Nhật "cấm cửa" trực thăng Mỹ trên đảo Okinawa
Nhật Bản yêu cầu Mỹ đình chỉ hoạt động bay của trực thăng HH-60 để điều tra nguyên nhân một chiếc trực thăng bị rơi ở trại Hansen.
Ngày 6/8, Nhật Bản đã yêu cầu quân đội Mỹ đình chỉ hoạt động bay của trực thăng HH-60 tại các căn cứ ở Nhật Bản cho đến khi có kết quả điều tra nguyên nhân một chiếc trực thăng kiểu này bị rơi trên đảo Okinawa hôm 5/8.
Không quân Mỹ cho biết họ đã ngừng việc tìm kiếm một thành viên phi hành đoàn mất tích sau khi tìm thấy một thi thể chưa được nhận diện tại hiện trường vụ tai nạn. Ba thành viên còn lại của phi hành đoàn này đã nhảy ra khỏi trực thăng và hiện đang trong tình trạng ổn định.
Hiện trường vụ tai nạn
Nhật Bản đã chính thức lên tiếng phàn nàn với Mỹ về vụ rơi máy bay này trong bối cảnh làn sóng biểu tình của người dân địa phương chống lại việc Mỹ triển khai thêm 12 máy bay MV-22 Osprey trên đảo Okinawa đang ngày càng gia tăng.
Hàng chục người biểu tình đã tụ tập trước căn cứ Futenma ở Okinawa phản đối vụ rơi máy bay này và yêu cầu chấm dứt triển khai máy bay Osprey.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu phía Mỹ không cho cất cánh loại trực thăng này cho đến khi tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn và có những biện pháp phòng ngừa.”
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng Nhật Bản cũng đã yêu cầu Washington hoãn kế hoạch triển khai máy bay Osprey tới Okinawa cho đến khi giải quyết xong các vướng mắc cuối cùng.
Theo hiệp ước an ninh giữa Mỹ và Nhật, khoảng 25.000 quân Mỹ hiện đang đóng quân trên đảo Okinawa, nơi người dân địa phương thường kêu ca về những vụ tai nạn, tiếng ồn và tình trạng tội phạm có liên quan đến căn cứ quân sự Mỹ.
Trực thăng cứu hộ HH-60 của không quân Mỹ
Chiếc trực thăng cứu hộ HH-60 gặp tai nạn này cất cánh ở căn cứ Kadena để thực hiện một nhiệm vụ huấn luyện và bị rơi ở trại Hansen. Sau vụ tai nạn, căn cứ Kadena đã đình chỉ mọi hoạt động bay để tập trung vào nhiệm vụ cứu nạn, và những máy bay cánh cố định sẽ được tiếp tục cất cánh vào thứ Tư.
Báo chí Nhật Bản cho biết vụ tai nạn này gợi nhớ đến vụ chiếc trực thăng CH-53 đâm vào một trường đại học hồi năm 2004, châm ngòi cho một phong trào chống căn cứ Mỹ rầm rộ mặc dù không ai bị thương vong trong vụ tai nạn đó.