Nguyên nhân khiến Hà Nội mưa lớn, ngập tứ bề, phố biến thành “sông”
Trận mưa lớn trút xuống Hà Nội đã vượt kỷ lục trong 36 năm qua khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng, các phương tiện “bơi” trong nước.
Mưa lớn khiến nhiều nơi ở Hà Nội xảy ra ngập úng cục bộ
Chiều 29/5, một trận mưa lớn đã trút xuống Hà Nội khiến nhiều nơi bị ngập lụt nặng. Hầu hết các tuyến đường đều ngập úng cục bộ, có nơi ngập sâu khiến giao thông ngưng trệ, nhiều phương tiện “bơi” trong nước, chết máy... Nước mưa còn tràn vào nhà dân khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lượng mưa đo được từ 13h đến 19h ngày 29/5 tại trạm Láng là 140,4mm, Hoài Đức 53mm, Thanh Trì 119,2mm…
Đặc biệt, lượng mưa ghi nhận tại trạm Láng (quận Đống Đa) trong 2 giờ, từ 14-16h là 138mm. Đây là lượng mưa kỷ lục ghi nhận được trong vòng 36 năm qua. Theo số liệu lịch sử, lượng mưa tích lũy trong 2h ngày 18/6/1986 tại trạm khí tượng này đạt 132,5mm.
Về nguyên nhân gây ra đợt mưa lớn tại Hà Nội, cơ quan khí tượng giải thích rằng, do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục ở khoảng 22-25 độ bị nén. Chiều 29/5, hiện tượng mưa dông nhiệt xuất hiện sớm ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Nam đồng bằng Bắc Bộ sau đó dịch chuyển đến khu vực Hà Nội gây mưa lớn trong khoảng 2 giờ.
Người và các phương tiện “bơi” trong nước sau cơn mưa lớn kéo dài
Từ ngày 28/5, cơ quan khí tượng đã ban hành bản tin mưa lớn ở vùng núi và trung dung Bắc; cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ bao gồm cả cảnh báo mưa dông cho khu vực Hà Nội.
Bản tin mưa lớn sáng ngày 29/5, nhận định khu vực Hà Nội từ chiều tối và đêm 29/5 đến đêm 30/5, có lúc có mưa rào và dông; cục bộ có mưa to.
Dự báo, từ nay (30/5) đến ngày 31/5, do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén qua khu vực Bắc Bộ nên ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 80-120mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt; ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.
Chiều và đêm nay (30/5), ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trên các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên ở khu vực thượng lưu từ 2-4m, hạ lưu từ 1,5-2m. Trong đợt lũ này, mực nước trên một số sông suối nhỏ có khả năng lên mức (báo động) BĐ1 - BĐ2, mực nước đỉnh lũ khu vực hạ lưu các sông chính ở Bắc Bộ ở dưới mức BĐ1.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Đại diện Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cho biết, do mưa lớn diện rộng và kéo dài suốt 2 giờ, nhiều nơi ở lưu vực sông Tô Lịch, sông Nhuệ và khu vực Long Biên xảy ra ngập úng.
Lưu vực sông Tô Lịch (diện tích khoảng 77,5km2) có thể chịu được trận mưa trên 150mm/ngày. Lưu vực sông Nhuệ (diện tích khoảng 110km2) chỉ có thể chịu được mưa 50mm/ngày.
Lưu vực Long Biên (diện tích 62km2) có hai dự án tiêu thoát nước cho khu vực là Trạm bơm Gia Thượng và Trạm bơm Cự Khối. Tuy nhiên, cả hai trạm bơm này hiện chưa được đầu tư nên chủ yếu vẫn tự tiêu, tự chảy. Hệ thống thoát nước khu vực nội đô Long Biên thoát ra hệ thống thoát nước nông nghiệp qua sông Cầu Bây, tuy nhiên sông Cầu Bây đang triển khai dự án cải tạo, gây thu hẹp dòng chảy.
Chính vì vậy, với lượng mưa lớn và kỷ lục trong 2 giờ đồng hồ như chiều 29/5 đã gây quá tải hệ thống thoát nước.
Ngay khi mưa lớn xảy ra, đơn vị đã triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý; đồng thời vận hành các trạm bơm… để hạ mức nước trên hệ thống.
Đến tối 29/5, nước đã rút hết ở nhiều tuyến phố, chỉ tồn tại một số điểm ngập sâu hơn thuộc quận Cầu Giấy như phố Trần Cung, Trần Bình, Phan Văn Trường. Đơn vị đã bố trí lực lượng, thiết bị để giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng do mưa lớn gây ra.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau cơn mưa lớn, một số tuyến phố, khu vực tại Hà Nội đã biến thành sông khiến nhiều phương tiện di chuyển khó khăn.