Nhật bắt 14 người TQ đến quần đảo tranh chấp
Bản tin tối 15/8 của Tân Hoa Xã cho biết, toàn bộ 14 nhà hoạt động người Trung Quốc trong chuyến tàu từ Hong Kong xâm nhập vào quần đảo tranh chấp đã bị lực lượng tuần duyên Nhật Bản bắt giữ.
Trước đó, cảnh sát đã bắt giữ bảy nhà hoạt động đã đặt chân lên hòn đảo Uotsuri ở quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Hai người thoát được và quay trở về tàu. Cho đến cuối ngày thì toàn bộ chín người - gồm hai phóng viên còn lại trên tàu đều đã bị bắt.
“Những nhà hoạt động này phớt lờ lời cảnh báo của Nhật Bản trước khi đến quần đảo. Tuy nhiên không người bị bắt nào bị thương” - đại diện cảnh sát tỉnh Okinawa nói. Những người bị bắt sẽ được chuyển về thành phố Naha ở miền nam Okinawa để thẩm vấn thêm. Sau đó họ sẽ được chuyển về Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản và cuối cùng là về Hong Kong” - phát ngôn viên lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) nói.
Tàu cá từ Hong Kong xâm nhập quần đảo tranh chấp - Ảnh: Reuters
Chính phủ Nhật Bản đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Cheng Yonghua để trao công hàm phản đối về vụ "xâm nhập trái phép" này. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Yoshihiko Noda khẳng định “sẽ xử lí vụ việc đúng theo pháp luật”.
Trong khi đó, trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Thứ trưởng Phó Oánh rằng Trung Quốc chính thức phản đối “hành động của Nhật Bản khi bắt giữ trái phép công dân Trung Quốc đến quần đảo Điếu Ngư”, đồng thời yêu cầu “Nhật Bản phải bảo đảm an toàn cho 14 công dân Trung Quốc và ngay lập tức thả tự do cho họ”.
Bài xã luận của Tân Hoa Xã thì cho rằng hành động của Nhật Bản đã đẩy căng thẳng “lên mức cao mới”.
Chiếc tàu chở các nhà hoạt động Trung Quốc (dưới) bị tàu tuần duyên Nhật Bản chặn lại - ảnh: Reuters
Trước đó đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng tuần duyên Nhật Bản và các nhà hoạt động người TQ này, dẫn tới việc năm người trong đoàn Trung Quốc bị phía Nhật Bản bắt giữ.
Chiếc tàu cá chở 14 nhà hoạt động từ Hong Kong, bao gồm hai phóng viên, đã tới cách quần đảo này chỉ 18 hải lý vào giữa trưa 15/8, nhà hoạt động Chan Miu Tak nói với các phóng viên ở Hong Kong. Nhóm này dự định sẽ tổ chức câu cá ở quần đảo, như một cách khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
Sáu tàu của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản đã bao vây những tàu này, triển khai các khẩu pháo bắn nước và máy bay trực thăng trong khu vực, theo lời ông Chan.
Hàn Quốc - Nhật Bản căng thẳng
Căng thẳng đang gia tăng tại khu vực Đông Bắc Á trong dịp kỷ niệm 67 năm ngày kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Nhật Bản cũng đã có phản đối chính thức sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak “đi quá xa” với việc chỉ trích Nhật hoàng Akihito.
Trước đó, ngày 14/8, Tổng thống Lee của Hàn Quốc nói với một nhóm nhà giáo là Nhật hoàng Akihito phải xin lỗi nếu muốn sang thăm Hàn Quốc và nhắc lại rằng kiểu xin lỗi úp mở “hối tiếc sâu sắc” như hồi năm 1990 của Nhật hoàng là không đủ.
Bộ ngoại giao Nhật nói họ đã có công hàm ngoại giao phản đối chính thức với Seoul về nhận xét của ông Lee. Nhật hoàng Akihito đã giành hai thập kỷ qua cố gắng hàn gắn những vết thương chiến tranh do cuộc chiến được phát động dưới danh nghĩa cha ông, Nhật hoàng Hirohito, để lại.
Tuần trước ông Lee cũng có chuyến thăm bất ngờ tới một hòn đảo tranh chấp Hàn-Nhật do Hàn Quốc kiểm soát mà Seoul gọi là Dokdo còn Tokyo gọi là Takeshima. Phát biểu trong lễ kỷ niệm ngày giải phóng Hàn Quốc, ông Lee nói Tokyo cần phải làm nhiều hơn để giải quyết những tranh cãi liên quan tới việc bồi thường cho các phụ nữ Triều Tiên bị bắt làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong thế chiến.
Nhật Bản cho rằng vấn đề này đã khép lại sau hiệp ước bình thường hóa quan hệ ngoại giao 1965. Năm 1993, Tokyo cũng ra một tuyên bố về vấn đề này và hai năm sau thành lập một quỹ bồi thường cho các phụ nữ, nhưng Hàn Quốc nói cần thêm các động thái chính thức khác.
Phát biểu ngày 15/8, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda thừa nhận “những tổn thương lớn” mà Nhật gây ra cho các nước khác, đặc biệt là châu Á, đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ không bao giờ khởi phát chiến tranh nữa.
Các nhà hoạt động Hong Kong chuẩn bị lên đường tới đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư - Ảnh: Reuters
Jin Matsubara, bộ trưởng phụ trách vấn đề người Nhật bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc, và Bộ trưởng đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật, ông Yuichiro Hata đã có hai chuyến thăm riêng rẽ tới đền Yasukuni, nơi tưởng niệm 2,5 triệu người Nhật thiệt mạng trong chiến tranh, bao gồm cả 14 tội phạm chiến tranh từng bị đưa ra xét xử, vào ngày 15/8.
Bộ trưởng Hata ở đền Yasakuni ngày 15/8 - Ảnh: Reuters
Việc thăm ngôi đền này của các quan chức cấp cao Nhật thường gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên, những vùng bị quân đội Nhật chiếm đóng trước và trong chiến tranh. Các thủ tướng Nhật thường yêu cầu những thành viên nội các tránh đến thăm ngôi đền này.
Tuy nhiên, ông Matsubara, mặc Âu phục, nói ông đến ngôi đền “với tư cách cá nhân” để “tưởng nhớ những tổ tiên đã tạo lập sự thịnh vượng cho nước Nhật ngày nay”. Những người được thờ trong ngôi đền này bao gồm cả tướng Hideki Tojo, cố thủ tướng Nhật từng ra lệnh tấn công Trân Châu cảng, bị tuyên án tội ác chiến tranh và treo cổ bởi một phiên tòa do Mỹ đứng đầu.