Nhân viên ngành Thận hoang mang vì bác sĩ Lương bị bắt
BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Sau sự việc bác sĩ Lương bị bắt tạm giam, bản thân chúng tôi và các bác sĩ trong Khoa rất hoang mang lo lắng. Bởi ở đây có 600 bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ”.
BS Nguyễn Hữu Dũng (bìa phải) cho biết, trong tuần tới, những chuyên gia chuyên ngành Thận và lọc máu sẽ có ý kiến.
Chuyên gia ngành Thận và lọc máu sẽ lên tiếng
Trước quyết định khởi tố, bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương liên quan đến vụ việc chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 18 người bị sốc phản vệ, 8 người tử vong, BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhân viên y tế của Khoa đang rất hoang mang, lo lắng. Bởi ở đây có 600 bệnh nhân đang lọc máu, chạy thận chu kỳ.
“Để nhân viên y tế ở Khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai yên tâm làm việc, chúng tôi đã họp tất cả nhân viên và động viên mọi người phải hết sức nghiêm túc và tuân thủ công tác an toàn trong lọc máu, sự an toàn cho bệnh nhân cũng chính là sự an toàn của nhân viên y tế”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Đối với sự việc tại BVĐK tỉnh Hòa Bình và bác sĩ Lương bị bắt tạm giam, theo BS Dũng, trong tuần tới, những chuyên gia chuyên ngành Thận và lọc máu sẽ có ý kiến.
“Về cơ bản là chúng tôi có những kiến nghị như Hội Hồi Sức Cấp cứu, Chống độc. Nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) chỉ là người sử dụng nguồn nước sau khi được bàn giao và thực hiện các quy trình kỹ thuật lọc máu đã được Bộ Y tế ban hành….Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có những phân tích chi tiết, cụ thể ở góc thận nhân tạo. Chúng tôi sẽ đưa ra những ý kiến khách quan nhất về chuyên môn trong sự việc này”, BS Dũng cho hay.
Bác sĩ không có trách nhiệm kiểm tra nguồn nước
Theo bác sĩ Dũng, kể cả trước và sau khi xảy ra sự cố ở Hòa Bình, Khoa Thận Bệnh viện Bạch Mai vẫn đưa ra quy định nghiêm ngặt trong việc kiểm tra nguồn nước, các thông số kỹ thuật…
Trưởng Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo quy định, đối với những ngày làm việc thông thường, từ 6h sáng, người được giao nhiệm vụ phụ trách nước sẽ khởi động hệ thống lọc nước RO. Sau đó nhân viên này sẽ kiểm tra các thông số an toàn (TDS, áp lực, lưu lượng). Nếu hệ thống lọc nước RO đạt yêu cầu thì cán bộ khoa sẽ bật máy thận nhân tạo và làm các test máy thận. Khi máy thận không báo lỗi, đã an toàn thì công tác lọc máu bắt đầu.
“Ở BV Bạch Mai, những việc kiểm tra, vệ sinh đường ống nước do 2 kỹ thuật viên thực hiện sau đó họ bàn giao cho bác sĩ. Bác sĩ không có trách nhiệm trong việc kiểm tra nguồn nước”, BS Dũng cho hay.
Cũng theo BS Dũng, tại Khoa Thận Nhận tạo Bệnh viện Bạch Mai, lịch trình khử khuẩn và làm sạch hệ thống RO đã được lên kế hoạch từ đầu năm, ngày giờ đã được ấn định tuy nhiên nếu phát sinh yếu tố đột xuất sẽ có kế hoạch bổ sung ngay.
Bác sĩ Hoàng Công Lương, cán bộ của Khoa Điều trị tích cực, đơn nguyên thận nhân tạo bị khởi tố và bắt giam
Cụ thể: Trước ngày bảo hành bảo trì nhân viên nước sẽ báo Trưởng khoa và kế hoạch sẽ được thực hiện theo ấn định, kỹ thuật viên nước sẽ làm việc vaò đêm thứ 7, khi công tác lọc máu đã hoàn toàn kết thúc. Công việc kéo dài đến 10h đêm ngày chủ nhật, sau khi làm xong kỹ thuật viên sẽ thử test tồn dư hóa chất và báo cho trưởng khoa là công tác bảo trì đã hoàn thành. Công việc sáng thứ 2 được thực hiện như bình thường.
Bên cạnh đó, việc xét nghiệm vi sinh, nội độc tố, lý hóa làm theo định kỳ theo quy định (VD: nội độc tố, vi sinh xét nghiệm 3 tháng/1 lần, lý hóa từ 6 tháng – 1 năm/1 lần tùy điều kiện - lịch xét nghiệm có thể thay đổi nếu có yếu tố bất thường).
Liên quan đến vụ việc bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt, chiều ngày 28/6 Bộ Y tế đã có thông tin chính thức vụ việc.