Nguyên nhân vụ sập dầm cầu trên cao tốc Bắc - Nam
Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát thực hiện Dự án BOT cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam cho biết, vụ sập dầm cầu đang thi công trên tuyến cao tốc này không phải do chất lượng kém, mà từ lỗi khi công nhân gác dầm. Hiện dự án vẫn chậm tiến độ so với yêu cầu, trong khi năm 2024 phải hoàn thành.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Trần Hữu Hải - Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (PMU6), Bộ Giao thông vận tải - đại diện cơ quan cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát dự án BOT cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh) cho biết, sự cố sập dầm cầu khi đang thi công trên tuyến cao tốc này diễn ra ngày 19/5. Nơi diễn ra gác dầm cầu Nghi Mỹ (huyện Nghi Lộc) thuộc gói thầu xây lắp số 2, giá trị xây lắp gần 1.300 tỷ đồng. Sự cố đã làm hỏng 4 thanh dầm buộc phải thay mới (giá trị mỗi thanh dầm 300 triệu đồng).
Ngay khi xảy ra sự cố trên, PMU6 cùng công an địa phương và các bên liên quan đã trực tiếp tới kiểm tra hiện trường, xác định nguyên nhân sự cố, trách nhiệm các bên, và đánh giá chất lượng công trình, ảnh hưởng của sự cố tới trụ và các dầm khác.
Hiện trường vụ tai nạn sập dầm cầu trên tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
“Rất may sự cố không gây thiệt hại về người, cũng không phải do chất lượng dầm cầu không đảm bảo. Lỗi xảy ra trong quá trình công nhân phối hợp cẩu và đặt dầm lên trụ chưa nhịp nhàng, dẫn tới nghiêng và đổ, gãy. Sự cố không ảnh hưởng tới trụ cầu, chỉ có 4 thanh dầm bị hỏng phải thay mới, nhà thầu cam kết tự bỏ tiền khắc phục, với tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng”, ông Hải nói.
Sau sự cố, công trường đã tạm đình chỉ thi công một thời gian để xác định nguyên nhân và đánh giá chất lượng các thanh dầm và hai trụ cầu hai bên. Sau khi đánh giá chất lượng công trình vẫn đảm bảo, hai trụ cầu không bị ảnh hưởng, nhà thầu đã thi công trở lại từ giữa tháng 6.
Theo ông Hải, ông cũng từng làm kỹ sư cầu, tham gia trực tiếp thi công nhiều cầu trên cả nước và đã chứng kiến sự cố tương tự. Dầm cầu đổ sẵn, sau đó chở tới công trình và cẩu gác lên trụ, quá trình đặt dầm lên trụ, nếu công nhân lái máy cẩu, điều chỉnh hạ đặt hai bên trụ không nhịp nhàng dẫn tới không đều, hoặc chèn chống không tốt dẫn tới bị xô lệch sẽ lập tức xảy ra tai nạn.
Sau sự cố trên, chủ đầu tư đã phê bình, cảnh cáo nhà thầu. Về phía PMU6, cũng chỉ nhắc nhở nhà đầu tư và các nhà thầu, vì đây là dự án BOT, tiền của nhà đầu tư (nhà thầu cũng do nhà đầu tư chọn, PMU6 chỉ giám sát chất lượng và tiến độ).
Bộ Giao thông vận tải cũng có văn bản yêu cầu nhà đầu tư giám sát chặt chẽ các nhà thầu, đặc biệt lưu ý về chất lượng công trình, đảm bảo toàn trong quá trình thi công và an toàn lao động.
Sau sự cố, nhà thầu phải thay mới 4 thanh dầm, tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng.
Hiện, khối lượng thi công của dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đạt 300 - 400 tỷ đồng mỗi tháng, nhưng tiến độ chung vẫn chậm khoảng 3,5% so với hợp đồng và cam kết của nhà đầu tư. Với tiến độ hiện nay, mục tiêu đưa dự án cao tốc này vào khai thác năm 2024 là thách thức không nhỏ.
Được biết, một trong những nguyên nhân dự án chậm tiến độ vì thời gian đầu triển khai một trong các liên danh nhà đầu tư chậm trễ trong việc góp vốn. Bên cạnh đó, việc huy động tín dụng cho dự án cũng gặp trục trặc, phải đổi từ 1 ngân hàng thành nhiều ngân hàng cùng cho vay. Hợp đồng tín dụng ký từ tháng 2/2022 nhưng phải tới tháng 10/2022 mới bắt đầu giải ngân được.
Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt là 1 trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam (giai đoạn 1 triển khai theo hình thức BOT, dự án dài 49,3km qua địa bàn Nghệ An - Hà Tĩnh, có tổng vốn đầu tư 11.157 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ hơn 6.067 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư hơn 5.090 tỷ đồng). Dự án khởi công tháng 5/2021, kế hoạch hoàn thành tháng 5/2024.
Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng.
Ngày 27/9, theo ghi nhận, khu vực cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, phương tiện xe tải, xe có trọng tải lớn, xe trên 16 chỗ không còn đi qua cầu vượt...
Nguồn: [Link nguồn]