Nhà báo đã đưa Phạm Xuân Ẩn 'ra ánh sáng'

Sự kiện: Tin nóng

Nhà báo đầu tiên và duy nhất đã gặp gỡ viết một cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn khi ông gần như không được nhắc tới trong suốt thời gian dài, đó là Nguyễn Thị Ngọc Hải. Câu chuyện về một anh hùng tình báo gần như chìm vào quên lãng đã thôi thúc nhà văn gặp gỡ ông để trò chuyện lấy tư liệu viết sách.

Nhà báo đã đưa Phạm Xuân Ẩn 'ra ánh sáng' - 1

Tấm ảnh duy nhất chụp nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải (trái) cùng Phạm Xuân Ẩn và vợ con của ông

Yêu thích thể loại phi hư cấu

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải sinh năm 1944, tốt nghiệp K12 Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bà nói: “Cả đời tôi không làm chức vụ gì, chỉ thích viết lách”. Quê Sơn Tây, bố bà là đại tá quân đội, chỉ huy trưởng quân sự TP Hải Phòng. Mẹ là nhà giáo, một trí thức Pháp đào tạo, nói tiếng Pháp như tiếng Việt. Lúc ra trường, bà Ngọc Hải về làm báo Phụ Nữ Việt Nam, làm đến Tổng thư ký toà soạn. Sau đó, bà chuyển vào TPHCM, làm chuyên viên giúp việc cho thành ủy về báo chí xuất bản.

Nhà báo tâm sự: “Lúc mới ra trường, sau những truyện ngắn khá có tiếng vang, ra tập truyện ngắn in chung với Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thị Như Trang, tôi làm nghề báo, hay phỏng vấn và viết ký sự nhân vật. Tôi thích viết về những người sống có lý tưởng”.

Cơ duyên nào đã kết nối một nữ nhà báo với một nhà tình báo? “Tôi có người bạn thân là bác sĩ quen với ông Ẩn, người bạn ấy thích người làm văn chương, bảo tôi: “có một người rất hay, tôi giới thiệu đến thử gặp”. Tôi đến gặp ông Ẩn, thì ông ấy từ chối ngay”.

Bị từ chối và trắng sổ ra về, nhà văn nhà báo Ngọc Hải sửng sốt nhận ra Phạm Xuân Ẩn - một nhà tình báo và từng là nhà báo nổi tiếng, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngay từ năm 1976, nhưng đã hàng chục năm qua không ai nhắc tới. Vậy, phía sau sự im lặng này là gì? Một sự quên lãng khó hiểu, phải chăng có những uẩn khúc nào đó?

Nhà báo Ngọc Hải nói: “Thời đó nhiều người có thế lực không muốn tôi viết về ông Ẩn vì sợ bị lộ bí mật. Sau 1975, ông Ẩn được đưa ra Hà Nội để học tập thêm về chính trị, nhiều người còn đồn đại ông bị đi cải tạo. Vì ông Ẩn tiếp xúc nhiều với văn hóa Mỹ. Có người còn nói với tôi rằng ông thả Trần Kim Tuyến là trùm mật vụ chế độ cũ, đó là những việc làm khó hiểu của ông Ẩn”.

Nhà báo đã đưa Phạm Xuân Ẩn 'ra ánh sáng' - 2

Bức ký họa Phạm Xuân Ẩn khi ông làm việc cùng nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải

10 năm thầm lặng và vô vọng

Hiện vẫn viết báo và dạy học, nhà báo Ngọc Hải kể: “Tôi gặp ông Ẩn suốt mười năm để ghi chép, tìm hiểu, hoàn thiện bản thảo. Trong một thập kỷ ấy, cũng vẫn chẳng có nhà báo nào gặp ông, không bài báo nào viết về ông. Tôi không nghĩ cuốn sách của mình được xuất bản. Khi hoàn thành bản thảo, tôi đưa cho ông Ẩn xem rồi ném trong hộc bàn, coi đó là một kỷ niệm”.

Trong thời gian bà Ngọc Hải gặp ông Ẩn để lấy tài liệu viết sách, lãnh đạo nhiều lần nhắc nhở: “Cấp trên bảo cô dừng ngay việc gặp ông Ẩn nữa, không viết cái gì về ông Ẩn”.  Bản thân Phạm Xuân Ẩn, vừa đùa vừa thật, nói với nữ nhà báo: “Nếu cô cứ gặp tôi, tìm hiểu và viết, có thể cô sẽ gặp rắc rối đấy”.

Nhà báo Ngọc Hải chuyển từ Hà Nội vào TP HCM năm 1987, cuộc sống còn rất nhiều bỡ ngỡ khó khăn, lương đạm bạc. Cứ vài tháng nhà báo lại tới nhà riêng Phạm Xuân Ẩn. Trong thời gian ấy, ông Ẩn sẽ nhớ lại, kiểm tra những thông tin, chi tiết mà ông sẽ kể với nhà báo. Họ không được tiếp cận với các nguồn tài liệu mật nào cả. Ông Ẩn không muốn có một chi tiết nào sai lạc. “Tôi cứ vác sổ đến nhà ông Ẩn – tác giả cuốn Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời  tiết lộ - Tôi hoàn toàn không biết ông ấy sẽ nói về cái gì. Đó là quyền của ông ấy. Tôi chỉ việc ghi chép thật chính xác những gì ông ấy kể”.

Nhà báo đã đưa Phạm Xuân Ẩn 'ra ánh sáng' - 3

Nhà báo Ngọc Hải vẫn say mê giảng dạy báo chí cho sinh viên trẻ

Cuốn sách về mình duy nhất Phạm Xuân Ẩn được đọc

Bản thảo cuốn sách hoàn thành, “Phạm Xuân Ẩn thong thả đọc bản thảo, như một nhà biên tập chuyên nghiệp vậy, ông chỉ sửa địa danh, tên tuổi, lỗi chính tả, ông tuyệt đối không sửa văn phong của tôi. Đọc xong, thấy ông không nhận xét câu gì, tôi cũng có phần lo lắng. Tôi hỏi ông bản thảo có gì sai không? Ông Ẩn chỉ nói: Tôi có sửa một số chỗ sai chính tả. Không có gì sai, nếu sai tôi đã chữa”.

Cả Phạm Xuân Ẩn và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đều xem cuốn bản thảo như một kỷ niệm, một sự chia sẻ mà không nghĩ gì tới việc in ấn. Thậm chí trong mười năm làm việc cùng nhau, họ chỉ có một tấm ảnh chụp chung ở cửa. “Ông Ẩn cứ ở lỳ trong nhà suốt những năm tháng ấy, ông chẳng bao giờ đi ra ngoài, chúng tôi chụp ảnh ngay ở cửa”.

Nhà báo kể: “Bẵng một thời gian, tôi có anh bạn ở Hà Nội tên là Bá Dũng, một tay mọt sách ở Hà Nội vào chơi. Gã này đến đâu cũng lục tung tìm sách. Bá Dũng lục ngăn kéo, thấy cuốn sách viết tay, mới hỏi đầu đuôi, rồi bảo: Nhân vật hay quá! NXB Công An Nhân Dân có cuộc thi sắp hết hạn rồi, để tôi cầm ra. Thật bất ngờ, cuốn sách được in và được trao giải Nhất cuộc thi”.

Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời đã giành chiến thắng vang dội, đoạt Giải A trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (1999-2002) và Giải A do Bộ Quốc phòng trao tặng.

Mỉm cười, nhà văn nhà báo Ngọc Hải nói với tôi: “Cuốn sách được in, lại còn được giải thưởng, từ đấy mới “tóe loe” ra cái tên Phạm Xuân Ẩn và không ai làm gì được nữa!”. Các sách, báo tràn ngập tên tuổi Phạm Xuân Ẩn. Các nhà báo, nhà văn nước ngoài tới tìm Phạm Xuân Ẩn. Đó là năm 2002.

Bùi ngùi, nhà báo Ngọc Hải nói với tôi: “Bây giờ chúng ta biết tên tuổi Phạm Xuân Ẩn nổi tiếng khắp thế giới và nhiều cuốn sách được viết về ông bán rất chạy. Nhưng cuốn sách tôi viết Phạm Xuân Ẩn– Tên người như cuộc đời  là cuốn sách duy nhất viết về Phạm Xuân Ẩn được in khi ông còn sống”.

Nhân cách và sự nghiệp

Nhà báo Ngọc Hải nhận xét: “Có 4 vấn đề làm tôi sửng sốt về tài năng của Phạm Xuân Ẩn. Đó là ông đã phân tích chính xác thất bại của Mỹ khi dùng thiết xa vận ở trận Ấp Bắc. Ông ấy lấy được toàn bộ kế hoạch bình định miền Nam gửi ra Bắc. Ông ấy dự báo được Mỹ sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Ông ấy trả lời cho trung ương câu hỏi: Nếu chúng ta giải phóng miền Nam thì Mỹ có quay lại hay không?”.

Đối với nhiều người thì việc ngày 30/4/1975 Phạm Xuân Ẩn tự mình lái xe đưa trùm mật vụ Trần Kim Tuyến trốn chạy là một việc khó lý giải, cực kỳ “nhạy cảm”. Rất nhiều người, kể cả các đồng chí hoạt động trong lưới tình báo cùng Phạm Xuân Ẩn tra vấn ông Ẩn về lý do ông giúp trùm mật vụ Trần Kim Tuyến ra nước ngoài.

Là nhà báo gần gũi nhất với Phạm Xuân Ẩn trong thời gian dài, nhà báo Ngọc Hải kể: “Ông Ẩn giúp Trần Kim Tuyến với tư cách người bạn. Ông Ẩn muốn giúp bạn mình không bị vào tù”.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải kể với phóng viên rằng đã từng đem câu chuyện này hỏi hai người chỉ đạo trực tiếp của ông Ẩn trong chiến tranh. “Cứu Tuyến, đó là biểu hiện rất đặc biệt về tư chất Ẩn. Con người trung hậu như vậy nhất định sẽ thành công trong sự nghiệp. Đó gần như là Luật Nhân – Quả” - đại tướng Mai Chí Thọ nhận xét. Ông Trần Quốc Hương thì nói: “Ẩn xử sự đúng với bản chất con người của mình: trọng đạo lý”.

Gia đình nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải rất mê sách. Trong nhà có 4 tấn sách và cuốn Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời là một trong số đó. Cậu con trai, thường theo mẹ khi bà đến phỏng vấn Phạm Xuân Ẩn đã trở thành người duy nhất ký họa chân dung Phạm Xuân Ẩn.

Nhà báo nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải chia sẻ: “Tôi có thói quen viết xong một cuốn sách thì phải quên nó đi, để viết tiếp cuốn sách khác. Tôi đã viết vài chục cuốn sách chân dung nhân vật. Nhưng, nhân cách của Phạm Xuân Ẩn vẫn luôn khiến tôi ngưỡng mộ”.     

4/2019

T.N.A

Giáo sư Sử học Mỹ Larry Berman, tác giả cuốn Điệp viên hoàn hảo nhận xét về Nguyễn Thị Ngọc Hải và cuốn Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời:

“Cuốn sách của bà đã mở đường cho tất cả chúng tôi”. “Trong tất cả những người viết về Phạm Xuân Ẩn, bà là người hiểu rõ tính nhân bản của ông ấy hơn ai hết”.

Giáo sư người Mỹ Thomas Bass - tác giả cuốn sách mới viết về Phạm Xuân Ẩn Điệp viên Z.21 - Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ đã trả lời phỏng vấn trên Tuổi trẻ cuối tuần ra ngày 27/4/2014: “Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải là tác giả quan trọng hàng đầu về Phạm Xuân Ẩn. Cuốn sách của bà là chỉ dẫn quan trọng cho tất cả chúng tôi, những người theo bước chân bà viết về ông”.

Chuyện ly kỳ của nữ điệp viên anh hùng: Kiến tạo đường dây tình báo cho Phạm Xuân Ẩn

Sau khi Phạm Ngọc Thảo hy sinh, Tám Thảo nhận được lệnh “trường kỳ mai phục”, để bảo vệ an toàn cho mạng lưới....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRẦN NGUYÊN ANH ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN