Nhiều chính sách mới về viên chức có hiệu lực từ tháng 12-2022
Từ tháng 12 tới, nhiều chính sách mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức sẽ chính thức có hiệu lực.
Sửa quy định về tiêu chuẩn viên chức chuyên ngành mỹ thuật
Ngày 28-10 vừa qua, Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư 09/2022 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành mỹ thuật.
Theo thông tư mới, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức là họa sĩ các hạng đã có sự thay đổi.
Cụ thể, viên chức chuyên ngành mỹ thuật bao gồm họa sĩ hạng I, II, III, IV. Trong đó, đối với họa sĩ hạng I, II, III trường hợp không tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành mỹ thuật thì yêu cầu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác và phải được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” hoặc được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.
Ngoài ra, cả bốn hạng chức danh đều yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật thay vì yêu cầu họa sĩ hạng I, II, II phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh họa sĩ hạng I, II, II tương ứng.
Viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành mỹ thuật trước ngày 30-6-2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật để xét chuyển chức danh nghề nghiệp, tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật theo quy định tại Thông tư 09-2022.
Thông tư 09/2022 có hiệu lực từ ngày 15-12-2022.
Hướng dẫn mới về xếp lương viên chức là diễn viên
Thông tư 10/2022 của Bộ VH-TT&DL về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15-12 tới đây.
Theo đó, viên chức nhóm chức danh đạo diễn nghệ thuật, diễn viên gồm bốn hạng mỗi nhóm, được xếp lương căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức.
Cụ thể, diễn viên hạng I được áp dụng số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00 (từ 9.238.000 đến 11.920.000 đồng); diễn viên hạng II được áp hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38 (từ 5.960.000 đến 9.506.200 đồng); diễn viên hạng III được áp dụng hệ số lương 2,34 đến 4,98 (từ 3.427.000 đến 7.420.200 đồng); diễn viên hạng IV được áp dụng hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06 (từ 2.771.400 đến 6.049.400 đồng).
Mức lương trên tương ứng với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng hiện nay. Kể từ ngày 1-7-2023, mức lương của viên chức là diễn viên các hạng sẽ đồng loạt tăng theo mức tăng lương cơ sở khi vừa qua, Quốc hội đã chốt tăng lương cơ sở lên 1.800.000 đồng/tháng.
Thông tư 10/2022 có hiệu lực từ ngày 15-12-2022.
Viên chức địa chính, thể dục thể thao được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 12/2022 sửa đổi tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường.
Theo Thông tư này, yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức địa chính các hạng đã chính thức được bãi bỏ.
Chức danh địa chính viên hạng II yêu cầu có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc sử dụng phần mềm chuyên ngành địa chính, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Chức danh địa chính viên hạng III yêu cầu viên chức có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Đối với địa chính viên hạng IV, không còn yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học.
Cũng tại Thông tư 12, Bộ TN&MT yêu cầu viên chức thăng hạng từ chức danh địa chính viên hạng III lên chức danh địa chính viên hạng II phải có thời gian giữ chức danh địa chính viên hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc); trường hợp có thời gian tương đương với chức danh địa chính viên hạng III thì phải có thời gian giữ chức danh địa chính viên hạng III ít nhất 01 năm tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thăng hạng.
Thông tư 12/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 9-12-2022.
Tương tự, Thông tư số 07/2022/TT-BVHTTDL quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao, không còn yêu cầu viên chức phải có trình độ ngoại ngữ theo bậc tương ứng, khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Thay vào đó, viên chức ngành thể dục thể thao phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.
Bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ với viên chức thể dục thể thao. Ảnh minh họa: VGP
Ngoài ra, việc xếp lương của các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao được quy định như sau:
- Huấn luyện viên cao cấp (hạng I) áp dụng hệ số lương viên chức loại A3, nhóm 1, từ hệ số lương 6,2 - 8,0.
- Huấn luyện viên chính (hạng II) áp dụng hệ số lương viên chức loại A2, nhóm 1, từ hệ số lương 4,4 - 6,78.
- Huấn luyện viên (hạng III) áp dụng hệ số lương viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 - 4,98.
- Hướng dẫn viên (hạng IV) áp dụng hệ số lương viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 - 4,06.
Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực thi hành từ ngày 10-12-2022.
Nguồn: [Link nguồn]
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc...