Nhiều người đi xe máy tự ngã ở điểm đen có gắn cảnh báo trên cầu Vĩnh Công
Hơn 10 trường hợp chạy xe máy tự té trên cầu Vĩnh Công (Long An), 4 người bị thương nặng phải đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Từ tháng 8/2022 đến nay, người dân khu vực cầu Vĩnh Công, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An thường xuyên cấp cứu người bị TNGT tự té trên cầu, nhẹ thì xoa dầu vết thương, nặng đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Hơn 10 vụ TNGT trên cầu Vĩnh Công
Ông Nguyễn Văn Hồng, người dân sống ngay chân cầu và cũng là người trực tiếp tham gia cấp cứu người bị TNGT cho biết, đã có hơn 10 trường hợp người dân chạy xe máy tự té trên cầu này. Trong đó, có 4 trường hợp bị thương nặng phải chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu, điều trị.
Anh Đỗ Tường Trọng Luân điều khiển xe máy tự té trên cầu Vĩnh Công gãy tay, xương hàm
Nặng nhất là anh Đỗ Tường Trọng Luân (26 tuổi, ngụ ấp 2, xã phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, Long An) và 1 chị tên Châu (nhà xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, Long An), làm công nhân hạt điều tại TP Tân An.
TNGT xảy ra khiến chị Châu phải nằm bệnh viện điều trị gần 1 tháng, khi xuất viện về nhà vẫn không thể tự đi vệ sinh, ăn cơm trong suốt 2 tháng liền. Dù sức khỏe hiện đã ổn định nhưng chị Châu vẫn không đi làm được, ở nhà một mình, chồng đi làm về lại lo cơm nước, nhà cửa.
“TNGT tự té bất kể ngày hay đêm, không có thời gian cố định, sáng sớm, chiều tối, khi trời mưa cũng có. Có khi nửa đêm nghe tiếng rầm, chạy ra thì thấy người và xe máy nằm trên mặt cầu, cách nhau khoảng 3m.
Tôi thấy té nhiều quá nên thuê thợ sơn cái biển “Chú ý tại đây thường té xe” treo trên cột điện gần điểm xảy ra TNGT để người đi xe máy, mô tô nhìn thấy mà cẩn thận hơn, tránh xảy ra TNGT”, ông Hồng cho biết.
Ông Đỗ Tường Nam, cha của anh Trọng Luân cho biết, khi hay tin anh Luân bị TNGT tự té trên cầu Vĩnh Công bất tỉnh, được bà con ở đây sơ cứu ban đầu.
Nhiều vụ TNGT trên cầu Vĩnh Công người dân gắn biển cảnh báo
Sau đó, gia đình đưa anh Luân lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu trong tình trạng gãy xương hàm, tay phải bị gãy nhiều khúc, bệnh viện mổ gắn inox xương tay, xương hàm với tổng chi phí gần 140 triệu đồng, đến nay vẫn chưa bình phục.
“Hôm Luân xảy TNGT, tôi nhớ lúc đó khoảng 5h30 sáng 26/8. Khi lên tới nơi, thấy con máu mũi, máu miệng chảy ướt cả áo tôi rất lo sợ. Đến bệnh việc bác sĩ cho biết Luân bị gãy tay và xương hàm, chứ không chấn thương sọ não là may rồi”, ông Nam nói trong nước mắt.
Sớm xử lý điểm nguy cơ TNGT trên cầu Vĩnh Công
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, ở hai bên đầu cầu đều có biển báo giảm tốc độ, đèn trên cầu ban đêm vẫn sáng.
Còn tại mố cầu Vĩnh Công hướng từ TP Tân An đi trung tâm huyện Châu Thành, bê tông nhựa bị đùn trồi lên cao hơn mặt cầu khoảng 0,5cm.
Hướng ngược lại, ngay khu vực xảy ra TNGT có khe co giãn nằm thấp hơn mặt nhựa của cầu khoảng 0,5cm. Có 2 vạch kẻ màu vàng (thay thế dải phân cách cứng) phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy riêng biệt.
Theo người dân ở hiện trường, các điểm này có thể là tác nhân dẫn đến TNGT và trong đó cũng do một phần ý thức của người tham gia giao thông.
Hơn 10 vụ TNGT tự té trên cầu Vĩnh Công
Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban ATGT huyện Châu Thành, Long An cho biết, bản thân ông từng lần chở người đi bệnh viện Châu Thành cấp cứu do TNGT tự té trên cầu Vĩnh Công. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng xử lý.
“Do cầu Vĩnh Công nằm trên tuyến Đường tỉnh 827 thuộc Sở GTVT quản lý, huyện sẽ đề xuất phương án khắc phục là cán thêm một lớp bê tông nhựa trên mặt cầu”, ông Khải nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết, đã chỉ đạo Phòng ATGT phối hợp các phòng chuyên môn của Sở GTVT, UBND huyện, Ban ATGT huyện Châu Thành xuống hiện trường khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân TNGT. Sau đó, đề xuất phương án để sớm xử lý điểm nguy cơ TNGT trên cầu Vĩnh Công, đảm bảo ATGT.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi phát hiện cháy xe ô tô, tài xế đã đánh lái vào làn khẩn cấp trên đại lộ Thăng Long.