Nhà nhiễm điện, dân phải ở... chuồng trâu

Sự kiện: Thái Nguyên

Nhà nhiễm điện nặng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bình phải ở trong chuồng trâu chật chội. Đến khi chuồng trâu không che nổi nắng mưa, hai thân già trở thành người vô gia cư đến nay đã hơn 9 năm.

Nhà nhiễm điện, dân phải ở... chuồng trâu - 1

Căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Bình bỏ hoang vì bị nhiễm điện nặng

Tháng ngày sống trong sợ hãi

Năm 1940, bố đẻ ông Nguyễn Văn Bình lập nghiệp tại mảnh đất Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau những năm tháng đi bộ đội, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ông Bình lại trở về quê hương, mang nhiều thương tích trên người.

Đặc biệt, di chứng chất độc màu da cam đã làm cho cô con gái của ông quanh năm ốm yếu, còn đứa cháu nội (thế hệ F3) bị dị tật khoèo chân. Cố gắng vượt lên số phận, cuộc sống của vợ chồng ông Bình lúc tuổi già cũng đến bến bình an, nếu không có đường điện 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên đi qua.

Đường điện quốc gia bao trùm lên toàn bộ ngôi nhà cấp bốn và mảnh vườn nhỏ của ông bà Bình. Từ đây, tấn bị kịch mang tên “nhà nhiễm điện” bắt đầu, xô đẩy cuộc sống của vợ chồng ông Bình đến tận cùng đau khổ.

Nhà nhiễm điện, dân phải ở... chuồng trâu - 2

Bà Nguyễn Thị Tiến khóc hết nước mắt trong chuồng trâu chật chội

PV báo Người Đưa Tin đến nhà ông Bình ở xóm Phú Thịnh, Hùng Sơn, Đại Từ vào buổi tối. Đứng ở ngoài sân, ông Bình dí bút thử điện vào người PV. Đèn bút thử điện sáng rực khiến PV tròn mắt ngạc nhiên. Chủ nhà dí bút thử điện vào lá cây, dây phơi quần áo, các vận dụng trong nhà, mặt đất… bút thử điện đều sáng rực, chứng tỏ nhiễm điện quá nặng.

Bà giáo làng Nguyễn Thị Tiến (vợ ông Bình) nói cay đắng: “Ngày ẩm thấp, mưa phùn, đường điện réo rào rào như chảo mỡ sôi. Nhiều lần vợ chồng tôi bị điện phóng, ngã cắm mặt xuống đất”.

Vì nhà bị nhiễm điện quá nặng, nhưng không được chính quyền cho di dời đến nơi ở mới an toàn, vợ chồng ông Bình đành phải cắn răng sống tạm bợ trong cái chuồng trâu gần đó. Hiện tại, chuồng trâu xuống cấp trầm trọng, vợ chồng ông Bình ở không nổi, phải đi thuê nhà, sống tạm bợ qua ngày.

Đau xót hơn là nhiều cơ quan chức năng, ban ngành, chính quyền địa phương đến đây kiểm tra, đều chưa nhìn ra tác hại nguy hiểm của điện đến sức khỏe của người dân sống dưới đường dây điện 220KV. Nhiều người dân ở đây kể, không ít cán bộ đến đây kiểm tra, bị điện giật “tung người”.

Ngay sát cạnh nhà ông Bình là nhà vợ chồng chị Nguyễn Thị Xuân, cũng bị nhiễm điện rất nặng, không thể ở được. Gần chục năm nay, vợ chồng chị Xuân và 2 đứa con nhỏ, một mẹ già hơn 80 tuổi phải thuê căn nhà tranh, vách đất ọp ẹp, tồi tàn để ở.

Bà con hàng xóm gọi đùa, đây là “khách sạn ngàn sao” (tường vách đất, mái tranh có nhiều lỗ thủng- PV). Mỗi khi trời mưa, nhà dột tứ tung, cuộc sống khổ cực, không bút nào tả siết. Mỗi lần nhìn sang căn nhà cấp bốn thân thuộc bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, chị Xuân lại rơi lệ.

Nhà nhiễm điện, dân phải ở... chuồng trâu - 3

Căn nhà tranh, vách đất chị Nguyễn Thị Xuân thuê ở tạm bợ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào

Nhà nhiễm điện, dân phải ở... chuồng trâu - 4

Mẹ con chị Nguyễn Thị Xuân mong từng ngày được đền bù thoả đáng, chuyển đến nơi ở mới an toàn

Nhà mặt đường “đắp chiếu”

Chung cảnh nhà bị nhiễm điện như gia đình ông Bình, chị Xuân, hộ bà Nguyễn Thị Vân (trú tại xóm Bình Sơn, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ) cũng vậy.

Khi đường điện 220KV đi qua vào năm 2007, hai thửa đất thổ cư mặt đường lớn, có nhà mái bằng kiên cố bị nhiễm điện nặng. Sức khỏe các thành viên trong gia đình bà Vân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Căn nhà mặt đường của bà Vân gần như “đắp chiếu” quanh năm, không làm ăn, buôn bán được gì. Nó trở thành một cái kho đựng đồ đạc bất đắc dĩ. Bà Vân tâm sự: “Có mấy người đến thuê nhà tôi để ở, họ đều kêu mệt mỏi, ức chế thần kinh khi sống ở đây. Được dăm bữa, họ không thể sống trong môi trường nhiễm điện, bỏ đi hết”.

PV cảm nhận được từng lời nói chân thật của bà Vân khi đến thăm gia cảnh của người phụ nữ đã bước sang tuổi xế chiều này. Đứng giữa sân nhà bà Vân, ngửa cổ nhìn lên trời nhìn đường dây điện 220KV với trên chục dây điện to dài, sừng sững vươn dài phía.

Bà Vân cho hay: “Hôm nay trời nắng còn đỡ, gặp hôm thời tiết ẩm thấp, đường điện nổ lép bép trên không, tôi và người thân không dám vào nhà vì sợ điện giật”.

Nhiều năm qua, gia đình bà sống trong “cái chuồng gà” ở gần đó, sức khỏe của các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do điện gây ra.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Người đưa tin
Thái Nguyên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN