Nhân chứng kể chuyện ít biết về chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử

Sự kiện: Thời sự

  Sáng nay, 11-12, chỉ cách nơi “pháo đài bay” B52 nằm phơi xác ở hồ Hữu Tiệp (quận Ba Đình) không xa. Trong không khí ấm cúng, khu dân cư số 9 phường Ngọc Hà đã tổ chức buổi gặp mặt với những nhân chứng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm lịch sử. 

Nhân chứng kể chuyện ít biết về chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử

Nhân chứng kể chuyện ít biết về chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử

Những ngày quả cảm, hào hùng không quên

Ông Trần Nhật Tân, cựu chiến binh bồi hồi nhớ lại, đầu năm 1972, ông đang là sinh viên đại học Bách Khoa. Như bao người khác, khi Tổ quốc cần, ông đã tình nguyện nhập ngũ.

Ông được biên chế về Sư đoàn 361 được thành lập ngày 19-5-1965 với tên gọi Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội. Trong suốt gần 60 năm lịch sử, chiến công đỉnh cao của Sư đoàn là đã cùng quân và dân miền Bắc, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc nước ta trong 12 ngày đêm tháng 12-1972, làm nên chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Cựu chiến binh Trần Nhật Tân nhớ lại: “Lúc đó chúng ta chỉ có tên lửa Sam 2. Với tầm nhìn chiến lược, dự đoán sớm về việc Mỹ sẽ mang B52 ra đánh phá Hà Nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước đồng ý mua 2 trung đoàn tên lửa Sam 3 với tầm bắn cao hơn.

Chúng tôi được cử đi học nước ngoài để điều khiển loại tên lửa mới này. Chỉ với 6 tháng các bài bắn được chúng tôi hoàn thành xuất sắc ở trường bắn Warszawa trong khi yêu cầu chung là phải sau 18 tháng đào tạo. Chúng tôi được về nước để chuẩn bị sẵn sàng”…

Ông Trần Nhật Tân, cựu chiến binh kể chuyện bộ đội tên lửa hạ B52

Ông Trần Nhật Tân, cựu chiến binh kể chuyện bộ đội tên lửa hạ B52

Ngày 10-12 -1972, ông cùng các đồng đội về nước và lập tức được phân công về các trận địa. Chỉ tiếc khi ấy vì một số lý do, khí tài không thể về nước. Nhưng đơn vị của ông Tân vẫn ứng trực, sẵn sàng chiến đấu.

Ông Tâm nhớ lại những ngày đặc biệt ấy: Ngày 15-12 có lệnh B52 có thể ra đánh phá; ngày 16 báo động, toàn đơn vị vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu; 4h sáng ngày 17-12, đơn vị ông bị B52 rải thảm, 6 đồng chí hi sinh.

12 ngày đêm tháng Chạp 1972, lực lượng Phòng không Hà Nội đã bắn rơi 34 máy bay các loại, có 25 B52 và 16 chiếc rơi tại chỗ. Riêng Sư đoàn Phòng không 361 của ông Tâm đã bắn rơi 29 máy bay các loại, có 25 B52.

“Sức mạnh hai bên rất chênh lệch, chúng ta chỉ có Mig 17, Mig 21, tên lửa Sam 2, pháo cao xạ. Bên kia là những tiếp kích, máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất thế giới. Nhưng với mưu trí, lòng dũng cảm, quyết tâm toàn quân toàn dân, nung nấu để trả thù cho đồng bào, Chúng ta đã chiến thắng hào hùng, quả cảm”, ông Tân nói.

Ông Tân chia sẻ thêm về cách đánh B52 bằng tên lửa: Các đơn vị của sư đoàn đánh tên lửa bằng phương pháp vượt nửa góc trong điều kiện địch gây nhiễu rất nặng. Các tiểu đoàn đã dày công luyện tập để thuộc và nắm kỹ địa hình địa vật.

“Sách đỏ” mà cấp trên biên soạn ai cũng thuộc nằm lòng; sóng về địa vật ở mọi độ cao và mọi hướng, kinh nghiệm và cách đánh B52 ở chiến trường quân khu 4 và ở Hải Phòng đêm 16-4-1972... cũng được liên tục mổ xẻ, đúc rút. Đây cũng là những tiền đề quan trọng tạo nên chiến thắng của chúng ta.

“Mỗi lần nhận thông tin qua điện đài về việc bắn rơi máy bay địch, chúng tôi vui mừng khôn xiết, nước mắt cứ rơi. Chỉ phút chốc thôi rồi lại ngay lập tức sẵn sàng chiến đấu. Đó quả thật là những ngày không thể nào quên trong cuộc đời tôi”, cựu chiến binh Trần Nhật Tân bồi hồi tâm sự.

Ông Nguyễn Đức Tố, cựu thành viên đại đội pháo 100 mm quận Ba Đình năm 1972

Ông Nguyễn Đức Tố, cựu thành viên đại đội pháo 100 mm quận Ba Đình năm 1972

Pháo thủ vừa khóc vừa bắn…

Cũng có những đêm trắng trong chiến dịch lịch sử ấy, ông Nguyễn Đức Tố năm 1971 đang là công nhân Xí nghiệp Xe ca Hà Nội nhận lệnh tập trung tham gia đại đội tự vệ của quận Ba Đình.

Ông Tố được phân về trận địa pháo 100mm. Sau 1 năm được bộ đội rèn luyện về kỹ, chiến thuật về pháo binh, ông Tố về tham gia bảo vệ bầu trời Hà Nội, thuộc đại đội tự vệ Ba Đình.

Pháo phòng không 100mm do Liên Xô phát triển cuối năm 1945 để tiêu diệt máy bay ném bom tầm cao. Tầm bắn hiệu quả của pháo 100mm ở độ cao khoảng 13km, tối đa là 15km. Mỗi khẩu pháo 100mm có trọng lượng 9,5 tấn. Ai vào đại đội này cũng đều phải đạt yêu cầu có sức khỏe, nhanh nhẹn, khéo léo.

Trong 12 ngày đêm Tháng Chạp 1972, ông Tố cùng các đồng đội đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên “lưới lửa phòng không, đánh chặn, đẩy máy bay địch vào phạm vi tiêu diệt của tên lửa, và trực tiếp bắn rơi các máy bay hộ tống.

Mỗi đêm, ông Tố cùng các đồng đội bắn “đỏ nòng” pháo. “Ở trên Trung đoàn liên tục báo phương vị, tọa độ về, chúng tôi sử dụng pháo 100mm với cách đánh trực tiếp bằng tay quay, tổ chức bắn nhanh, bắn cấp tập, bắn liên tục, đồng loạt tạo thành một màn đạn trên không với 3 điểm nổ khác nhau, tức là đạn cắt cự ly nào thì đến cự ly đó nó sẽ nổ, cụ thể ở 3 cự ly: 8km, 10km, 12km. Một đợt bắn, mỗi khẩu bắn 3 viên với 3 điểm, ngòi nổ hẹn giờ và cảm biến tiệm cận. Không phải tự nhiên mà các phi công Mỹ sau này vẫn khiếp sợ bầu trời Hà Nội đến thế”, ông Tố cho biết.

Đặc biệt, đêm 26-12-1972, khi biết tin cả phố Khâm Thiên bị B52 rải thảm. Cả phố bị san phẳng, tường sập, nhà bay, dấu vết còn lại của sự hủy diệt chỉ là những hố bom lổn nhổn gạch đất. Ông Tố cùng đồng đội như bao người dân Thủ đô sôi sục lắm. “Chúng tôi lao vào chiến đấu, bắn từng loạt đạn mà mắt lưng tròng vì thương đồng bào. Bắn không ngừng nghỉ, bắn hết đạn thì thôi. Đồng đội tôi là pháo thủ số 3 Hoàng Cổ Văn bắn xong, xuống nghỉ tạm, còn uống nhầm dầu hỏa bởi đang quá tập trung vào bầu trời để trả thù cho đồng bào. Không ai ngại gì nguy hiểm chỉ mong muốn bắn hạ được máy bay địch”…

Kết thúc chiến dịch lịch sử ấy, ông Tố nhớ mãi: “Lãnh đạo dắt hẳn hai con bò xuống khao quân. Những ngày ấy, Hà Nội thật đau thương nhưng cũng oai hùng. Những dấu tích vẫn nằm đó như nhắc các thế hệ mãi mãi nhớ về Hà Nội một thời đạn bom – một thời hòa bình…”

Ông Tân, ông Tố cùng các nhân chứng khác hôm nay vui lắm khi khu dân cư tổ chức gặp mặt thân mật nhân 50 năm chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không". Những bài hát hoa đỏ ngày nào lại vang lên, thế hệ trẻ say mê ngồi nghe cựu binh kể chuyện. Những con người và lịch sử sẽ mãi không bao giờ quên...

Nguồn: [Link nguồn]

Người dân đội mưa xem triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam

Người dân đội mưa xếp hàng dài chờ đợi cả tiếng mới tới lượt vào tham quan, trải nghiệm các loại vũ khí, khí tài được trưng bày tại triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phú Khánh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN