Nhật: Hàng không hỗn loạn vì phi công ồ ạt về hưu
Hàng ngàn chuyến bay sẽ bị hủy vì các phi công cao tuổi về hưu mà không tìm dược người thay thế.
Trong những tháng tới đây, hàng ngàn chuyến bay ở Nhật Bản có thể sẽ bị hủy vì sự già hóa dân số nhanh chóng ở nước này đã dẫn đến tình trạng các phi công đồng loạt đến tuổi nghỉ hưu mà không có người thay thế.
Hãng hàng không giá rẻ Peach Aviation cho biết hơn 2.000 chuyến bay của họ từ tháng Năm tới tháng Mười sẽ bị hủy bỏ do tình trạng thiếu phi công trầm trọng.
Trong tháng trước, hãng này đã phải hủy 448 chuyến bay vì không có phi công. Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ Vanilla Air cũng mới thông báo hủy 154 chuyến bay trong tháng này sau khi chật vật mãi mà không tuyển được phi công mới.
Nhật Bản đang thiếu phi công trầm trọng vì tình trạng già hóa dân số
Sự hỗn loạn của ngành hàng không Nhật Bản vì thiếu phi công trầm trọng có lẽ là một dấu hiệu chứng tỏ ngành công nghiệp nước này đang phải gánh chịu hậu quả từ thực trạng già hóa dân số nhanh chóng.
Bà Yuriko Koike, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và là người ủng hộ các chính sách tăng tỉ lệ sinh ở nước này cảnh báo rằng tình trạng hỗn loạn “thừa già thiếu trẻ” này sẽ ngày càng tồi tệ hơn ở Nhật Bản.
Bà nói: “Chúng ta đều biết rằng số lượng phi công Nhật Bản thực sự đang là vấn đề khủng hoảng. Những phi công thế hệ bùng nổ dân số giờ đây đã đến tuổi nghỉ hưu, trong khi các phi công trẻ vẫn chưa xuất hiện.”
Các hãng hàng không giá rẻ là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng thiếu phi công này, và sự phát triển của mô hình này trong vòng 2 năm qua ở Nhật Bản càng khiến tình hình thêm tồi tệ.
Các chuyên gia cảnh báo tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành hàng không Nhật Bản trong các thập kỷ tiếp theo, đặc biệt là với các đợt nghỉ hưu đồng loạt tới đây của các phi công già.
Hai năm trước, Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng nhu cầu về phi công trên thế giới sẽ tăng gấp đôi trong tương lai gần, khiến tình hình thiếu hụt phi công càng thêm trầm trọng ở các thị trường đang phát triển như châu Á. Dân số Nhật Bản dự kiến sẽ giảm tới 1/3 trong vòng 50 năm tiếp theo.