Gần 30 năm dày công tìm kiếm, sưu tập bằng nhiều cách thức, ông Huỳnh Minh Hiệp (49 tuổi) đã có gần 5.000 đồ cổ, hiện vật Sài Gòn xưa trưng bày tại quán cà phê của mình.
Tiệm cà phê Lúa trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM hoạt động hơn 3 năm nay, trưng bày hơn 2.000 hiện vật trong số hơn 5.000 món đồ ông Hiệp đã sưu tầm. Những vật dụng này người dân thành phố thường sử dụng từ những năm 1930 đến 1970.
Quán được thiết kế, trang trí trong diện tích hơn 1.000m2, với gam màu trầm ấm, hoài cổ bởi phần lớn các đồ vật đều là những hiện vật từng một thời gắn bó quen thuộc với người Sài Gòn. Chủ nhân tái hiện lại bằng những bộ bàn ghế cũ xưa đã ám màu thời gian, sàn nhà gạch bông, trên tường treo những bảng hiệu quảng cáo, poster phim vẽ tay, đồ gia dụng, tranh ảnh… tất cả khắc hoạ rõ nét, gợi nên những ký ức, khắc hoạ nhịp sống của đô thị Sài Gòn xưa.
Không gian quán trưng bày nhiều loại đồ vật theo từng khu vực như những dàn máy nghe nhạc, máy chiếu phim, tivi, đài cassette, máy hát loa kèn cổ điển, điện thoại bàn, máy ảnh… của nhiều hãng.
Dàn máy băng cối Akai phổ biến những năm 70 với đặc trưng âm thanh rè rè phát ra những bản tình ca với cảm giác thực của nhạc và lời hát không qua xử lý. Chủ quán còn dùng máy chiếu để chiếu những thước phim xưa, đem đến ký ức một thời đã qua cho những vị khách lớn tuổi và thế hệ trẻ được trải nghiệm. Quán là điểm đến của nhiều người mê đồ xưa, hoài niệm, người trẻ tìm hiểu, lưu lại những hình ảnh và thêm yêu thành phố hơn.
Bước vào cửa quán là nơi đặt chiếc chạn gỗ xưa để chén đĩa làm bằng gốm Lái Thiêu, Biên Hoà, nồi chảo đã sử dụng nửa thế kỷ trước… như một góc bếp. Nằm bên cạnh chạn gỗ là tủ kính cũ cất giữ nhiều vật dụng quen thuộc, hầu như đều có trong gia đình người Sài Gòn xưa như xà bông Cô Ba từ 1920, dầu cù là Mac Phsu, lon sữa Guigoz, cờ domino, ly nước… Những vật dụng mà những người Sài Gòn lớn tuổi khi xem có thể mỉm cười và thốt lên “Hiệu này, đồ này quen lắm nè, ngày xưa dùng suốt”.
Rải rác đặt trong quán có vài chiếc môtô, xe đạp phổ biến trên đường phố “Hòn ngọc Viễn Đông”. Trong đó chiếc Motobecane Pony là vật dụng có giá trị cao nhất trong số hàng ngàn món đồ quán trưng bày. Theo chủ quán, chiếc xe được sản xuất năm 1936, là món quà của khâm sứ người Pháp tặng cho một người ở Việt Nam (vẫn còn giấy tờ sở hữu). Cùng với chiếc Motobecane Pony, chiếc môtô Becane AB1 năm 1938 thời vua Bảo Đại là những hiện vật ông Hiệp thường mang đi trưng bày tại rất nhiều cuộc triển lãm, diễu hành.
Ngoài ra quán còn có hàng ngàn món đồ tuy bình dân nhưng hiện nay ít người có được chia sẻ với mọi người tại không gian quán như những chai nước ngọt sản xuất trước đây, đèn dầu, gạt tàn, lon nhôm, can nhựa, hộp bánh, thùng bia, sách báo cũ….
Năm 2020, quán nhận được kỷ lục “Nơi trưng bày các hiện vật tái hiện Sài Gòn xưa (trước 1975) với số lượng nhiều nhất” của Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu (VietWorld), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận.
Trong số hàng ngàn đồ cổ, hiện vật trưng bày tại quán, ông Hiệp còn phân chia thành nhiều bộ sưu tập mà ông đã dày công sưu tầm, tìm kiếm, mua lại trong gần 30 năm qua. Nổi bật nhất đó là bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới nhiều nhất Việt Nam; bộ sưu tập Program - Poster film chiếu rạp và các tư liệu, hiện vật về cải lương Việt Nam trước 1975; hơn 1.000 hoá đơn, văn bản hành chính, giấy tờ cá nhân, vé xe của Sài Gòn thế kỷ trước…
Ngoài hiện vật Sài Gòn xưa, ông Hiệp còn dành một góc trong quán trưng bày hàng chục chum, vại, xâu tiền xu nguyên khối với gần 20 loại có niên đại từ những thế kỷ trước. Những khối tiền đang còn dính bùn đất này được ông mua, tìm kiếm trong các đợt đi khảo cổ nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam.
“Tiền xưa thường được chôn trong chum, vại trong thời gian dài nên các đồng dính chắc vào nhau tạo thành khối lớn cứng như đá, có hình thù lạ, rất khó gỡ ra. Dân chơi đồ cổ thường gọi đây là “tiền hoá thạch” vì rất hiếm. Khi mua về, tìm được tôi để nguyên dạng, nếu gỡ rời ra thì dễ hỏng và mất giá trị ngay”, ông Hiệp cho biết.
Hầu hết tiền “hoá thạch” của ông Hiệp đều có nguồn gốc ở Việt Nam. Trong đó xưa nhất là chum tiền có từ thế kỷ 15, vào thời nhà Lê được đào ở Thanh Hoá cách đây 26 năm; một nhúm tiền dính thành khối trong chum khá độc đáo có niên đại thế kỷ 16, được tìm thấy ở Bắc Ninh hay những xâu tiền lớn dính lại với nhau của thời vua Minh Mạng được tìm thấy ở Tiền Giang…
Nhà sưu tập còn sở hữu nhiều tiền xu lẻ của Việt Nam và nước ngoài. Trong đó những đồng tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam được ông lưu giữ cẩn thận trong hàng chục khung kính. Giá trị xưa nhất phải kể đến là đồng Thái Bình Hưng Bảo được đúc vào thời vua Đinh Tiên Hoàng. Đây là đồng tiền đầu tiên do người Việt tự đúc, đánh dấu thời kỳ độc lập tự chủ sau thời gian dài Bắc thuộc.
Ngoài ra, ông Hiệp còn sở hữu hơn 10.000 đồng tiền xu cổ, tiền giấy trong nước và quốc tế với nhiều mệnh giá, niên đại khác nhau. Trong đó có các loại tiền xu của 218 quốc gia, tiền giấy của 222 nước trên thế giới.
“Người lưu giữ ký ức Sài Gòn xưa” Huỳnh Minh Hiệp cho biết mong muốn của anh là biến Cà phê Lúa trở thành nơi lưu giữ và giới thiệu đến công chúng về một đời sống văn hoá xưa của dân Sài Gòn. Đây cũng là địa điểm, sân chơi để người mê đồ cổ có cơ hội giao lưu, chia sẻ với nhau. “Điều quan trọng và ý nghĩa nhất đối với tôi không phải là những kỷ lục được xác lập mà muốn lưu lại cho thế hệ sau. Tôi sợ một thời gian nữa mình không lưu giữ sẽ bị bỏ hết sẽ rất tiếc bởi ít người còn lắm”, ông Hiệp cho hay.
Trong đó, mỗi hiện vật là những ngày tháng tìm tòi bằng niềm đam mê, là những câu chuyện, kỷ niệm riêng gắn liền với món đồ để ông kể, giới thiệu cho người mê đồ xưa, người trẻ tìm hiểu về Sài Gòn.
Luôn bận bộ đồ bà ba đậm chất Nam bộ mỗi khi tiếp khách, nhà sưu tập 49 tuổi gọi mình là anh Lúa say sưa giới thiệu, kể những câu chuyện đầy thú vị về hành trình sưu tập đồ cổ, đồ xưa của mình.
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, từ khi còn là một thiếu niên, ông Hiệp đã có ý niệm, đam mê lưu giữ những hiện vật, kỷ niệm như thư tình, vé xem phim, sau đó là những đồng tiền cổ, tiền quốc tế. Ba ông cũng là một nhà sưu tập tem, đồ cổ, đó là tiền đề để ông gây dựng nên những bộ sưu tập như ngày nay của mình.
Cơ duyên thực sự đến với đam mê sưu tập của ông Hiệp bắt đầu từ năm 1993, khi đang công tác ở phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất, ông dùng nghề tay trái ảo thuật biểu diễn cho khách xem, khách quốc tế các nước xem say sưa, tặng anh những đồng tiền giấy, tiền xu làm kỷ niệm. “Thấy hay và lạ nên bắt đầu tôi sưu tập trong 5 năm. Tiếp đó tôi đi tìm những đồng tiền xu và giấy Việt Nam thời các triều đại phong kiến, tiền Đông Dương… Bộ sưu tập được hình thành và trưng bày ở nhiều cuộc triển lãm, gây chú ý đối với giới sưu tập tiền”, ông Hiệp cho hay.
Năm 2005, làm việc trong lĩnh vực bảo tồn thuộc Trung tâm UNESCO Việt Nam, chuyên tổ chức các triển lãm ở các bảo tàng trên khắp cả nước nên ông Hiệp có điều kiện hơn để sưu tầm những món đồ cổ xưa. “Chỉ cần nghe ở đâu có hiện vật là tôi tới xem, thuyết phục mua lại cho bằng được. Tuy cực nhưng khi đã đam mê rồi thì kiểu gì cũng theo đuổi đến cùng”, nhà sưu tập nói.
10 năm trước, để có được 2 chiếc xe cổ Motobecane Pony 63cc 1936 và Motobecane AB1 năm 1938, ông Hiệp phải đi Vĩnh Long mấy chuyến liền. Khó khăn lắm ông mới thuyết phục được người sưu tập cũng rất mê xe cổ này bán lại với giá rất cao. “May là tôi có nghề ảo thuật diễn cho ổng xem, ổng khoái, thấy tôi mê xe không kém nên để lại. Đây là một trong những đồ cổ quý hiếm và giá trị nhất của tôi”, nhà sưu tập 49 tuổi chia sẻ.
Ông cho biết thêm, có 2 khối tiền cổ triều vua Minh Mạng, khi tới nhà của người sưu tập ông nhìn thấy đã mê 2 khối tiền này và được nhượng lại một khối với giá trị mấy tháng lương thời điểm đó. Hay hiện vật rất có giá trị, rất khó khăn ông mới có được như khối tiền Ngũ Thù ông mua lại từ một người chơi đồ cổ ở Bắc Ninh hồi năm 2005.
“Gần 30 năm qua tôi cũng không nhớ là đã bỏ ra bao nhiêu tiền để sưu tầm số đồ cổ, hiện vật xưa nữa. Thấy món này quý, thích là cứ bỏ tiền ra mua cho bằng được, giờ giá trị không thể đong đếm được. Vì thế chưa khi nào tôi bán một hiện vật, ngoài dùng triển lãm xong rồi tặng luôn cho bảo tàng để trưng bày. Mỗi đồng tiền đều có những kỷ niệm riêng, đó là những trang lịch sử được thu nhỏ rất quý giá”.
Mặc dù hàng ngàn hiện vật ông sở hữu là những đồ xưa người Sài Gòn sử dụng trong đời sống hàng ngày nhưng nhà sưu tập cho biết điều hay là những đồ, hàng hoá này ông tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh thành ngoài TP.HCM. Những chai nước ngọt con cọp, con nai, nước cam, vật dụng hàng ngày… ở thành phố khó tìm ra, bởi trước đây thành phố sầm uất phân phối hàng ra các tỉnh, người ở quê hay lưu giữ hoặc sử dụng đồ vật lâu dài chứ không có điều kiện thay đổi cái mới nhanh như người thành phố.
“Hiện vật Sài Gòn trước năm 1975 hiện không còn nhiều, đồ cũ được thay mới nên tôi tìm lại, dựng lại để cho giới trẻ tới quán hình dung được một phần về đời sống Sài Gòn thời đó như thế nào”.
Nhà sưu tập cho biết, nhiều hiện vật như báo chí, tiền giấy, poster… bằng giấy ngoài tìm kiếm khó khăn việc bảo quản lưu giữ còn phức tạp hơn nhiều. Nhiều tờ bằng giấy rất giòn, chỉ cầu sơ sẩy là hư hết. Những hiện vật bằng vật liệu khác cũng phải lau chùi, hạn chế tiếp xúc nước để bảo quản được lâu hơn.
Nhà sưu tập đồ xưa Huỳnh Minh Hiệp với đam mê đến tận cùng nên việc mở quán cà phê đối với ông cũng chẳng phải muốn kiếm lợi từ kinh doanh, cái ông mong chờ nhất ở không gian trưng bày này nhất là người xem hứng thú với các bộ sưu tập của mình. Đó là niềm vui lớn nhất của ông muốn gửi gắm tới những hiện vật bao năm dày công tìm kiếm và lưu giữ.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |