Nhiều cán bộ ngoại giao Việt Nam phải cách ly vì tiếp xúc với người nhiễm Covid-19
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp trên thế giới, một số cán bộ ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cách ly vì trong quá trình làm việc, thực hiện công tác bảo hộ công dân đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Bà Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 26/3. (Ảnh: Mofa)
Bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, c cho biết như vậy trong cuộc họp báo ngày 26/3. Đây là cuộc họp báo trực tuyến đầu tiên của Bộ Ngoại giao vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác bảo đảm an toàn cho các cán bộ ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, Bà Hằng cho biết, ngay từ khi có thông tin dịch bệnh, Bộ Ngoại giao đã quán triệt tất cả cán bộ công chức viên chức của Bộ cả trong và ngoài nước nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về phòng chống Covid-19 cùng các quy định, yêu cầu về phòng chống dịch của nước sở tại khi đi công tác nước ngoài; yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quán triệt tinh thần bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại, đồng thời sẵn sàng bảo hộ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch tễ, thực hiện nghiêm các yêu cầu, khuyến cáo, quy định về phòng chống dịch của sở tại để đảm bảo an toàn, sức khoẻ của các cán bộ, công chức, viên chức ngoại giao và gia đình họ.
Trong bối cảnh diễn biến nhanh và hết sức phức tạp trên thế giới, các cán bộ ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khoẻ. Một số cán bộ phải tự cách ly vì trong quá trình làm việc, thực hiện công tác bảo hộ công dân đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh, bà Hằng nói.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn duy trì các hoạt động đối ngoại, dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân như duy trì đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật thông tin và giữ liên hệ với sinh viên và người Việt Nam sở tại; thăm hỏi, động viên, chủ động trao đổi với cơ quan chức năng sở tại đề nghị tạo điều kiện cư trú, chăm sóc y tế cho công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết; phối hợp, hỗ trợ công dân trong quá trình về nước. Rất mừng đến thời điểm hiện tại chưa có cán bộ ngoại giao Việt Nam nào nhiễm Covid-19.
“Cho đến nay phần lớn đã hoàn thành thời gian cách ly, quay trở lại làm việc hoàn toàn”, bà Hằng nói.
40 người vẫn mắc kẹt tại các sân bay quốc tế
Trong bối cảnh Covid-19 đang diễn ra nhanh và phức tạp trên thế giới, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã hạn chế, thậm chí đóng cửa đường bay quốc tế, không cho quá cảnh, khiến nhiều hành khách là công dân Việt Nam bị kẹt tại các sân bay quốc tế.
Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao cho biết vẫn liên tục cập nhật thông tin và đưa ra khuyến cáo đối với công dân Việt Nam về việc đi lại, đặc biệt là lưu công dân hạn chế tối đa đi lại giữa các nước và về Việt Nam trong thời điểm hiện nay, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của nước sở tại, thường xuyên kiểm tra, cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để có thể thực hiện chuyến đi, đặc biệt là giấy tờ xác nhận tình hình sức khoẻ.
Trong trường hợp không đủ giấy tờ cần thiết, hoặc các quốc gia và vùng lãnh thổ, hãng hàng không thay đôi quy định thì có thể bị kẹt tại các sân bay quốc tế. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên theo dõi, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các cảng hàng không quốc tế tại nước sở tại để cung cấp thông tin cụ thể về chính sách nhập cảnh của Việt Nam, khẳng định công dân Việt Nam được phép về nước mà không cần giấy xác nhận của cơ quan Việt Nam ở nước sở tại; tìm hiểu thông tin về tình hình công dân Việt Nam bị kẹt ở các sân bay để kịp thời thực hiện biện pháp bảo hộ công dân cần thiết và trong điều kiện có thể.
Trong các ngày từ 21-25/3, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan ngoại giao phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước hỗ trợ cho hơn 800 công dân Việt Nam, đến nay còn hơn 40 công dân vẫn bị kẹt ở sân bay quốc tế nước ngoài. BNG đang phối hợp với các cảng hàng ko quốc tế, các cảng hàng không, cơ quan chức năng sở tại đảm bảo chăm sóc y tế, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết, hỗ trợ tìm chỗ ở tạm thời và tiếp tục tìm kiếm, thu xếp chuyến bay phù hợp về Việt Nam.
Trường hợp trợ giúp, các công dân Việt Nam ở nước ngoài có thể liên hệ với đường dây nóng bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự cũng như đường dây nóng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã được công bố trên website của các cơ quan đại diện cũng như trên trang điện tử của Cục Lãnh sự.
Một số kiều bào đề xuất thu phí cách ly
Trong thời gian qua nhiều kiều bào về Việt Nam, trong đó một số người đề xuất Việt Nam thực hiện cách ly thu phí để tri ân lực lượng đang làm nhiệm vụ và hỗ trợ nỗ lực chống dịch của Chính phủ. Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về vấn đề này, bà Hằng cho biết, được sự cho phép của Chính phủ, một số địa phương đã tổ chức mô hình cách ly với đóng góp tự nguyện. Mô hình này đáp ứng được nhu cầu củ công dân, giảm tải cho các khu cách ly tập trung. Mô hình này tiếp tục được mở rộng, nhưng phải bảo đảm được nguyên tắc giám sát y tế và mục tiêu cao nhất là phòng chống hiệu quả sự lây lan của Covid-19.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, các trường hợp không tuân thủ việc cách ly bắt buộc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, TP sẽ...