Nhật, Jordan "bó tay” trước chiến thuật con tin của IS

Thực tế những gì diễn ra trong thời gian vừa qua cho thấy một thực tế rằng cả Nhật Bản và Jordan đều không thể làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng con tin với IS.

Khi cuộc khủng hoảng con tin nổ ra cách đây vài tuần, một nước Nhật hầu như không có các quan hệ ngoại giao mạnh ở Trung Đông đã phải cậy nhờ quốc gia sở tại là Jordan đứng ra làm vai trò trung gian để đàm phán với phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Thế nhưng, hóa ra Jordan cũng không hề có bất cứ kênh liên lạc hữu hiệu nào với IS.

Nhóm phiến quân IS đã ẩn mình vào bóng tối ngay sau khi tung lên mạng đoạn video quay cảnh chặt đầu ghê rợn nhà báo Nhật Kenji Goto hôm 1/2, và không hề đưa ra bất cứ phản hồi gì trước yêu cầu của Jordan phải chứng minh rằng viên phi công nước này đang nằm trong tay IS vẫn còn sống.

Một quan chức cấp cao Nhật Bản đã phải thừa nhận: “Chúng ta đang đối phó với một tổ chức mà chúng ta không hề biết được chúng đang nghĩ gì. Chúng ta không có kênh liên lạc với IS, và Nhật Bản hầu như không thể làm được gì để giải cứu con tin trong bối cảnh này”.

Nhật, Jordan "bó tay” trước chiến thuật con tin của IS - 1
IS đã sát hại cả 2 con tin người Nhật bị chúng bắt cóc

Nhà báo Goto bị phiến quân IS bắt cóc ở Syria hồi tháng 10 năm ngoái, khi anh đến đây để đưa tin về cuộc sống của người dân Syria trong vùng chiến sự và đồng thời tìm cách giải cứu người đồng hương Haruna Yukawa bị IS bắt trước đó 3 tháng.

Đến ngày 24/1, IS tung lên mạng đoạn video tuyên bố đã chặt đầu con tin Yukawa sau khi Nhật Bản không đáp ứng yêu cầu nộp 200 triệu USD tiền chuộc trong vòng 72 giờ mà IS đưa ra.

Vụ chặt đầu con tin này đã khiến cả nước Nhật bị sốc, đẩy các quan chức ngoại giao nước này vào tình thế phải làm việc “điên cuồng” hơn để có thể kết nối với bất cứ ai có liên hệ với IS.

Một quan chức cấp cao thuộc Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản cho biết: “Ngay cả các quốc gia Trung Đông và châu Âu cũng không hề biết gì về IS. Chúng tôi cũng không thu được kết quả gì từ các kênh liên lạc với thủ lĩnh bộ lạc và lãnh đạo tôn giáo ở Iraq”.

Rồi sau đó, IS bất ngờ thay đổi chiến thuật khi yêu cầu thực hiện một vụ trao đổi con tin liên quan đến nhà báo Goto, viên phi công người Jordan và một “góa phụ đen” bị Jordan kết án tử hình vì có hành vi đánh bom khủng bố.

Nhưng đến lúc đó, Nhật Bản vẫn hoàn toàn cảm thấy “bó tay” trong việc đứng ra giải quyết cuộc khủng hoảng. Quan chức trên giải thích: “Chúng tôi liên tục phải mò mẫm trong bóng tối. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là trông cậy vào chính phủ Jordan”.

Một nguồn tin thân cận với Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản cho biết: “IS có khả năng tạo ra sự bối rối đến tột độ cả cho Nhật Bản lẫn Jordan bằng chiến thuật bắt cóc con tin. Đó có vẻ như là mục tiêu của IS trong cuộc khủng hoảng này”.

Mặc dù được Nhật Bản trông cậy, thế nhưng các quan chức Jordan cũng gần như không thể làm gì để có thể giải quyết vấn đề. Các nguồn tin thân cận với chính phủ Jordan cho biết, ngay từ đầu, Jordan đã không hề có ý định trao đổi “góa phụ đen” Sajida al-Rishawi lấy nhà báo Goto, nếu như viên phi công của họ vẫn bị IS giam giữ.

Nhật, Jordan "bó tay” trước chiến thuật con tin của IS - 2
Chính phủ Jordan cũng không thể làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng con tin

Ông Bassam al-Manaseer, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Jordan tuyên bố chính phủ nước này luôn tìm cách cứu cả Goto lẫn viên phi công Muath al-Kaseasbeh thông qua vụ trao đổi tù nhân Rishawi.

Trong khi đó, Jordan có rất ít kênh liên lạc trực tiếp với IS, thế nên họ tìm cách đàm phán thông qua các thủ lĩnh bộ lạc và lãnh đạo tôn giáo ở Iraq, nhưng nỗ lực này cũng không đi đến đâu.

Ngày 25/1, đại sứ Jordan ở Iraq tiếp xúc với một tù trưởng có nhiều ảnh hưởng ở phía tây Iraq để thiết lập liên lạc với IS. Thế nhưng tất cả những gì vị tù trưởng này làm là giới thiệu ông đại sứ với một vị tù trưởng khác, người có thể thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Đó chính là những gì đã diễn ra trong suốt 5 ngày sau khi IS tung video đầu tiên đe dọa sẽ sát hại 2 con tin người Nhật. Dần dần người Nhật cũng nhận ra rằng Jordan cũng không có bất cứ một kênh liên lạc khả thi nào với IS.

Đến ngày 1/2, trước khi đoạn video chặt đầu nhà báo Goto xuất hiện trên mạng, Bộ trưởng Truyền thông Jordan Mohammad Momani ra tuyên bố cho biết phiến quân IS đã bác bỏ mọi cuộc đàm phán liên quan đến việc thả tự do cho nhà báo Goto.

Ông Ali Bani Ata, chủ tịch Ủy ban Hữu nghị Quốc hội Jordan-Nhật Bản cho rằng phiến quân IS “không bao giờ nghiêm túc trong đàm phán”, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng viên công Jordan nhiều khả năng đã bị IS sát hại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Phiến quân Hồi giáo IS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN