Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Phải xóa bỏ "cái gai trên đỉnh Mã Pí Lèng"

“Báo Dân Việt đã làm một việc rất cần là đưa công trình phá hoại cảnh quan lên để báo động về một dấu hiệu xấu đe dọa báu vật Mã Pí Lèng”, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho hay.

Báo Dân Việt đã đăng bài viết "Hà Giang: Ai cho phép cắm "gai bê tông" trên đỉnh Mã Pí Lèng?" phản ánh việc tòa nhà 7 tầng Mã Pí Lèng Panorama Hostel - Restaurant - Coffee xây dựng trái phép kiên cố ngay hẻm vực Tu Sản Mã Pí Lèng, làm  cảnh quan thiên nhiên bị biến dạng. Trong khi đỉnh Mã Pí Lèng được coi là một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh quốc gia từ tháng 11/2009.

Loạt bài sau khi đăng tải đã gây được hiệu ứng xã hội rất lớn, nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà báo, nhà nhiếp ảnh... đã chia sẻ bài viết của Dân Việt trên trang mạng xã hội. Nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã chia sẻ bài viết của báo Dân Việt trên trang cá nhân, kêu gọi tẩy chay nhà hàng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, nhận được hơn 15.000 lượt like và hơn 5.000 lượt chia sẻ sau chưa đầy 24h đăng tải.

Chia sẻ với Dân Việt về việc này, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho biết: 

Báo Dân Việt đã làm một việc rất cần là đưa công trình phá cảnh quan này lên để báo động về một dấu hiệu xấu đe dọa báu vật Mã Pí Lèng. Công trình trái phép này cần phải xử lý ngay, nếu không việc xây dựng những cái như nó sẽ diễn ra ồ ạt vì đã có tiền lệ.

Công trình Panorama như vết mực cẩu thả dây vào Mã Pí Lèng

Theo ông, việc xây dựng toà nhà bê tông kiên cố này có ảnh hưởng, tác động như thế nào tới cảnh quan, môi trường của đỉnh Mã Pí Lèng?

Không có đèo nào ở Việt Nam có tầm nhìn bao quát và thoáng như Mã Pí Lèng. Dưới là sông trên là vách núi đá rất cao. Quãng nào đi trên đèo dừng lại cũng nhìn trọn vẹn cảnh quan lộng lẫy. Nó như một bức tranh quá hoàn chỉnh  mà công trình Panorama như vết mực cẩu thả dây vào.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ bài viết của Dân Việt, kêu gọi tẩy chay nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây trái phép giữa đỉnh đèo Mã Pí Lèng.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ bài viết của Dân Việt, kêu gọi tẩy chay nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây trái phép giữa đỉnh đèo Mã Pí Lèng.

Loạt bài của Dân Việt đưa thông tin, công trình được khởi công từ đầu năm 2018, đến năm 2019 chính thức hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, nhà hàng. Tuy nhiên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cấp ngày 31/5/2016, khu đất này thuộc loại đất trồng cây hằng năm. Và trả lời Dân Việt, ông Ma Quốc Trưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc thừa nhận, công trình này của bà V.T.A chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Như vậy việc xây dựng công trình trên tại đỉnh Mã Pí Lèng là trái phép.Theo nhà báo, ở đây có sự làm ngơ hay tiếp tay cho sai phạm của chính quyền địa phương?

Cái nhà không phải cây kim. Xây cái nhà như thế không phải một ngày. Làm sao mà người ta lại không biết? Làm ngơ hay tiếp tay trong trường hợp này chẳng khác gì nhau.

Ngày 16/11/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Việt Nam) đã quyết định xếp khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Việc xây dựng tòa nhà này, Sở VHTTDL Hà Giang đã biết. Thế nhưng cho đến nay, Sở mới chỉ có văn bản số 222 báo cáo tỉnh về hướng xử lý đối với nhà nghỉ, nhà hàng Panorama. Ông nghĩ sao về cách xử lý của Sở VHTTDL Hà Giang?

Theo như Dân Việt phản ánh trong bài sau đó, thì hướng xử lý đề xuất của Hà Giang được hiểu là sẽ hợp pháp hóa, để cho nó tồn tại. Quả thực tôi thấy cách giải quyết này khiến đau lòng bất cứ ai trân quý di sản thiên nhiên và văn hóa. Tôi không hiểu được quan điểm này của Sở VHTTDL Hà Giang. Họ hãy giải thích họ nghĩ gì khi đề xuất theo hướng đó?

Theo ông, cách giải quyết toà nhà trên đỉnh Mã Pí Lèng này nên như thế nào?

Phải xóa bỏ các công trình trái phép, trả lại tình trạng trước khi xây dựng. Và phải có kế hoạch quản lý sát sao hơn đối với cảnh quan Mã Pí Lèng. Đồng thời nghiên cứu và có những kế hoạch cụ thể để tạo điều kiện cho người dân các bản có thể hưởng lợi từ phát triển du lịch nơi đây. Bây giờ họ bán đất, mà chắc là bán rẻ, để người từ thành phố lên xây nhà như Panorama, thì đó không phải là con đường họ thoát nghèo.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn trong một chuyến lên vùng cao. Ảnh: FBNV

Nhà báo Trần Đăng Tuấn trong một chuyến lên vùng cao. Ảnh: FBNV

Phản đối việc Hà Giang để mọc lên công trình trái phép Panorama

Ông nghĩ sao khi có ý kiến viện lý do xây dựng tại hẻm vực Tu Sản Mã Pí Lèng là để phát triển du lịch, kinh tế, hút du khách tới với Mã Pí Lèng, tới Hà Giang đông hơn?

Cũng có những lập luận bênh vực cho việc có những công trình xây dựng để kinh doanh dịch vụ như Panorama. Lập luận là muốn phát triển kinh tế phải có xây dựng. Cứ để nguyên sơ thì làm sao phát triển dịch vụ được, làm sao để dân thoát nghèo được. Họ nói là cần Panorama để khách có chỗ ăn nghỉ, để dân bản địa có việc làm, và phải khuyến khích đầu tư...

Tôi nghĩ những người có ý kiến như vậy hoặc chưa lên Mã Pì Lèng, hoặc nhìn nhận vấn đề khá đơn giản. Kiểu như có cái nhà hàng nhà nghỉ ở đỉnh đèo thì dân bản có chỗ làm thuê.

Câu chuyện nó khác:

Thứ nhất, Mã Pì Lèng là đoạn giữa nối thị trấn du lịch Đồng Văn và thị trấn du lịch Mèo Vạc. Hai thị trấn này chỉ cách nhau 20km, trong đó thực sự trên đèo cao khoảng trên 10km, còn lại là chân đèo. Hai thị trấn này, đặc biệt là Mèo Vạc, đang phát triển rất nhanh do có lượng lớn khách du lịch, mà Mã Pì Lèng chính là nam châm hút người ta đến. Người đi Mã Pì Lèng không phải lo lỡ độ đường. Không phải theo năm, mà theo từng tháng, hai thị trấn này lại biến đổi do xuất hiện các cơ sở ăn nghỉ cho khách du lịch. Với tốc độ phát triển hiện nay, Đồng Văn và Mèo Vạc đang rất mau chóng trở thành hai trung tâm du lịch và dịch vụ khác. Sẽ có việc làm cho cả vạn người, từ đơn giản đến phức tạp, trong mọi loại hình: Xây dựng, phục vụ nơi nghỉ, ẩm thực, văn hóa, sự kiện, hướng dẫn du lịch, bán hàng, sản xuất buôn bán sản vật địa phương...

Chuỗi giá trị từ con đèo báu vật này rất phong phú mà ta chưa kể hết được. Cơ hội lớn và lâu dài cho con em từ các bản ở Mã Pí Lèng và các vùng xung quanh nữa. Cái quý là cơ hội đa ngành nghề và tiếp cận phát triển. Ngay chân đèo phía Mèo Vạc đang hình thành khu "Làng Mông" kiến trúc gần với truyền thống, thu hút dòng tiền của bất cứ ai muốn đầu tư. Mã Pí Lèng như cái đòn gánh mà hai bên thúng đựng hoa lợi là hai thị trấn Đồng Văn, Mèo Vạc. Mặt khác, khách du lịch đến nhiều thì không cần rời bản vào hai thị trấn trên cũng có thể thu lợi. Có thể làm dịch vụ thuyền trên sông Nho Quế (hiện đang có), homestay ngay dưới các bản (như bản Lác Mai Châu).

Nên nếu ai đó nói lý do sợ khách lỡ độ đường, thì với 20km có hai trung tâm như thế, làm sao lại sợ có khách không có nơi ăn nghỉ để xây nhà trên đỉnh đèo?

Nhà báo Trần Đăng Tuấn.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn.

Thứ hai, nếu không mê vẻ đẹp của Mã Pí Lèng (mà Mã Pí Lèng đẹp đến mức đi một đoạn người ta lại dừng lại), thì khoảng cách 20km kia người ta đi qua rất nhanh. Vì Mã Pí Lèng mà Đồng Văn và Mèo Vạc mới có nhiều người lưu lại (nhất là Mèo Vạc).

Nếu phá cảnh quan của Mã Pí Lèng thì sức hấp dẫn của Đồng Văn và Mèo Vạc như nơi lưu trú lại giảm rất nhiều. Đồng Văn còn gần các địa điểm nổi tiếng như Lũng Cú và Dinh thự nhà họ Vương nên khách sẽ dành nhiều thời gian lưu lại. Mèo Vạc thì khác. Nếu thất vọng thấy Mã Pí Lèng không còn giữ được sự hấp dẫn nữa, lý do để người ta lưu lại Mèo Vạc không nhiều.

Thứ ba, nếu Mã Pí Lèng giữ được vẻ đẹp như hiện nay (nói thật nó cũng bị sứt mẻ rồi, nhưng về cơ bản vẫn rất đẹp), thì hai thị trấn du lịch Đồng Văn và Mèo Vạc sẽ có nhịp độ phát triển nhanh như hiện nay. Sẽ là hai trung tâm kinh tế du lịch thu hút nhiều lao động, ngành nghề. 

Nếu tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tận dụng, sẽ là một cơ hội rất lớn cho nhiều thế hệ người dân ở các bản hiện còn nghèo. Đó mới là cách thay đổi, cách để người dân địa phương hòa nhập vào phát triển kinh tế.

Còn nếu Mã Pí Lèng bên là vách đá, bên là những dãy nhà lổn nhổn che sông Nho Quế, thì sức hấp dẫn với khách du lịch giảm đi bội phần. Chục cái nhà như Panorama đủ để làm mất bức tranh toàn bích Mã Pí Lèng. Những cái nhà ấy cùng lắm cho người dân vài suất dọn phòng, mà cũng chưa chắc. Trong khi hai trung tâm phố thị kia mất đi rất nhiều cơ hội để khai thác lượng khách du lịch. Mà đó là câu chuyện về hàng ngàn, hàng vạn việc làm tiếp cận các ngành nghề khác nhau.

Dân bản ở Mã Pí Lèng không nhiều. Nếu Mèo Vạc, Đồng Văn phát triển thì thiếu gì cách để thay đổi cuộc sống của những người dân ở đó. 

Thứ tư, chuyện đầu tư. Nếu ai có ý định đó, Mèo Vạc đâu thiếu cơ hội để họ xây nhà nghỉ hay dịch vụ ẩm thực, bán hàng. Lần cuối tôi lên đó, khu “Làng Mông” ngay dưới chân đèo đang xây dựng.

Nếu một cái Panorama được tồn tại, không lý gì lại không có hàng chục, hàng trăm cái như thế mọc lên. Tin tôi đi, mất Mã Pí Lèng lộng lẫy như xưa nay, Mèo Vạc sẽ không có cơ phát triển như nhịp điệu hiện nay nữa. Tôi không có tâm thế của kẻ qua đường bảo phải để nguyên sơ cho tôi đã mắt nhìn còn kệ người ta ở đó sống nghèo. Tôi nhìn nhận việc giữ cảnh quan Mã Pí Lèng cả từ góc độ thay đổi cuộc sống các thế hệ bây giờ và sau này của người dân nơi đó.

Và với hiểu biết, cảm quan hạn hẹp của mình, tôi vẫn chắc tin rằng phải giữ cảnh quan Mã Pí Lèng thì mới giữ được cơ hội thay đổi cảnh sống của những người dân nơi đây. Tất nhiên còn cần giúp họ nắm bắt cơ hội đó. Vì vậy tôi phản đối việc chính quyền Hà Giang để xảy ra việc mọc lên công trình trái phép Panorama. Cần ngăn chuyện đó lại khi chưa muộn!

Nhà nghỉ, nhà hàng Panorama sừng sững một khối bê tông án ngữ đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý.

Nhà nghỉ, nhà hàng Panorama sừng sững một khối bê tông án ngữ đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý.

Theo ông, hẻm vực Tu Sản Mã Pí Lèng có nên xây cất bất cứ công trình bê tông nào hay không?

Tôi không phải là kiến trúc sư nên không dám nói kiểu phủ định. Nhưng nếu không có phương án, quy hoạch thật sự tối ưu thì chưa nên làm gì cả. Cá nhân tôi cho rằng cảnh quan Mã Pí Lèng là bậc nhất trên thế giới. Làm cái gì cũng phải tính cho thật kỹ. Phá thì dễ, làm lại thì khó, thậm chí không thể.

Ông nghĩ thế nào khi các khu danh lam thắng cảnh được xếp hạng quốc gia, di sản thiên nhiên thế giới… đang ngày một bị bê tông hoá?

Tôi nghĩ như nhiều người khác nghĩ: Nếu cứ hấp tấp và lộn xộn thì cái mất lớn quá, mà không làm lại được. Phát triển nương vào di sản, chứ phát triển kiểu rồi mất dần di sản thì đúng là tự mình đổ của cải mình có xuống ao. Các thế hệ mai sau sẽ mất cái lẽ ra họ được hưởng.

Xin cám ơn nhà báo Trần Đăng Tuấn!

Nhiếp ảnh gia Na Sơn: Tôi cực kỳ phẫn nộ và phản đối việc xây dựng sai trái, bôi bẩn thắng cảnh

Nhiếp ảnh gia Na Sơn cũng đã chia sẻ bài viết của Dân Việt, và bức xúc cho hay: Việc xây dựng toà nhà 7 tầng kiên cố Mã Pí Lèng Panorama, Hostel – Restaurant – Coffee tại hẻm vực Tu Sản Mã Pí Lèng là một điều không thể chấp nhận được, bởi Công viên địa chất Cao nguyên đá là một DI SẢN ĐỊA CHẤT được UNESCO công nhận, nó còn là thắng cảnh quốc gia, điểm thu hút du lịch của Hà Giang. Mà cảnh quan ở vực Tu Sản, đèo Mã Pí Lèng là một trong những điểm đẹp nhất, hùng vĩ nhất. Việc xây dựng một công trình bê tông, khoan chưa nói tới chuyện có được phép hay không, đã là 1 hành vi phá hoại thắng cảnh, di tích.

Việc xây dựng này về bản chất giống như việc chiếm dụng tài sản, tài nguyên chung làm của riêng. 

Nếu không phá dỡ công trình này, chắc chắn nó sẽ thành tiền lệ xấu cho các công trình tương tự mọc lên. Và khi đó sẽ không còn ai muốn đến cao nguyên đá để thăm thú, du lịch, thưởng ngoạn nữa.

Vấn đề sai phạm trong khâu cấp phép, xây dựng công trình này, hơn ai hết chính quyền huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang cần làm rõ và xử lý những cá nhân, tập thể sai trái.

Là một người có nhiều năm đi lại, gắn bó với Hà Giang, nhất là cao nguyên đá, tôi cực kỳ phẫn nộ và phản đối việc xây dựng sai trái, bôi bẩn thắng cảnh này. Mong rằng chính quyền các cấp ở Hà Giang, nhất là Sở VHTTDL tỉnh cũng như Bộ VHTTDL phải có những hành động cụ thể vì họ cũng là cơ quan quản lý có trách nhiệm trực tiếp bên cạnh chính quyền địa phương.

Chúng ta hoàn toàn có thể phát triển du lịch bền vững trên cơ sở tôn trọng thiên nhiên. Nhất là với vùng cao Hà Giang, nơi du khách tìm đến ngày càng đông chính vì phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những nét đặc sắc của văn hóa, đời sống bản địa chứ không phải do các công trình hiện đại.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: "Tỉnh đang chỉ đạo huyện"

Về công trình này, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết cục đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Giang báo cáo và sở đã báo cáo. Bà Hiền cũng nói "tỉnh đang chỉ đạo huyện" và chưa trả lời gì thêm.

Hà Giang: Ai cho phép cắm ”gai bê tông” trên đỉnh Mã Pí Lèng?

Đỉnh Mã Pí Lèng (hay còn gọi là Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) từ lâu đã được đánh giá là một trong những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hà ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN