Nhật sẽ dùng pháo vũ trụ bắn phá thiên thạch

Nhật Bản sẽ dùng pháo vũ trụ gắn trên tàu không gian để bắn phá thiên thạch và thu thập các mẫu vật có giá trị nghiên cứu cao.

Mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã bắn thử thành công một khẩu pháo vũ trụ gắn trên tàu vũ trụ Hayabusa 2 để bắn phá thiên thạch và lấy mẫu khoáng chất của nó.

Cơ quan Khám phá Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết vụ bắn thử này sẽ tạo điều kiện cho tàu vũ trụ Hayabusa 2 sẽ được phóng lên vào năm 2014 có thể thu thập được các mẫu vật đất đá lấy từ thiên thạch phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Nhật sẽ dùng pháo vũ trụ bắn phá thiên thạch - 1

Pháo vũ trụ gắn trên tàu Hayabusa 2 sẽ bắn thẳng vào bề mặt thiên thạch

Trong sứ mệnh sắp được thực hiện vào cuối năm tới, tàu Hayabusa 2 được trang bị khẩu pháo vũ trụ này sẽ dùng đạn kim loại bắn thẳng vào bề mặt của thiên thạch với vận tốc 2 km/s từ khoảng cách 100 mét để tạo ra một lỗ thủng trên thiên thạch.

JAXA hy vọng rằng từ lỗ thủng này các nhà khoa học Nhật Bản có thể thu được những mẫu vật vô giá có khả năng tiết lộ lịch sử hình thành các thiên thạch này bởi các mẫu vật lấy từ lõi thiên thạch không bị ảnh hưởng bởi môi trường hay nhiệt độ trong vũ trụ.

Để điều chỉnh được độ chính xác của khẩu pháo này, các kỹ sư của JAXA đã phải vượt qua rất nhiều thách thức, tuy nhiên họ khẳng định rằng mọi vấn đề đến nay đã được giải quyết.

Kỹ sư Takanao Saiki của JAXA cho biết: “Chúng tôi đã xử lý một số vấn đề phát sinh trong quá trình chế tạo khẩu pháo này. Trong các cuộc thử nghiệm, đầu đạn đã bắn trúng mục tiêu với vận tốc như dự kiến.”

Nhật sẽ dùng pháo vũ trụ bắn phá thiên thạch - 2

Hình minh họa tàu Hayabusa 2 lấy mẫu vật từ thiên thạch sau khi bắn phá

Các nhà khoa học Nhật Bản bắt đầu dự án khám phá thiên thạch bằng tàu vũ trụ Hayabusa 1, trở về Trái đất vào tháng 6/2010 sau khi khám phá thiên thạch Itokawa dài 500 mét.

Tàu Hayabusa 2 kế nhiệm sẽ được phóng vào năm 2014 để nghiên cứu một thiên thạch loại C có tên gọi là “1999 JU3” được cho là có chứa đậm đặc các chất hữu cơ và nước.

JAXA cho biết: “Các khoáng chất và nước biển từng tạo thành Trái đất cũng như những vật liệu của sự sống được cho là có sự gắn kết chặt chẽ với tinh vân mặt trời nguyên thủy trong hệ Mặt trời sơ khai. Chúng tôi hy vọng sẽ phát hiện được nguồn gốc của sự sống bằng cách phân tích các mẫu vật thu được từ các thiên thể nguyên thủy này.”

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy “1999 JU3” là một quả cầu có đường kính xấp xỉ 920 mét với độ phản sáng ở bề mặt là 0,06. Quả cầu thiên thạch này hoàn thành một vòng quay của mình trong khoảng 7,6 giờ. Dự kiến Hayabusa 2 sẽ tới được mục tiêu vào giữa năm 2018 và sẽ bắt đầu trở về Trái đất vào năm 2019.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo RT) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN