Nhật xem xét phối hợp với Mỹ tuần tra Biển Đông

Đô đốc Kawano khẳng định Nhật sẽ nghiên cứu phương án đưa tàu chiến, máy bay xuống tuần tra Biển Đông cùng Mỹ “tùy diễn biến tình hình”.

Ngày 25.6, tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tuyên bố rằng Tokyo đang xem xét khả năng điều tàu chiến, máy bay phối hợp cùng với quân đội Mỹ tuần tra trên Biển Đông.

Tuyên bố trên được Đô đốc Katsutoshi Kawano đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang quan ngại sâu sắc về những công trình xây đảo nhân tạo phi pháp gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhật xem xét phối hợp với Mỹ tuần tra Biển Đông - 1
Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Đô đốc Kawano nhấn mạnh rằng những hòn đảo nhân tạo này của Bắc Kinh đã gây ra “những lo ngại nghiêm trọng” cho Tokyo, và Lực lượng Phòng vệ Biển nước này cũng đang xem xét tất cả những khả năng có thể để đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển này.

Ông Kawano nói: “Biển Đông là khu vực có tầm quan trọng rất lớn đối với an ninh Nhật Bản. Hiện chúng tôi chưa đưa ra kế hoạch tuần tra Biển Đông, nhưng tùy thuộc vào tình hình, tôi nghĩ chúng tôi có thể sẽ xem xét khả năng này”.

Vị đô đốc này nói thêm: “Về vấn đề Biển Đông, chúng ta có thể thấy rõ là Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện hải quân của họ, trong khi ngân sách quốc phòng của họ của tiếp tục tăng...khiến chúng tôi rất lo ngại về các hành động của Bắc Kinh”.

Đô đốc Kawano không nói rõ khi tình hình diễn biến như thế nào thì Nhật Bản sẽ đưa lực lượng xuống tuần tra Biển Đông, và những chuyến tuần tra như vậy sẽ được thực hiện trong phạm vi nào.

Nhật xem xét phối hợp với Mỹ tuần tra Biển Đông - 2
Máy bay trinh sát P3-C của Mỹ và Nhật Bản "hội ngộ" ở đảo Palawan (Philiippines) hồi đầu tuần

Nhiều khả năng việc Nhật Bản tham gia tuần tra Biển Đông sẽ nhận được sự hoan nghênh của Mỹ, nước đã cam kết làm mọi việc có thể để đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển chiến lược này.

Trong một cuộc họp báo ở Tokyo hồi đầu tháng, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ khẳng định: “Tôi coi Biển Đông là vùng biển quốc tế, bởi vậy Nhật Bản sẽ được chào đón tham gia các hoạt động trên biển cả mà nước này coi là phù hợp”.

Hồi đầu tuần, Nhật Bản cũng đã điều một máy bay trinh sát săn ngầm P3-C tham gia diễn tập cùng hải quân Philippines quanh đảo Palawan, và chiếc máy bay này đã hai lần bay đến gần khu vực đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc như một động thái phản đối hoạt động xây đảo của Bắc Kinh.

Trước đó, Mỹ và Úc cũng đã thực hiện các chuyến tuần tra trên Biển Đông trong một nỗ lực nhằm bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc đối với những hòn đảo nhân tạo phi pháp vừa được xây dựng.

Phản ứng trước tuyên bố trên của Đô đốc Kawano, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng những quốc gia ngoài khu vực “không nên tìm cách làm gia tăng căng thẳng bằng các biện pháp can thiệp quân sự, và điều này chỉ gây hậu quả tiêu cực”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN