Nhiều bị cáo vụ AIC 'thông thầu' bỏ trốn: Tổng Cục thi hành án dân sự nói gì về thu hồi tài sản?
Theo đại diện Tổng cục thi hành án dân sự, đối với vụ án Công ty AIC 'thông thầu', sau này nếu có khó khăn vướng mắc trong thu hồi tài sản, đơn vị sẽ tham mưu cho Bộ Tư pháp tiến hành các phương án xử lý triệt để.
Chiều 26/12, tại cuộc họp báo quý 4 năm 2022, do Bộ Tư pháp tổ chức, trả lời câu hỏi của PV về việc vừa qua Tổng cục Thi hành án dân sự tổng kết công tác, xin Tổng cục chia sẻ về những vụ án chưa thi hành được, còn nhiều khó khăn vướng mắc?
Trả lời câu hỏi, đại diện Tổng Cục thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết, thời gian qua Tổng cục đã tổ chức việc thi hành án đối với các vụ án có hiệu lực, nhiều vụ việc đã được giải quyết. Song cũng có những vụ việc, nhất là vụ án lớn có vướng mắc khó khăn chưa thu hồi được.
Đơn cử như việc xử lý tài sản là các lô đất đã tuyên án tại Khu phức hợp thương mại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) trong vụ Phạm Công Danh, số tiền phải thi hành án lên 4.132 tỷ đồng và tài sản bảo đảm là khu đất nhưng việc xử lý lô đất lại gặp khó khăn liên quan đến quy hoạch.
Ngoài ra, còn vụ án liên quan đến đại gia Hứa Thị Phấn đã tổ chức thi hành được gần 7.000 tỷ đồng, còn phải thi hành án khoảng 9.700 tỷ đồng. Vụ việc này đang vướng mắc trong xử lý tài sản kê biên.
Cạnh đó, ông Lợi thông tin thêm, dự án Bệnh viện Đa khoa Phú Mỹ, do đang triển khai dở dang, các cơ quan tố tụng đang đảm bảo kê biên thi hành án. Phía Tổng cục đang chỉ đạo Cục thi hành án dân sự địa phương có những biện pháp xử lý phù hợp nhất.
Ông Nguyễn Thắng Lợi tại buổi họp báo.
Liên quan đến câu hỏi hiện nay tòa đang xử vụ án Công ty AIC, có rất nhiều đối tượng đang bỏ trốn ra nước ngoài, xin hỏi Tổng Cục thi hành án dân sự có khó khăn gì trong thu hồi tài sản không?
Vị đại diện Tổng cục thi hành án dân sự trả lời: “Sau này nếu có phát sinh những vấn đề khó khăn như đã nêu, chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ tư pháp tiến hành các phương án xử lý để đảm bảo công tác thu hồi tài sản được đảm bảo đầy đủ”.
Được biết, những ngày này, TAND TP Hà Nội đang xét xử vụ sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) cùng 7 đồng phạm khác đang bỏ trốn, tòa quyết định xét xử vắng mặt.
Trong cáo trạng thể hiện, cơ quan điều tra đã kê biên đối với tài sản là một nhà biệt thự diện tích 357m2 tại phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngôi biệt thự này bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng kê biên với tài sản là một nhà biệt thự diện tích 453m2 tại phố Nguyễn Huy Tự, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngôi biệt thự này đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn; sáu căn hộ tại chung cư Pacific Place ở 83B phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội của bà Nhàn và một thửa đất diện tích 4,065m2 thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội của AIC.
Cựu chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị cáo buộc đã dùng nhiều chiêu trò thông thầu, gian lận thầu AIC và các công ty được chỉ định trúng 16 gói thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, với tổng trị giá hơn 665 tỷ đồng.
Bà Nhàn bị quy kết hưởng lợi trái pháp luật hơn 148 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước 152 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Tại phiên toà xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm, bào chữa cho nữ cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Bồ Ngọc Thu, luật sư đề nghị thay đổi quan điểm...