Nhiều giải pháp gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng
Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tăng cường xây dựng cầu cạn bê-tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc... là những giải pháp căn cơ, toàn diện để ngành vật liệu xây dựng phát triển bền vững
Ngày 15-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi-măng, sắt thép và vật liệu xây dựng (VLXD).
Bất động sản - vật liệu xây dựng gặp khó
Theo Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các VLXD chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi-măng, 830 triệu m² gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m² kính xây dựng, 20 tỉ viên gạch đất sét nung, 12 tỉ viên gạch không nung. Trong đó, sản lượng xi-măng, gạch ốp lát thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới. Sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng thứ 13 trên thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hằng năm ngành VLXD xi-măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỉ USD, chiếm khoảng 11% GDP.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi dẫn đến sản xuất xi-măng, sắt thép và VLXD suy giảm. Tổng sản lượng xi-măng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 10,655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10,905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022).
Hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ
Đánh giá cao và biểu dương ngành VLXD, Thủ tướng yêu cầu rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xi-măng, sắt thép, VLXD; đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị - nông thôn, quốc phòng - an ninh, biển - hải đảo và các công trình ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng, cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tăng cường xây dựng cầu cạn bê-tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc... Ảnh: NHẬT BẮC
Để ngành xi-măng, sắt thép, VLXD phát triển bền vững, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh giải pháp hỗ trợ cho ngành VLXD là phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tăng cường triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác. "Đây là giải pháp căn cơ, toàn diện, nhân văn, có hiệu quả ngay, tạo đồng thuận cao trong xã hội và trong nhân dân" - Thủ tướng đánh giá.
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng tỉ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê-tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng ĐBSCL; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi-măng trong xây dựng đường bộ; tăng cường sử dụng đường bê-tông xi-măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.
Đối với doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị tái cấu trúc quản trị, tài chính, đầu tư và nguyên liệu đầu vào để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của sản phẩm. Đa dạng hóa sản phẩm VLXD, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Chủ động trao đổi với các ngân hàng để khoanh nợ, giãn nợ và có kế hoạch, lộ trình trả nợ nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Sử dụng các nguồn vốn để thanh toán các khoản vay cũ lãi suất cao và vay các khoản vay mới lãi suất thấp để tiết giảm chi phí.
Về tháo gỡ khó khăn tài chính, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của các doanh nghiệp ngành VLXD cho phù hợp năng lực thực hiện nghĩa vụ tài chính hiện nay.
Thiết lập lại quy hoạch lĩnh vực xi-măng
Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà máy sản xuất xi-măng và các nhà máy sản xuất VLXD khác khi sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải và sử dụng các nguyên liệu thay thế là phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao nhân tạo... trong sản xuất xi-măng.
Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thiết lập lại quy hoạch lĩnh vực xi-măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch (sửa đổi). Bộ Xây dựng nghiên cứu thực hiện biện pháp về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá đối với các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng nhập khẩu, bảo đảm phù hợp với những quy định trong tự do thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng nhấn mạnh trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án 06, đặc biệt ghi nhận những đóng góp tích cực, quan trọng của Đại tướng Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Công an, và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Thứ trưởng Công an, là Tổ trưởng và Tổ phó Tổ Công tác Đề án 06