công dân về quê. Do vậy, phía Hậu Giang đã và đang khẩn trương thực hiện các thủ tục khai báo y tế rồi đưa người dân đến địa phận tỉnh Sóc Trăng để bàn giao. Sau đó, người dân tiếp tục được ngành chức năng dẫn đường về Bạc Liêu và Cà Mau trong trình tự, an toàn.
UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vừa có báo cáo cấp trên để có biện pháp hỗ trợ cho gần 100 người mắc kẹt...
Nguồn: [Link nguồn]