"Nhà báo tử nạn: Không thể là liệt sĩ"
Mỗi người có một công việc, nhiệm vụ riêng. Công việc của chị ấy là đưa tin mưa bão. Chị ấy đã không may mắn khi gặp mưa to, gió lớn.
Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Duy Kiên (Phó Cục trưởng Cục Người Có công, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội) cho biết, theo quy định hiện hành, không thể xem xét truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho phóng viên tử nạn trong khi làm tin mưa bão ở Quảng Ngãi.
Như đã đưa tin, tối 9/11, phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen (28 tuổi, Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã từ trần vì tai nạn giao thông khi đang trên đường xuống các xã để đưa tin về mưa bão.
Xin ông cho biết, chị Sen có thể được xem xét truy tặng danh hiệu liệt sỹ hay không?
Chị Sen không thuộc các trường hợp được quy định trong Pháp lệnh ưu đãi người có công. Vì thế không thể xem xét truy tặng danh hiệu liệt sỹ. Chị Sen thuộc trường hợp tử nạn do tai nạn giao thông khi đang trên đường đến nơi làm nhiệm vụ.
Nhưng nữ phóng viên này làm nhiệm vụ trong hoàn cảnh đặc biệt là mưa bão, thưa ông?
Nếu chị ấy xả thân để cứu người trong mưa bão hoặc nỗ lực cứu đường liên lạc bị đứt để phục vụ quốc phòng an ninh, mới có thể xem xét được. Chị ấy đơn thuần chỉ là đi làm việc trong thời tiết xấu. Mỗi người có một công việc, nhiệm vụ riêng. Công việc của chị ấy là đưa tin. Công việc của những người khác là kinh doanh, sản xuất,... Họ có thể không may mắn gặp mưa to, gió lớn và chết trên đường.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 14 tại huyện Vân Đồn tối 10/11 (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Vậy nếu chị ấy tử nạn khi đang đứng trong vùng bão lũ, đưa tin từ hiện trường thì sao?
Kể cả như vậy cũng không được. Bởi đó là công việc phải làm của mỗi người lao động do cơ quan giao phó. Trừ khi chị ấy dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh.
Nói vậy, bộ đội và công an cũng có công việc của riêng họ là bảo vệ quốc phòng, an ninh, cũng như công việc của người khác là viết báo, sản xuất, kinh doanh,..?
Trên đường đi làm việc mà chiến sỹ bộ đội, công an tử nạn cũng đâu có được truy tặng liệt sỹ. Đối với bộ đội, phải là người trực tiếp chiến đấu. Còn công an, phải tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mà cách hành vi đó phải thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn như anh cảnh sát đuổi bắt cướp, ngăn chặn một vụ giết người.
Vậy ông Nguyễn Tài Dũng (Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An) tử nạn trên đường đi cứu trợ lũ thì sao?
Đó cũng là công việc và nhiệm vụ của ông ấy. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cùng các cơ quan, bộ, ngành khác vẫn đang xem xét ông Dũng có thuộc trường hợp trong quy định được truy tặng hay không.
Vậy theo ông, quy định về các trường hợp được truy tặng danh hiệu liệt sỹ như hiện nay đã đầy đủ chưa? Có nên xem xét bổ sung thêm các trường hợp trên hay không?
Theo tôi, quy định hiện hành như vậy đã là đầy đủ. Nếu bổ sung các trường hợp nói trên, e rằng sẽ có quá nhiều người được truy tặng danh hiệu liệt sỹ. Như vậy danh hiệu này không còn giá trị tôn vinh.
Chúng ta rất tiếc thương cho nữ phóng viên cũng như những người thiệt mạng trong mưa bão vừa qua, dù họ làm gì và ở đâu. Nhưng mọi thứ vẫn phải được nhìn nhận khách quan.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ: a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; b) Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu; c) Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị. Trường hợp bị chết trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ; d) Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; đ) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; e) Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; g) Do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; ... l) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai. |