Nhiều đồn đoán sau phiên xử bà Cốc Khai Lai

Sau khi bà Cốc Khai Lai bị tuyên án tử hình nhưng hoãn thi hành trong 2 năm, dư luận chuyển sang quan tâm đến số phận của ông Bạc Hy Lai.

Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy - Trung Quốc ngày 20/8 đã kết tội và tuyên án tử hình đối với Cốc Khai Lai, vợ cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, về tội sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood ở thành phố Trùng Khánh năm ngoái. Tuy nhiên, bản án tử hình này được hoãn thi hành trong 2 năm. Luật sư của gia đình Heywood cho biết họ tôn trọng phán quyết của tòa.

Từng bước khép lại xì-căng-đan

Trước đây, dư luận từng cho rằng bà Cốc sẽ thoát khỏi bản án tử hình do vị thế của gia đình, tiền sử các vấn đề về sức khỏe tâm thần của bà cũng như nhờ lập luận rằng doanh nhân Heywood đã đe dọa tính mạng Bạc Qua Qua, con trai bà. Báo The Wall Street Journal nhận định: Bản án này sẽ giảm thành án tù chung thân nếu bà Cốc không phạm thêm tội gì trong 2 năm tới.

Trong khi đó, Trương Hiểu Quân, quản gia của gia đình họ Bạc, bị kết tội là tòng phạm trong vụ án mạng này và bị kết án 9 năm tù giam. Còn 4 cựu sĩ quan công quan Trùng Khánh bị kết án từ 5 đến 11 năm vì tội bao che cho bà Cốc.

Theo các nhà phân tích, phán quyết trên của tòa án là bước đi quan trọng trong nỗ lực khép lại xì-căng-đan chính trị tệ hại nhất ở Trung Quốc trong hơn 2 thập kỷ qua. Đồng thời, sự kiện này còn dọn đường cho lãnh đạo Đảng thông báo về kế hoạch xử lý ông Bạc Hy Lai.

Nhiều đồn đoán sau phiên xử bà Cốc Khai Lai - 1

Bà Cốc Khai Lai tại phiên tòa hôm 20/8. Ảnh: REUTERS

Giáo sư luật Hạ Vệ Phương, Trường Đại học Bắc Kinh, nhấn mạnh: “Nếu bà Cốc thực sự bị hành quyết, hậu quả về chính trị có thể rất nghiêm trọng bởi vì ông Bạc không phải là một nhân vật bình thường. Ngoài ra, tôi còn nghĩ rằng sẽ có những điểm khác biệt về cách xử trí Bạc Hy Lai”.

Lúc này đây, dư luận ở Trung Quốc hướng sự chú ý đến vấn đề nhạy cảm hơn về chính trị: Đó là ông Bạc sẽ bị xử lý ra sao sau khi mất chức bí thư thành ủy Trùng Khánh hồi tháng 4 năm nay. Trước đó, ông Bạc từng là một ứng viên cho việc đề bạt trong cuộc chuyển giao các vị trí lãnh đạo ở Trung Quốc vào mùa thu năm nay.

Chưa rõ số phận ông Bạc Hy Lai

Người ta hiểu rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn đưa ra quyết định về số phận của ông Bạc trước khi diễn ra sự chuyển giao nói trên. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, họ khó có thể đạt được sự nhất trí, một phần do ông Bạc vẫn còn được ủng hộ trong Đảng.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo còn muốn tránh thu hút sự chú ý của dân chúng vào một số vấn đề do xì-căng-đan Bạc Hy Lai gây ra, nhất là chuyện tài sản của gia đình nhiều lãnh đạo cao cấp.

Đến thời điểm này, ông Bạc vẫn còn là đảng viên và đại biểu quốc hội. Ông đang bị điều tra vì những vi phạm về kỷ luật nghiêm trọng nhưng tuyệt nhiên chưa bị tuyên bố liệu có bị đối mặt với những cáo buộc hình sự hay không. Theo các chuyên gia về chính trị và luật pháp Trung Quốc, trước khi cáo buộc phạm tội hình sự, người ta thường chính thức khai trừ đương sự ra khỏi 2 tổ chức trên.

Ông Bạc Hy Lai hiện được giao cho Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Đảng điều tra. Nếu ông Bạc bị xử lý nội bộ, quyết định cuối cùng về số phận của ông có thể được thông báo vào mùa thu năm nay. Còn nếu ông bị đưa ra tòa, nhiều nhà quan sát cho rằng sớm nhất là sang năm 2013 mới diễn ra phiên tòa xét xử ông ta.

Xử lý sau?

Các chuyên gia còn lưu ý rằng tên của ông Bạc không hề được nêu lên tại phiên tòa xét xử bà Cốc. Một số nhà quan sát cho rằng đó là do ông không bị cáo buộc liên quan trực tiếp vào vụ án mạng Heywood. Những người khác nhận định rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa quyết định số phận ông Bạc và sẽ xác định rõ sai trái của ông ta sau này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Sinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN