Nhiều khoản phí "lạ" ở Quảng Bình: Trâu, bò, vịt, máy cày,… ra đồng phải đóng phí

Sự kiện: Tin nóng

Ngoài việc nộp phí mua đồng cỏ khi muốn chăn thả trâu, bò, gà, vịt… khi ra đồng thì người dân còn phải đóng các khoản phí "bảo trì" đường bộ nếu muốn đưa máy cày, máy gặt ra đồng phục vụ bà con.

Sau khi Báo Người Lao Động đăng tin phản ánh việc người dân muốn đưa trâu, bò, ra đồng phải mua phí đồng 100.000 đồng, người dân ở xã An Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) tiếp tục phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động về việc hàng năm còn có nhiều khoản phí "lạ", rất vô lý mà ngay chính bản thân họ cũng không thể hiểu được.

Cái gì ra đồng cũng đóng phí?

Thôn Hoành Vinh xã An Ninh có một HTX dịch vụ có tên gọi là Hoành Vinh. Gần 5 năm qua, HTX này tổ chức thu phí đồng cỏ cho trâu, bò với mức phí từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/con/năm. Quá trình chăn thả, nếu hộ dân nào để trâu bò ăn lúa dưới ruộng bị phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng, tùy theo mức độ thiệt hại.

Ngoài gia súc, HTX Hoành Vinh cũng triển khai mức thu "phí" đồng ruộng đối với gia cầm của người dân. Hộ dân muốn chăn thả gà, vịt, …ra đồng thì sẽ bị HTX "tận thu" tùy thuộc vào số lượng đàn vật nuôi mà gia chủ thả.

Trong khi đó, ông Trương Tiến V. (58 tuổi, thôn Thống Nhất) cũng cho biết hộ ông nuôi 5 con trâu, mức phí cho mỗi con trâu để "được phép" chăn thả tại cánh đồng này là 100.000/con/năm. Năm nay gia đình ông phải đóng tới 500.000 đồng tiền phí.

Nhiều khoản phí "lạ" ở Quảng Bình: Trâu, bò, vịt, máy cày,… ra đồng phải đóng phí - 1

Người dân nghèo ở xã An Ninh hàng năm phải "gồng mình" đóng phí mua đồng cỏ cho trâu, bò

Theo ông V., ban đầu vào năm 2017 thì HTX Thống Nhất yêu cầu người dân phải nộp 150.000/con/năm nhưng bị phản ứng là giá quá cao nên năm nay phía HTX giảm xuống còn 100.000 đồng.  "Mới đây loa phát thanh xã thông báo thu tiền phí đồng cỏ nên gia đình đang xoay xở để nộp, không đóng phí đồng cỏ mà lén đưa trâu ra thả là bị người HTX đuổi ngay." – ông V. bùi ngùi.

Người dân phản ánh thêm, không chỉ thu "phí" chăn thả trâu, bò, vịt, gà… trên đồng cỏ mà HTX Thống Nhất còn tự ý lấy ruộng lúa tái sinh của nhiều hộ dân khác để bán lại cho các hộ chăn nuôi vịt khiến nhiều diện tích lúa tái sinh của họ đến mùa không thể trổ bông để thu hoạch mà còn gây ô nhiễm.

Theo tìm hiểu, không chỉ ở thôn Hoành Vinh mà cả Thống Nhất, trong "quy ước" của 2 HTX này đã đề ra nhiều điều khoản hết sức hà khắc, vô lý. Cụ thể cấm người dân chăn dắt, thả trâu, bò, gà, vịt…trên tất cả các cánh đồng, kể cả kênh mương do HTX quản lý. Các chủ máy gặt, máy cày, máy bơm… trước khi xuống đồng phải đến đăng ký với HTX và nộp phí "bảo trì" đường bộ để HTX có kế hoạch phân bố diện tích cho từng chủ máy.

Nhiều khoản phí "lạ" ở Quảng Bình: Trâu, bò, vịt, máy cày,… ra đồng phải đóng phí - 2

Người dân nghèo ở xã An Ninh hàng năm phải "gồng mình" đóng phí mua đồng cỏ cho trâu, bò

Mức thu của từng loại máy này không hề nhỏ, máy cày, máy gặt từ 300.000 đồng - 500.000 đồng/máy từng mùa và tùy theo loại máy. Anh N.V.B - một chủ máy gặt lúa ở thôn Hoành Vinh, cho hay đến mùa thu hoạch lúa chưa biết có lời lãi hay không nhưng phải nộp trước khi xuống đồng.

 "Bản thân tôi không thể hiểu được phí này đóng nhằm mục đích gì nhưng HTX bảo đóng mới được ra đồng thì mình cũng cắn răng mà nộp thôi" - anh B bức xúc.

Người trong cuộc nói gì?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Biên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất - cho rằng việc người dân phản ánh như vậy nhưng thực tế nó khác mọi người nghĩ bởi hiện nay đa phần các hộ chăn nuôi theo hình thức thương phẩm.

"Ông cha ta nói "con trâu là đầu cơ nghiệp", ruộng là cũng của người dân nhưng việc người dân tự ý chăn thả trâu, bò tư ra đồng lỡ may ăn lúa, phá hỏng ruộng của các hộ khác thì sao…Ai chịu trách nhiệm?. Vậy nên đối với những hộ có trâu, bò hình thức thu các loại phí này để các hộ dân phải góp một phần trách nhiệm vào đó thôi" - ông Biên giải thích.

Nhiều khoản phí "lạ" ở Quảng Bình: Trâu, bò, vịt, máy cày,… ra đồng phải đóng phí - 3

Nếu đưa máy ra đồng gặt lúa, người dân xã An Ninh phải đóng phí "bảo trì" đường bộ

Lý giải về việc máy cày, máy gặt, máy bơm… thu phí "bảo trì" đường bộ, ông Biên nói rằng cứ vào mùa thu hoạch lúa, bình quân dân thuê gặt giá 120.000 đồng/sào cũng phải ra vào đường của thôn còn ruộng hộ dân nào có nhu cầu bơm tiêu nước, mình thu tiền máy bơm, còn ruộng không bơm nước thì không thu.

Khi phóng viên liên hệ với ông Võ Doãn Dực - Chủ nhiệm HTX Hoành Vinh. Tuy nhiên, ông này từ chối gặp mặt và cho rằng HTX "có quyền kinh doanh cái gì thì kinh doanh" (?!).

"HTX chúng tôi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nên chúng tôi có quyền kinh doanh trên đồng ruộng. Chúng tôi làm việc có đại hội, đại biểu xã viên biểu quyết nhất trí. Sản xuất kinh doanh trên diện tích đất được cấp phép, chúng tôi muốn kinh doanh cái gì đúng pháp luật thì làm, không làm trái pháp luật là được. Chúng tôi không có thời gian đi diễn giải với những việc đó" - ông Dực phân bua.

Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh nói ông đã nắm được tình hình, đang giao cho UBND xã An Ninh trực tiếp kiểm tra, báo cáo lại. "Quan điểm của huyện, nếu có việc thu sai thì huyện sẽ xử lý và trả lại tiền cho người dân" - ông Đông nói.

Sau Thanh Hóa, đến lượt Quảng Bình thu phí trâu bò ăn cỏ

Hợp tác xã buộc người dân chăn thả trâu, bò ra đồng ăn cỏ và sử dụng các loại máy gặt, máy cày phải nộp phí.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phúc ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN