Nhếch nhác 2 tuyến phố kiểu mẫu ở Hà Nội
Hai tuyến phố kiểu mẫu ở Hà Nội ngày càng lộn xộn, nhếch nhác khi hàng trăm hộ dân tự ý điều chỉnh hệ thống biển hiệu và các quy chuẩn.
Không còn dáng dấp kiểu mẫu
Khoảng 6 năm trước (năm 2016), sau khi được chỉnh trang lại vỉa hè, trồng thêm nhiều cây xanh và mở rộng lòng đường gấp 3 lần, phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) được lựa chọn thí điểm là tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của TP Hà Nội.
Điểm nhấn là toàn bộ biển hiệu, biển quảng cáo được đồng bộ từ kích thước, cỡ chữ, màu sắc với 2 màu cơ bản xanh và đỏ.
Hệ thống biển hiệu trên tuyến phố Đình Thôn được nhiều hộ kinh doanh lắp đặt, biến tấu lại với đủ các kích cỡ khác nhau. Ảnh: Tạ Hải
Tuy nhiên, trở lại tuyến phố kiểu mẫu này vào ngày 21/9, đập vào mắt PV là hình ảnh nhếch nhác, lộn xộn, mất ATGT… khi hàng trăm tấm bảng, biển quảng cáo phía dãy nhà chẵn đều đang bị các hộ kinh doanh thay đổi với đủ màu sắc, kích thước.
Đơn cử, 6 hộ kinh doanh từ quán Aqua cafe số 214 - 226 biển quảng cáo không còn mang màu xanh - đỏ. Thay vào đó là các màu vàng, đen, trắng.
Thậm chí, các hộ kinh doanh số nhà 212, 236, 248… bày biện hàng hoá và sử dụng những chiếc bảng di động đặt trên vỉa hè. Đi dọc phố người tham gia giao thông còn thường xuyên bị cản trở bởi cảnh xe máy chiếm dụng vỉa hè, ô tô đỗ nườm nượp hai bên lề đường bất chấp biển cấm.
Chị Nguyễn Thu Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, tôi khá ấn tượng với phố kiểu mẫu, còn dẫn các con đi dạo. Nhưng chỉ được vài tháng, nhiều biển hiệu được điều chỉnh, hàng hoá bày biện tràn lan nơi vỉa hè, xe cộ đỗ nhan nhản dưới lòng đường… trông lộn xộn, mất ATGT nên lâu rồi tôi cũng không yên tâm để các con di dạo trên tuyến phố này”.
Tương tự, phố Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội), được coi là tuyến phố kiểu mẫu của Hà Nội thực hiện theo Đề án “Thí điểm tuyến đường Đình Thôn là tuyến đường văn minh đô thị” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030… thậm chí còn lộn xộn hơn và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông khi diện tích tuyến phố nhỏ hẹp lại đang bị người dân hai bên đường chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán.
Trước đó, tuyến phố này được quy hoạch thành kiểu mẫu với điểm nhấn nổi bật là lắp đồng bộ hệ thống 200 cột sắt màu đỏ cao bằng nhau (độ cao 4m). Các hộ kinh doanh lắp biển hiệu trên hàng cột sắt tại chiều cao 3m so với mặt đất, chiều dọc biển cố định 1,5m.
Song, quan sát của PV hiện tại hệ thống biển hiệu trên tuyến phố được đa số hộ kinh doanh lắp đặt, biến tấu lại với đủ các kích cỡ khác nhau. Một số còn tự ý phá bỏ cột sắt phía trước, điển hình như số nhà 8,10, 58.
Trên tuyến đường được thiết kế với chiều rộng khoảng 6m cho lưu thông 2 chiều có lắp đặt biển cấm ôtô, song, vẫn nhiều phương tiện di chuyển vào gây ùn tắc.
Duy trì hay bỏ phố kiểu mẫu?
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, Đại học GTVT Vũ Anh Tuấn thẳng thắn cho rằng, những tuyến phố được kỳ vọng là kiểu mẫu tại Hà Nội không đạt được kết quả vì chưa có một khung quy chuẩn nhất định khi xây dựng.
Theo ông Tuấn, bất kỳ công trình nào muốn hướng đến mục tiêu kiểu mẫu, đều phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, các tuyến kiểu mẫu ở Hà Nội mới dừng lại ở phạm vi nhỏ lẻ, thiếu giám sát, dẫn tới mất kiểm soát khi người dân làm ngược lại chủ trương.
Ông Lưu Đình Lượng, Chủ tịch UBND phường Khương Mai thừa nhận, khó triển khai đề án phố kiểu mẫu trên phố Lê Trọng Tấn.
Ông Lượng cho rằng người dân bức xúc vì các biển hiệu kiểu mẫu làm vi phạm bản quyền kinh doanh. Thay vì ép để biển kiểu mẫu, chính quyền cố gắng tuyên truyền người dân làm những biển hiệu vừa phải, đừng quá sặc sỡ bởi sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh chung của khu phố.
“Có những ngành nghề đã đăng ký bản quyền mẫu quảng cáo, nhưng lại yêu cầu họ chỉ làm hai màu xanh và đỏ thì sao làm được. Người dân không làm biển quảng cáo sai quy định, chính quyền cũng không thể bắt ép được”, ông Lượng nói và cho rằng không có chuyện chiếm dụng vỉa hè. Bởi cơ quan chức năng đã kẻ vạch trên tất cả vỉa hè, cố gắng xếp xe gọn gàng.
Theo ông Lượng, việc thực hiện đề án tuyến phố kiểu mẫu vẫn đang duy trì trên phố Lê Trọng Tấn, phường vẫn tập trung vào việc tuyên truyền người dân cùng nâng cao ý thức thực hiện.
Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia giao thông, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho rằng: “Phố kiểu mẫu cần có tiêu chí và người dân trên tuyến đường phải đồng lòng triển khai mới khả thi. Còn khi người dân chưa đồng thuận, chính quyền chưa quản lý được thì nên dẹp bỏ danh xưng kiểu mẫu, tránh gây phản cảm”.
Nhằm xây dựng một Hà Nội văn minh, với các tuyến phố kiểu mẫu đúng quy chuẩn, hiện tại các cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn tiếp tục đề nghị các quận, huyện nghiên cứu, tự xây dựng tiêu chí tuyến phố kiểu mẫu riêng căn cứ theo đặc thù của địa phương. Việc quy định kích cỡ, màu sắc của biển hiệu cũng nên nghiên cứu theo văn hóa vùng, tuân thủ đúng Luật Quảng cáo. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã và đang tổ chức thiết kế đô thị hàng loạt các tuyến phố như tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Phú, Kim Mã... |
Nguồn: [Link nguồn]
Sau nhiều năm chìm trong công trường các “siêu” dự án giao thông, công trình thi công, đến nay sau khi các dự án này thi công xong, do việc hoàn trả cẩu thả, nhiều tuyến đường...