Nhà báo bị chặt đầu: Vì sao Mỹ không trả tiền chuộc?

Yêu cầu đòi tiền chuộc để cứu mạng phóng viên Foley đã bị Mỹ từ chối, dù chiến dịch đột kích thất bại.

Một ngày sau khi phóng viên chiến trường James Foley bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết và tung video lên mạng, các quan chức chính phủ Mỹ tiết lộ rằng biệt kích Mỹ đã từng thực hiện một cuộc đột kích bí mật để giải cứu Foley và các con tin khác nhưng thất bại.

Tuy nhiên, có một chiến thuật lớn mà Mỹ đã không thử trong chiến dịch giải cứu này, đó là trả tiền chuộc. Điều này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về chính sách đối ngoại của Mỹ, khi họ kiên quyết từ chối đàm phán với phiến quân để cứu mạng công dân mình bị chúng bắt cóc.

Nhà báo bị chặt đầu: Vì sao Mỹ không trả tiền chuộc? - 1

Phóng viên Foley bị bắt cóc khi đang tác nghiệp tại Syria năm 2012

Nhiều người chỉ ra rằng đã có một số phóng viên nước khác được thả sau khi quốc gia của họ chấp nhận trả số tiền chuộc lớn cho Nhà nước Hồi giáo, trong khi Mỹ không hề có bất cứ động thái nào tương tự.

Người lên tiếng mạnh mẽ nhất trong vụ việc này là David Rohde, một nhà báo nổi tiếng của tờ The Atlantic và hãng tin Reuters, người đã từng bị Taliban bắt cóc, giam giữ nhiều tháng khi đang tác nghiệp ở Afghanistan năm 2008.

Trong quá trình Rohde bị bắt giữ, chính phủ Mỹ cũng đã không chấp nhận trả bất cứ khoản tiền chuộc nào, nhưng phóng viên này đã may mắn có cơ hội chạy thoát được khỏi Taliban.

Lập luận trên của Rohde càng được củng cố sau khi hãng tin AP tiết lộ rằng Nhà nước Hồi giáo đã gửi email cho gia đình của phóng viên Foley đòi số tiền chuộc là 132 triệu USD để đổi lấy mạng sống của anh, thế nhưng yêu cầu trên đã bị chính phủ Mỹ kiên quyết từ chối.

Cho đến nay, chính phủ Mỹ vẫn giữ lập trường rất kiên quyết trong các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc kiểu này, và lập luận của họ là việc từ chối trả tiền chuộc sẽ khiến bọn khủng bố mất đi động lực bắt cóc người nước ngoài, đồng thời mất đi một nguồn tài chính khổng lồ.

Nhà báo bị chặt đầu: Vì sao Mỹ không trả tiền chuộc? - 2

Tình trạng bắt cóc, hành quyết diễn ra tràn lan ở nơi do phiến quân IS kiểm soát

Năm 2012, ông David Cohen, Thứ trưởng phụ trách tình báo tài chính và khủng bố thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã giải thích lập luận này của chính phủ như sau: “Trả tiền chuộc sẽ dẫn đến những vụ bắt cóc tiếp theo, và những khoản tiền chuộc tiếp theo. Số tiền chuộc đó lại được phục vụ cho các cuộc tấn công của bọn khủng bố”.

Ông Cohen nói tiếp: “Chúng ta phải tìm cách phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Từ chối trả tiền chuộc là cách đảm bảo nhất để phá vỡ nó, vì nếu bọn bắt cóc không đạt được mục đích, chúng sẽ ngừng việc bắt cóc nạn nhân ngay từ đầu”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cũng lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ quan điểm của chính phủ trong việc từ chối đàm phán hoặc trả tiền chuộc cho phiến quân IS để cứu mạng phóng viên Foley.

Bà Harf tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng việc trả tiền chuộc hoặc nhượng bộ với IS sẽ đẩy người Mỹ ở nước ngoài vào tình thế nguy hiểm hơn. Số tiền chuộc này có thể được IS sử dụng cho các hoạt động khủng bố mà Mỹ đang tìm cách ngăn chặn”.

Trên lý thuyết, hầu hết chính phủ các nước trên thế giới đều tán đồng với chính sách này của Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay bản thân Mỹ và Anh cũng đã tỏ ra thiếu kiên quyết trong chính sách từ chối trả tiền chuộc, trong khi rất nhiều nước khác không làm được như vậy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo SMH) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN