Nhiều F0 tự ý đến bệnh viện, nguy cơ quá tải và lây lan dịch

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Ngày 6/12, Hà Nội ghi nhận 774 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó có 280 ca cộng đồng. Đây là ngày có số mắc cao nhất ở Hà Nội từ trước đến nay theo thống kê của Sở Y tế. Số ca mắc tăng nhanh trong những ngày vừa qua dẫn đến thực trạng nhiều người dân tự ý xét nghiệm và khi kết quả dương tính đã tới thẳng bệnh viện dù đủ điều kiện cách li tại nhà.

Nguy cơ quá tải và lây lan dịch

Phần lớn các trường hợp mắc COVID-19 của Hà Nội đều không triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Hiện nay, xảy ra tình trạng người dân đến cơ sở y tế test nhanh hoặc tự test tại nhà cho kết quả dương tính đã đến các cơ sở điều trị COVID-19 tầng 2-3, chứ không thông báo với trạm y tế nơi cư trú để có phương án cách li, điều trị theo quy định.

Xét nghiệm COVID-19 cho người dân Hà Nội. Ảnh: Long Phạm

Xét nghiệm COVID-19 cho người dân Hà Nội. Ảnh: Long Phạm

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19 (Bệnh viện Thanh Nhàn), cho biết ngày 5/12 Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận khoảng 20 trường hợp người dân tự test nhanh cho kết quả dương tính đã đến bệnh viện xin điều trị. Trong khi đó đây là những trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà/trạm y tế lưu động. Theo các bác sĩ, việc người có xét nghiệm dương tính đến thẳng nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng 2,3 sẽ khiến những bệnh nhân nặng hơn bị hạn chế cơ hội được cứu sống, chưa kể có nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng khi tự ý di chuyển.

Hiện nay Hà Nội phân các tầng điều trị F0 với tầng 1 là tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến trung ương. Thành phố xây dựng kịch bản ứng phó 10.000, 40.000 và 100.000 ca nhiễm, đồng thời đã có hướng dẫn cho F0 thể nhẹ và không triệu chứng điều trị tại nhà với những trường hợp đủ điều kiện. Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện đánh giá, phân tầng, điều phối, tiếp nhận người bệnh COVID-19 căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn phân loại mức độ lâm sàng, phân tầng điều trị của Sở Y tế.

Hiện nay tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng tại Hà Nội không cao nhưng số lượng bệnh nhân ngày càng đông cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho các bệnh viện và cán bộ y tế.

Tính đến hết ngày 5/12, Hà Nội đang điều trị cho 5.510 bệnh nhân COVID-19 tại các tầng. Trong đó có 474 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các trạm Y tế lưu động thuộc 8 huyện ngoại thành và 2 quận (Thanh Xuân, Long Biên). Hà Nội đã điều trị khỏi cho gần 7.600 bệnh nhân. Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị là 137 người, 49 bệnh nhân COVID-19 có địa chỉ ở Hà Nội đã tử vong.

Gần 1% bệnh nhân chuyển nặng và nguy kịch

Theo thống kê, Hà Nội là một trong những địa phương có tỉ lệ bao phủ vắc xin cao nhất cả nước. Số ca bệnh nặng ở cơ sở y tế điều trị các ca nặng, nguy kịch chiếm dưới 0,8% tổng số bệnh nhân. Theo nhận định của các chuyên gia, điều này cho thấy hiệu quả đáng kể của vắc xin đối với việc hạn chế khả năng tăng nặng, tử vong của bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ Hường cho biết thêm mỗi ngày Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19 tiếp nhận từ 20 - 30 ca, chủ yếu là tầng 2 và 3 (bệnh nhân phân tầng 3 chiếm khoảng 15%). Những bệnh nhân nặng phần lớn là người cao tuổi, một số ca phải thở máy, mắc COVID-19 trên nền tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, chưa tiêm vắc xin. Hiện Hà Nội không có bệnh nhân chạy ECMO. Tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Hoàng Mai), bệnh nhân nặng chiếm tỉ lệ 10% tổng số bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Theo đánh giá của các bác sĩ điều trị, những bệnh nhân diễn biến nặng không tiêm vắc xin một phần do người nhà chủ quan nghĩ rằng người cao tuổi, bị tai biến nằm một chỗ, không đi đâu nên không cần tiêm. “Bệnh nhân cao tuổi lại tiếp xúc với con cháu hằng ngày. Khi con cháu mắc COVID-19 sẽ lây nhiễm cho người cao tuổi. Mặt khác, những bệnh nhân tử vong đều thuộc tầng 3, khi chuyển từ tầng dưới lên thì tiên lượng đã rất nặng”, bác sĩ Hường thông tin.

Theo nhận định của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, trong thời gian tới, số ca mắc COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng, vì thế ý thức phòng chống dịch của người dân có thể giúp giảm đà lây lan của dịch, nhờ đó giúp hệ thống y tế có thời gian củng cố, nâng cao năng lực, tránh hiện tượng bị quá tải.

Ngày 6/12: Thêm 14.558 ca mắc COVID-19, trong đó có 8.227 ca cộng đồng

Bộ Y tế vừa ghi nhận 14.558 ca mắc COVID-19 trong nước (tăng 246 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Minh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN