Nhiều điểm mới trong quy định "phạt nguội" vi phạm giao thông
Nghị định 100 bổ sung quy định chủ phương tiện phải có trách nhiệm cùng lực lượng chức năng xác minh hành vi vi phạm qua thiết bị nghiệp vụ...
Nghị định 100 bổ sung quy định chủ phương tiện phải có trách nhiệm cùng lực lượng chức năng xác minh hành vi vi phạm qua thiết bị nghiệp vụ, nếu không sẽ bị phạt chính hành vi vi phamh đó của phương tiện - Ảnh minh họa
Nghị định 100/2019 của Chính phủ thay thế Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Cụ thể: Khoản 8 Điều 80 Nghị định quy định: Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.
Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt tiền bằng hai lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.
Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, quy định này của Nghị định phù hợp với nguyên tắc xử phạt của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, người có thẩm quyền xử phạt đã thực hiện trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính đó là thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, ghi nhận, chứng minh hành vi vi phạm hành chính, sau đó mới gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện đến để giải quyết vụ việc vi phạm. Để thực hiện quyền chứng minh mình không vi phạm hành chính, chủ phương tiện có trách nhiệm phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Theo đó, chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm. Nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.
"Hiện quá trình xác định danh tính cụ thể của người vi phạm gặp nhiều khó khăn khi chủ phương tiện đứng tên trong giấy đăng ký xe không hợp tác với lực lượng chức năng, nhiều trường hợp chủ sở hữu phương tiện không phải là người đứng tên trong giấy đăng ký xe vì vậy gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý, không đảm bảo tính răn đe, kịp thời và ngăn chặn những hành vi vi phạm gây mất ATGT. Vì vậy, cần thiết phải quy định thủ tục xử phạt liên quan trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm được lực lượng chức năng ghi nhận, chứng minh thông qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ", ông Tùng cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Mạng xã hội chia sẻ thông tin một tài xế taxi ở Bắc Ninh bị phạt nguội gần 70 triệu đồng do vi phạm luật giao thông...