Nhật ký chống dịch Covid-19 ở Pháp của một phụ nữ Việt

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Nhỏ con sốt cao, nôn ra giường. Nó bắt đầu ho nhiều... Nằm cạnh nó, cổ họng tôi khô rát, đau như kim châm. Ý nghĩ về việc nhiễm virus Corona bắt đầu xâm chiếm lấy tôi. Tôi lo, thực sự lo...

Gavoye Quyên-Trợ lý di sản văn hoá của Uỷ ban thành phố Besançon, Pháp, đã từng sống ở Pháp 18 năm viết riêng cho Dân Việt, kể về những điều thực sự đang xảy ra ở nước Pháp thời đại dịch Covid-19.

Bảo tàng Thời gian tại thành phố Besancon vắng tanh không một bóng người thời đại dịch Covid-19.

Bảo tàng Thời gian tại thành phố Besancon vắng tanh không một bóng người thời đại dịch Covid-19.

20h thứ 5 ngày 12/3:

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ tuyên bố trực tiếp trên truyền thông, một ngày sau khi WHO (tổ chức sức khỏe thế giới tuyên bố Covid-19 là đại dịch), lệnh đóng cửa trường học ở mọi cấp độ.

Người Pháp hoang mang. Bởi, 24h trước đó, mọi thứ vẫn chỉ đơn giản "dịch" của châu Á. Đồng nghiệp tôi gửi tin nhắn náo loạn: Nếu đóng cửa trường học, ai sẽ trông con?

Chúng tôi không thể nhờ ông bà, đó là tầng lớp dễ nhiễm bệnh nhất. Họ cần được bảo vệ.

Thứ 6 ngày 13/3:

Tại cuộc họp giao ban, ban giám đốc cũng chưa thể nói gì hơn về các bước đi tiếp theo. Giả định về việc chính phủ bị bất ngờ càng có cơ sở. Bởi lệnh đóng cửa trường học được ban ra, nhưng chính phủ chưa thể đưa ra giải pháp cụ thể cho tình hình hiện tại.

13h cùng ngày, chúng tôi được thêm thông tin (mặc dù ban giám đốc vẫn thông báo dè chừng), mọi điểm tập trung công cộng sẽ bắt đầu đóng cửa từ thứ Hai.

Mọi việc dường như phức tạp hơn, bởi công việc của tôi liên quan trực tiếp đến đời sống văn hóa của dân. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chỉ được phép thông báo với người dân những thông tin ngắn ngọn về việc đóng cửa cơ quan vô thời hạn mà chưa thể giải thích gì hơn, do mọi thông tin đều chưa chắc chắn. Câu trả lời chung chung không đủ thuyết phục người dân về hiệu quả của lệnh phong tỏa.

Thứ 7 ngày 14/3:

Thời tiết cuối đông rất đẹp, nắng nhẹ, trời ấm áp. Chúng tôi quyết định đi dã ngoại. Sau nhiều đắn đo, chúng tôi quyết định đi vào rừng, nơi ít có rủi ro nhất, vì lượng người vào rừng rất ít. Rừng lại rộng, nên nguy cơ gặp người khác và lây lan cho nhau dường như không có.

Lũ nhỏ sau một hồi leo lên, đi xuống bắt đầu đổ mồ hôi. Con nhỏ nhà tôi không chịu được nóng nên cởi bỏ áo khoác. Rừng về chiều lúc nóng lúc lạnh. Nhỏ con vẫn vô tư mặc độc có chiếc áo thun.

20h cùng ngày, Tổng thống Macron công bố một phần của lệnh phong tỏa. Bắt đầu từ 0h ngày Chủ Nhật, mọi nhà hàng, thư viện, bảo tàng, các điểm vui chơi, hộp đêm, quán bar… (chỉ trừ siêu thị và hiệu thuốc) đều đóng cửa vô thời hạn. Người Pháp ngỡ ngàng.

05h sáng Chủ Nhật ngày 15/3:

Nước Pháp bước vào bầu cử thị trưởng vòng 1.

Từ phòng ngủ của con tôi, tiếng ho hắt ra, tiếng ho khan. Tôi còn đang mơ màng trong giấc ngủ thì thấy con bảo bị sốt. Đi sang phòng, thấy người con nóng ran, tôi vội cho con thuốc giảm sốt và bế con sang phòng ngủ chung.

08h sáng

Bản tin thời sự đưa tin số ca nhiễm virus Corona ở Pháp là 5.423 (trong đó 127 người chết, hơn 400 ca nguy kịch phải thở máy). Cả nước Pháp sục sôi một phần vì dịch bệnh, nhưng chủ yếu là còn vì cuộc bầu cử thị trưởng. Đây là một trong hai cuộc bầu cử quan trọng nhất của Pháp (sau cuộc bầu cử Tổng thống), vì nó quyết định người đứng đầu cho mọi hoạt động chính trị và kinh tế của thành phố.

Nhỏ con đã đỡ sốt, nhưng lại kêu đau cổ họng. Chúng tôi cùng dậy ăn sáng. Chồng tôi chuẩn bị đi bầu cử. Tôi tự nhủ đợi đầu giờ chiều, ăn xong sẽ đi.

13h

Nhỏ con lại sốt cao và tiếp tục ho, tôi và chồng bắt đầu có dấu hiệu đau cổ họng. Sau nhiều phút đắn đo, chúng tôi quyết định cách ly tại nhà và tôi sẽ bỏ qua cuộc bầu cử.

Người dân xếp hàng đợi đến lượt vào siêu thị mua đồ.

Người dân xếp hàng đợi đến lượt vào siêu thị mua đồ.

1h30 sáng thứ hai ngày 16/3:

Nhỏ con sốt cao, nôn hết ra giường. Tiếng ho nhiều lên... 

Nằm cạnh nó, cổ họng tôi khô rát, đau như kim châm. Ý nghĩ về việc nhiễm virus Corona bắt đầu xâm chiếm lấy tôi. Tôi lo, thực sự lo...

Tôi cầm điện thoại và gọi điện đến trung tâm y tế để xin ý kiến… Tổng đài dường như quá tải. Tôi đợi chuông kêu tầm năm phút thì tắt máy đi ngủ. Cố gắng trấn tĩnh đợi sáng ra sẽ tính tiếp.

8h sáng

Chúng tôi thức giấc sau một đêm vật lộn với sốt và đau họng. Nhỏ con đã hạ sốt, nó bắt đầu đói. Chúng tôi vẫn chuẩn bị bữa sáng như bình thường. Sau bữa sáng, chồng tôi vào trang web của chính phủ để xem hướng dẫn trong trường hợp có nghi ngờ mắc bệnh. Ở đó chúng tôi được hướng dẫn rõ ràng từng bước phải làm. Trong trường hợp chưa có biểu hiện của việc khó thở, chúng tôi chỉ cần gọi bác sĩ gia đình. Bác sĩ gia đình là người đầu tiên sẽ xử lý thông tin và phân loại bệnh nhân. Nếu thực sự cần thiết, chúng tôi sẽ phải đích thân đến phòng khám của họ và phải đeo khẩu trang. Tùy theo tình trạng bệnh lý, họ sẽ là người liên lạc trực tiếp với bệnh viện và gọi xe cứu thương.

Sau khi đã đọc kĩ từng hướng dẫn, chúng tôi quyết định sẽ đợi thêm vài giờ để theo dõi tiến độ phát triển của bệnh trước khi gọi bác sĩ.

13h

Vậy là đã 24h trôi qua từ khi chúng tôi quyết định tự cách ly tại nhà. Tôi mở tủ lạnh định chuẩn bị đồ ăn chiều cho lũ nhỏ. Bất giác, tôi thấy hối hận vì chưa kịp đi chợ từ hôm trước. Tủ lạnh trống trơn. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu gia đình tôi chỉ gồm toàn người lớn. Nhưng chúng tôi còn hai đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Số lượng thức ăn dự trữ trong nhà chỉ cho phép tôi cầm chừng vài ngày.

Tôi quyết định kêu gọi sự trợ giúp của hàng xóm. Trên điện thoại, họ bảo tôi, giờ này mà đi chợ thì rất vất vả, bởi mọi người đang hoảng hốt sau tin sẽ có lệnh phong tỏa hoàn toàn kể từ ngày mai. Tuy vậy, sau vài cuộc điện thoại, tôi cũng tìm ra được một người hàng xóm khác đang ở chợ.

Theo lời người hàng xóm của tôi, để tránh việc lây lan, tại các siêu thị đã có phương pháp lọc người. Họ không để tất cả mọi người vào trong cùng lúc, mà chỉ để một số lượng nhất định vào bên trong. Bên ngoài, tất cả mọi người xếp hàng và giữ khoảng cách an toàn. Vì thế mà việc đi chợ sẽ mất thời gian hơn. Nhưng dường như ai cũng chấp nhận vì lý do an toàn sức khỏe. Ở bên trong, để tránh việc mua để phòng thân trong cơn hoảng loạn của một số người dân. Siêu thị dán yêu cầu, mỗi người chỉ được mua một số lượng nhất định hàng hóa.

 Hú hồn, mọi việc rồi sẽ tìm được hướng giải quyết.

20h

Tổng thống E. Macron thông báo trực tiếp trên truyền thông "Chúng ta đang ở thời kỳ chiến tranh, cuộc chiến vệ sinh dịch tễ". Đây là câu chủ đạo mà Tổng thống đã nhấn mạnh nhiều lần trong suốt bài phát biểu, nhằm nâng cao sự cảnh giác của người dân. Bắt đầu từ 12h trưa 17 tháng 3, trên toàn nước Pháp áp dụng lệnh phong tỏa toàn bộ. Người dân chỉ được ra ngoài nếu cần phải đi làm (phần lớn các cơ quan đóng cửa, trừ những ban ngành không thể thiếu cho cuộc sống của xã hội) hoặc đi chợ. Để đảm bảo không có sự lợi dụng kẽ hở để lách lệnh, chính phủ đã đưa lên mạng biên bản cho phép tham gia hoạt động xã hội (phải có sự đồng ý của cơ quan), trong trường hợp vi phạm, tiền nộp phạt sẽ là 135€ (gần 3 triệu 600 nghìn). Nước Pháp đang có chiến tranh.

20h30

 Kết thúc bài phát biểu của Tổng thống, tôi tranh thủ gọi điện cho cô bạn thân đang là bác sĩ phẫu thuật ở khoa thận để hỏi thăm tình hình. Cô bạn tôi cho biết, bệnh viện bắt đầu quá tải. Họ đã phải huy động mọi khoảng không gian để thêm giường. Khu vực cách ly cho Covid-19 chiếm hơn 2/3 diện tích sử dụng. Họ buộc phải lựa chọn bệnh nhân để ưu tiên điều trị. Sẽ có những người bị bỏ lại… Cô ấy nhắc lại, chúng ta đang có chiến tranh. Cuộc chiến không của riêng ai. Nếu thực sự muốn tốt cho tình hình chung, vũ khí duy nhất là "ở yên trong nhà", không tham gia bất cứ cuộc hội họp nào cả.

Câu nói của cô bạn làm tôi ái ngại. Nghe thì rất đơn giản, "ở yên trong nhà", có gì đơn giản hơn? Ấy thế mà, lúc này đây, rất nhiều người vẫn thờ ơ coi lệnh cách ly là một điều bất bình thường…

21h

 Nước Pháp có tổng số 6.633  ca nhiễm với 148 trường hợp tử vong.

 Nhỏ con tôi sốt 40°...

Sau khi tổng thống Pháp E. Macron ra lệnh phong tỏa một phần những hoạt động xã hội, bao gồm: những tụ điểm vui chơi (quán bar, hộp đêm, concert…) và những địa điểm văn hóa (thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa…), nước Pháp bàng hoàng. Một kịch bản mà người dân Pháp còn chưa nghĩ sẽ có lúc được áp dụng tại châu Âu.

Lý do thì nhiều...

Một mặt, châu Âu là một đại lục mở. Người dân được quyền di chuyển tự do giữa các nước. Việc đóng cửa biên giới là không thể bởi ngoài hiến pháp riêng của từng nước, các nước châu Âu còn bị ràng buộc bởi hiến pháp Châu Âu. Nếu không có một mối nguy cơ rõ ràng, không một nước nào có đủ pháp lý để đóng đường biên. Do đó, việc WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) tuyên bố Covid-19 là đại dịch vào ngày 11.03.2020, đã cho phép các nước có cơ sở pháp lý về một mối nguy hại trực tiếp đe dọa sức khỏe của cộng đồng để đóng cửa biên giới. Dù đã quá muộn. Số người nhiễm virus Corona ở châu Âu đã lên tới hàng nghìn. Châu Âu đã bỏ lỡ cơ hội vàng để chống dịch.

Mặt khác, mạng lưới giao thông khá phát triển ở châu Âu cũng là một trở ngại cho việc cách ly. Chuyện một người sống ở Pháp và làm việc tại Thụy Sĩ hay tại Ý… và đi về trong ngày không hiếm. Thêm vào đó chế độ thông thương tự do càng khiến cho việc kiểm soát hành trình một con người trở lên khó khăn. Một ví dụ đơn giản, một khách du lịch đến từ châu khác, có visa của Đức, nhưng khi vừa đến Đức, người khách này có thể bắt tàu sang Pháp và ở nhà một người quen và sau đó không ai có thể biết anh ta đi đâu. Chưa kể, hệ thống giao thông công cộng tương đối phát triển cũng là bài toán nan giải. Mỗi ngày riêng ở Pháp, số người sử dụng phương tiện giao thông công cộng lên tới cả hơn chục triệu lượt người.

Trong bối cảnh chung đó, thật khó cho châu Âu có thể cách ly triệt để như Việt Nam hay Trung Quốc đã làm.

Covid-19 lan rộng ở châu Âu, người Việt tại Đức bình thản nói: “Chỉ là cúm mùa thôi”

Dù không lo lắng về dịch Covid-19 nhưng nhiều người Việt tại Đức vẫn dự trữ đồ hộp, khẩu trang và nước rửa tay...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gavoye Quyên (từ Pháp) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN