Nhà nhiễm điện dân ở chuồng trâu: Sổ đỏ thành giấy vụn
Chính quyền tỉnh Thái Nguyên lấy đất thổ cư của dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao cho ngành điện, nhưng chỉ hỗ trợ di dời. Cách làm này đang gây khiếu nại kéo dài…
Người dân khiếu nại có cơ sở
Cách đây hơn một tháng, ông Nguyễn Văn Bình và chị Nguyễn Thị Xuân làm đơn kiến nghị gửi lãnh đạo UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, nhà đất của hai hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi có dự án đường điện cao áp 220KV đi qua.
Ông Bình cho rằng, theo luật Đất đai, Nghị định 197 ngày 3/12/2004, Nghị định số 106 ngày 17/8/2005 và đặc biệt là cơ chế chính sách đặc thù tại Quyết định số 1195 ngày 9/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ, thì gia đình ông và hộ chị Xuân phải được thỏa thuận, đền bù về đơn giá đất, giá tài sản, thỏa thuận về an toàn hành lang lưới điện.
Cảnh sống tạm bợ, tận cùng khổ cực của vợ chông cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình khiến nhiều người rơi lệ
“Khi thực hiện dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ chỉ hỗ trợ một phần, “ép” chúng tôi tồn tại dưới đường dây điện (đủ điều kiện tồn tại), mà không đền bù đất”, ông Nguyễn Văn Bình kiến nghị.
Chị Nguyễn Thị Xuân chỉ rõ: “Huyện Đại Từ giao đất ở của chúng tôi cho chủ dự án theo quyết định 2330 ngày 20/10/2006, không có quyết định thu hồi đất, không đền bù là vi phạm nghiêm trọng luật Đất đai”.
Phản ánh đến báo Người Đưa Tin, người dân Đại Từ cho biết: Cùng là cảnh có nhà, đất nằm dưới đường điện 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên, người dân ở TP.Thái Nguyên được ký bản cam kết với Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng và chính quyền sở tại.
Theo đó, người dân có quyền thỏa thuận, lựa chọn hình thức bồi thường chênh lệch giữa đất ở và đất nông nghiệp theo giá đất do UBND tỉnh Thái Nguyên quy định. Đây là việc làm đúng pháp luật đất đai, được người dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, ở huyện Đại Từ lại khác.
Bà Nguyễn Thị Tiến bức xúc: “Gia đình tôi và nhiều hộ không được ký bản cam kết giống như người dân ở TP.Thái Nguyên. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Từ thúc ép chuyển đổi đất thổ cư của chúng tôi thành đất nông nghiệp. Tôi hỏi vì sao quyền sử dụng đất thổ cư của gia đình tôi lại bị tước đi như vậy? Họ không trả lời được”.
Dân kêu trời vì sổ đỏ biến thành “giấy vụn”
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cần phải xem lại cách giao đất thổ cư có sổ đỏ của người dân cho ngành điện, nhưng không đền bù theo đúng Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, mà chỉ hỗ trợ di dời của UBND huyện Đại Từ. Thực tế cho thấy, với cách làm này, quyền lợi của người dân về đất đai đã bị xâm phạm nghiêm trọng, kéo theo đó là thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỷ đồng.
Điển hình là gia đình bà Nguyễn Thị Vân (trú tại xóm Bình Sơn, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ). Bà Vân có nhà mặt đường lớn, thuận lợi cho việc làm ăn, buôn bán. Nay nhà bị nhiễm điện nặng, không thể ở được. Đã vậy, chính quyền chuyển đổi đất thổ cư mặt đường của gia đình bà thành đất nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Vân bức xúc: “Gia đình tôi bị đẩy vào cảnh vô gia cư. Đề nghị chính quyền giải quyết cho gia đình tôi được đền bù đất đai, chuyển đến nơi ở mới an lành”.
Người dân gửi đơn từ tới cơ quan chức năng kêu cứu
Một diễn biến khác, ngày 9/4/2015, ban tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 324 gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, với nội dung: “Ngày 9/4/2015, ban tiếp công dân Trung ương đã tiếp bà Nguyễn Thị Tiến cùng 20 người dân trú tại huyện Đại Từ cho rằng: Dự án này không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân, việc bồi thường, hỗ trợ chưa đúng quy định, vì dự án này thuộc dự án thoả thuận với người dân khi thu hồi đất theo Quyết định 1195 ngày 9/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Mối hiểm họa treo lơ lửng trên đầu người dân
Người dân mới chỉ được hỗ trợ về đất và tài sản trên đất. Hiện nay, một số hộ dân có nhu cầu cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận… Ban tiếp công dân Trung ương đã chuyển đơn đề nghị của công dân đến UBND tỉnh Thái Nguyên để được đối thoại và làm rõ các nội dung công dân còn kiến nghị, khiếu nại”.