Nhân chứng vụ chìm sà lan ở Quảng Ngãi: 'Có 4 người lén lên tàu'
Ông Lê Văn Tài, thuyền viên tàu đậu gần tàu kéo bị nạn ở khu vực đảo Lý Sơn, nói có bốn người đã lén lên phương tiện này trước khi xuất bến.
Bốn ngày sau khi tàu và sà lan chở đá từ cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) gặp nạn ở phía bắc đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm 4 người chết và nhiều người mất tích, các lực lượng đang tìm kiếm những nạn nhân còn lại. Đồng thời, cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự bất thường khi 4 thi thể được tìm thấy đều không có tên trong danh sách thuyền viên đăng ký xuất bến.
Ông Lê Văn Tài, thuyền viên tàu Mỹ An 25. Ảnh: Văn Chương
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Lê Văn Tài, thuyền viên tàu Mỹ An 25, neo đậu ở cảng Kỳ Hà, gần tàu kéo sà lan chở đá ra Lý Sơn, cho biết có "4 công nhân đã sang tàu này để tránh sự kiểm tra của biên phòng". Sau đó, khi tàu kéo rời cảng đã cập vào tàu Mỹ An 25 chở 4 công nhân theo. Một thuyền viên khác trên tàu Mỹ An 25 cũng khai báo tương tự.
Lời khai của thuyền viên tàu Mỹ An 25 làm rõ thêm thông tin mà ông Lê Văn Trung (ở Long An, người thân của một trong 4 nạn nhân đã tìm thấy thi thể) cung cấp cho cơ quan chức năng trước đó. Ông Trung cho hay sau khi biết em rể tử vong trong vụ chìm tàu, ông từ Long An ra Quảng Ngãi nhận dạng thi thể. Sau khi đối chiếu thông tin từ ông Trung, cơ quan điều tra phát hiện 4 người đã tìm thấy thi thể đều không có trong danh sách đăng ký xuất bến ở cảng Kỳ Hà.
Theo báo cáo của Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà, 10h30 ngày 23/4, ông Nguyễn Tài Thịnh, Phó giám đốc công ty Lý Tuấn (đơn vị thuê tàu kéo theo sà lan), làm thủ tục xuất bến với hồ sơ gồm hơn 1.236 tấn đá hộc, một máy đào 28 tấn và 5 thuyền viên do ông Phạm Văn Hiệp, 51 tuổi, quê ở Long An làm thuyền trưởng.
Sà lan chìm khi chở hơn 1.236 m3 đá ra đảo Lý Sơn thi công đê chắn sóng cho cảng Bến Đình. Ảnh: Biên phòng cung cấp
Sau khi hoàn tất thủ tục ở biên phòng, đại diện công ty Lý Tuấn đến Cảng vụ hàng hải Quảng Nam và được cảng vụ cấp giấy phép rời bến. Sau đó, ông Thịnh đưa giấy phép và giấy tờ liên quan cho thuyền trưởng Hiệp. Tiếp đến, bộ đội biên phòng đã xuống tàu để kiểm đếm, đối chiếu với danh sách và cho tàu kéo và sà lan xuất bến bến lúc 11h50 cùng ngày.
Đại diện công ty Lý Tuấn khẳng định chỉ làm xong thủ tục rồi quay về, không biết trên tàu có thêm 4 người ngoài danh sách.
Trung tá Đỗ Xuân Trinh, Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, nhận định khả năng có tổng cộng 9 nạn nhân trên tàu kéo chứ không phải là 5 như trong danh sách đăng ký. Theo ông, khi tàu rời cảng Kỳ Hà trách nhiệm đảm bảo an toàn cho phương tiện và thuyền viên trên tàu thuộc về thuyền trưởng do công ty Lý Tuấn thuê. Ngoài ra, cần căn cứ vào hợp đồng giữa công ty Lý Tuấn (đơn vị thuê tàu) và công ty Minh Linh (chủ tàu) để xác định trách nhiệm của các bên khi xảy ra tai nạn.
Vị trí tàu và sà lan chìm. Đồ họa: Khánh Hoàng
Trước đó, sáng 24/4, tàu kéo sà lan chở đá thi công đê chắn sóng cho cảng Bến Đình (đảo Lý Sơn) đã bị chìm. Dữ liệu trên trang Marine Traffic cho thấy tín hiệu cuối cùng của tàu kéo sà lan phát ra lúc gần 2h ngày 24/4, cách đảo Lý Sơn 5 km về phía đông bắc.
Làm việc với cơ quan chức năng, người nhà 5 thuyền viên (có trong danh sách đăng ký) khẳng định các thuyền viên đi trên tàu gặp nạn. Tối 23/4, có người còn thông báo cho gia đình tàu sắp cập đảo Lý Sơn.
Lúc 16 giờ 30 phút chiều nay (25/4), thi thể 4 nạn nhân trong vụ chìm sà lan trên xảy ra tại tỉnh Quảng Ngãi đã được đưa vào bờ.
Nguồn: [Link nguồn]