Nhận hối lộ 14,8 tỉ đồng, cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nói "không phải là sâu dân mọt nước"
Tại phiên toà, bị cáo Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, cho biết số tiền nhận 14,8 tỉ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC, bị cáo đã chi vào những việc chung của bệnh viện
Ngày 27-12, phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC tiếp tục với phần luật sư nêu quan điểm tranh luận với bản luận tội của đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa.
Bị cáo Vũ tại phiên toà. Ảnh: K.A.
Bào chữa cho bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh này), luật sư Giang Hồng Thanh đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét cho bị cáo về tội danh Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi lẽ, theo luật sư, nhận hối lộ là hành vi của một người làm trái quy định của pháp luật để được nhận lợi ích từ người hối lộ. Trong vụ án, hành vi trái pháp luật ở đây là về đấu thầu, đã xử lý trong tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Thanh cho rằng trong bất cứ một dự án sử dụng vốn đầu tư Nhà nước, thì phải xem xét về tính hiệu quả. Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là công trình lớn, hiện đại, hiệu quả thì nhà nước và nhân dân được hưởng.
"Ông Phan Huy Anh Vũ từng là bác sĩ, đã cống hiến hơn 30 năm cho ngành y tế Đồng Nai, được ghi nhận giỏi về chuyên môn, từng được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Trong quá trình tố tụng, hơn 2.000 bệnh nhân đã cùng ký đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Vũ. Bên cạnh đó, trên 2.000 cán bộ và nhân viên y tế ở Đồng Nai cũng ký đơn xin xem xét giảm nhẹ cho bị cáo này" - luật sư Thanh nêu.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Phan Huy Anh Vũ cho biết năm 2006, Bệnh viện Đồng Nai có quy mô 400 giường. Sau đó, số lượng bệnh nhân ngày một tăng lên, gây quá tải cho bệnh viện. "Bị cáo thức đêm, lo cho bệnh viện với áp lực là năm 2015 bệnh viện phải đi vào hoạt động. Việc đấu thầu công khai đã diễn ra, cụ thể là ở gói thầu số 7, nhưng khi đấu thầu công khai thì liên tục xảy ra kiện tụng. Hơn 1 năm chưa xong được 1 gói thầu, các gói thầu còn lại cũng kiện tụng như thế thì bao giờ bệnh viện mới hoàn thành" - bị cáo Vũ nói trong phần tự bào chữa.
Về số tiền 14,8 tỉ đồng nhận từ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Công ty AIC, bị cáo Phan Huy Anh Vũ khai đã dùng số tiền này để chi vào những việc chung của bệnh viện như thuê chuyên gia điều hành các tòa nhà hiện đại, các trang thiết bị thêm như loa gọi bệnh nhân. "Bị cáo không phải sâu dân mọt nước, khi bệnh viện đi vào hoạt động, bị cáo phát hiện ra toàn bộ khu vực phòng khám chỉ có một cái loa gọi chung, như thế không thể đạt yêu cầu khi bệnh nhân đông. Bị cáo dùng chính số tiền đó để thuê công ty đáp ứng được" - bị cáo Vũ lập luận.
Bị cáo Vũ cho biết số tiền bị cáo nuôi gia đình chủ yếu đến từ phòng mạch mở riêng. "Bị cáo đứng ở đây chỉ mong tòa có cái nhìn công tâm. Một mức án mà trên 10 năm, thì bị cáo không còn gì" - bị cáo là cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai bật khóc trước tòa.
Tại phần đề nghị mức án, VKSND Hà Nội đã đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Phan Huy Anh Vũ 10-11 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; 9-10 năm tù về tội Nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh, bị cáo Vũ bị đề nghị 19-21 năm tù.
Theo hồ sơ vụ án, do có quen biết với cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã nhiều lần gặp gỡ Trần Đình Thành cùng các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.
Năm 2013, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị y tế và kế hoạch đấu thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Sau đó, Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính giai đoạn 2010-2013, tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế để đưa vào hồ sơ dự thầu, mục đích đảm bảo cho AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định. Cùng với đó, bị cáo Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu lẫn hồ sơ dự thầu cho công ty "quân đỏ" và "quân xanh", nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định.
Từ thủ đoạn nêu trên, Công ty AIC chỉ định tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị 665 tỉ đồng. Hành vi của bị cáo Nhàn cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỉ đồng.
Trong vụ án, bị cáo Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, bị cáo buộc với vai trò đại diện của chủ đầu tư song lại theo chỉ đạo của bị cáo cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành để bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các lãnh đạo của AIC để tạo điều kiện cho công ty này trúng 16 gói thầu. Ngoài ra, bị cáo Vũ còn là người ký toàn bộ hồ sơ, chứng từ, thủ tục tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng kinh tế, nghiệm thu, lắp đặt… với AIC và công ty do AIC chỉ định.
Cáo trạng xác định để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai, Chủ tịch AIC đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỉ đồng. Cụ thể, bà Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới nhiều lần đưa hối lộ cho Thành 14,5 tỉ đồng, Thái 14,5 tỉ đồng và Vũ 14,8 tỉ đồng.
Bào chữa tại phiên toà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nhiều luật sư của các bị cáo đang bỏ trốn cho biết thân chủ của mình đã có tâm thư gửi với nội dung mong được quay về Việt...
Nguồn: [Link nguồn]