Nguyên Chủ tịch Quảng Nam sợ TĐ Sông Tranh 2

Bão lụt, phá rừng, đặc biệt vấn đề thủy điện ở miền Trung cứ đến kỳ nóng bỏng là cánh cửa nhà riêng của nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập lại rộng mở, cánh báo chí luôn hài lòng với những chia sẻ, phát biểu đầy trăn trở và trách nhiệm của ông.

Ông thẳng thắn: “Tôi giờ hưu rồi, tiếng nói đương nhiên chẳng còn tác động gì mấy, nhưng nhà báo đã hỏi, tôi nói thật những trăn trở của mình, giúp làm sáng tỏ được gì, thu được lợi ích gì cho dân tôi sẵn sàng nói”.

Sợ khi nghĩ đến Sông Tranh 2

“Đến thời điểm này, thú thật là tôi đã sợ khi phải nghĩ, phải nói về thủy điện Sông Tranh 2 lắm rồi. Mấy chục năm lăn lộn khắp vùng rừng núi, đồng quê xứ Quảng, tôi còn lạ gì cái tâm tình người Quảng Nam.

Họ có gì nói nấy. Các nhà khoa học, tôi không biết ai tài giỏi cỡ nào, hiểu biết ra sao nhưng khi chưa cầm trong tay số liệu của riêng mình, đo được ở vùng tâm chấn và lân cận tâm chấn Bắc Trà My thì đừng nói thánh nói tướng gì cả.

Tôi thấy người dân tộc vùng sông Tranh nói rất chí lý: Ai nói an toàn thì dọn nhà lên Sông Tranh 2 mà ở. Cái người dân quan tâm nhất là gì? Họ đâu cần biết cái độ richter hay tâm chấn là gì.

Họ chỉ biết đất rung nhà lắc, mà rung lắc mỗi ngày một tăng thì bao giờ giảm, bao giờ chấm dứt? Rồi cái đập Sông Tranh 2 đó, nước phun thành vòi, báo chí, truyền hình phơi cả ra, phía trên là túi nước khổng lồ liệu có vỡ không. Trả lời đi, trả lời với những bằng chứng cụ thể, xác thực nhất.

Bây giờ, có ai hỏi gì về Sông Tranh 2, tôi sẽ nói ngay rằng, cứ lắp đặt hệ thống quan trắc khắp vùng đi. Thiết bị hiện đại nhất ấy, rồi các nhà khoa học ăn dầm nằm dề ở đó mà đo, mà cập nhật số liệu. Chừng đã đủ thì công bố cho dân người ta an tâm”.

Nguyên Chủ tịch Quảng Nam sợ TĐ Sông Tranh 2 - 1

Nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập

Nỗi sợ của ông Tập với kinh nghiệm 40 năm chuyên nghiên cứu thủy lợi, hồ đập ở miền Trung – Tây Nguyên chẳng phải mơ hồ.

“Vỡ đập thì không phải sợ nữa mà là thảm họa, cái này thì tôi chưa dám nghĩ đến. Tôi sợ nhất là cái vô cảm của người đời. Đã đến giờ nào rồi mà cái hệ thống quan trắc còn nằm tận đâu đâu ở Hà Nội. Tôi biết chắc cái dự án lập hệ thống quan trắc đã được phê duyệt từ lâu, vậy mà đến nay nó vẫn nằm trên bàn giấy. Thử lật ngược vấn đề thế này, nếu Sông Tranh 2 mà an toàn, không xảy ra rò rỉ nước thì đến hồi nào cái quan trắc nó mới cựa quậy?”.

Ông Tập chỉ đường cho phóng viên: những ngày này ở Trà My, nếu gặp được chuyên gia, nhớ hỏi thẳng, vào Sông Tranh 2 khảo sát, đo đạc số liệu khi mà cái quan trắc mấy chục ngày, mấy chục tháng qua nằm im lìm và giờ này vẫn không biết khi nào nó triển khai thì lấy cái gì mà công bố cho an dân?

Tôi bấm máy kết nối với một đồng nghiệp đang ở hiện trường Bắc Trà My, để rồi nhận được câu trả lời đầy thất vọng: Không thể gặp được, họ không cho báo chí tiếp xúc, nói có gì họp báo công bố sau. Ông Tập lắc đầu: chỉ mong các nhà khoa học làm việc hết sức thận trọng, chính xác vì công bố của họ ảnh hưởng rất lớn đến lòng dân.

Thủy điện vô can, con người mới có lỗi

Từ chối suất đi nghiên cứu Liên Xô vào năm 1971 để xách ba lô về quê hương giữa mùa bom đạn, kỹ sư thủy lợi Lê Trí Tập đặt chân khắp từng cánh rừng con suối miền Trung.

Nghỉ hưu năm 2000, nhưng đến tận hôm nay, khi ngoảnh lại, thấy từng mảnh rừng bị cào xé, núi lở sông tan mà một thủ phạm đã được chỉ mặt đặt tên “thủy điện”, thì tâm can vị nguyên Chủ tịch tỉnh lại bị dày vò.

“Điện có quan trọng không? Có! Cần phát triển thủy điện không? Có! Nhưng vì sao lại ra nông nỗi như ngày hôm nay? Thủy điện không có lỗi, chỉ có con người mới đáng trách”.

Nguyên Chủ tịch Quảng Nam sợ TĐ Sông Tranh 2 - 2

Thủy điện Sông Tranh 2 khiến ông Tập sợ không dám nghĩ đến - Ảnh: Nam Cường

Những chuyến thực địa gần đây, chứng kiến khung cảnh rừng núi khác xưa, ông Tập càng day dứt: thủy điện chủ yếu là phá rừng, vậy ngoài yếu tố phát điện, chẳng lẽ nó không giúp được gì cho dân?

Câu trả lời sau nhiều năm nghiên cứu khiến ông hụt hẫng: hầu như các NMTĐ ở Quảng Nam không có cửa xả đáy, không có hệ thống quan trắc và quan trọng nhất: không diện tích hồ phòng lũ.

“Sau cái ngày thủy điện A Vương xả lũ khiến dân Đại Lộc, Điện Bàn chìm trong đại hồng thủy, chủ đầu tư ra rả rằng, hồ chúng tôi có diện tích phòng lũ. Tôi nói thẳng, cái diện tích đó chỉ là phòng lũ cho riêng cái công trình của các anh thôi chứ có bao giờ các anh nghĩ đến dân đâu. Rồi đến lượt Sông Tranh 2, tôi nói vụ lõi đồng giữa các khối bê tông của đập, hoặc không có, hoặc là đồ đểu. Ông Hải (ông Trần Văn Hải – trưởng BQL dự án thủy điện 3, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2) cùng các kỹ sư cứng họng. Giá như Sông Tranh 2 mà có cái cổng xả lũ ở đáy thì hay biết mấy. Xả sạch nước, khoan vào thân đập mà xử lý. Có điều, tốn tiền lắm. Tất cả đều do con người cả”.

Ám ảnh trận 99

Câu chuyện ông Lê Trí Tập đứng trên đê Phú Ninh (Tam Kỳ) trong mưa gió ầm ào, chỉ đạo cứu con đê mỏng mảnh dập dềnh trước lũ dữ vào tháng 12/1999 hẳn vẫn còn hằn sâu trong tâm trí người dân xứ Quảng.

Tháng 12/1999, trong cơn lũ bất thường, hồ Phú Ninh (cách Tam Kỳ 7km) rộng gần 24 ngàn ha, đáy tự nhiên cao 25m, đập cao 35m, chứa khoảng 400 triệu khối nước đang mấp mé mặt đập khoảng 40mm.

Đến đêm 2/12, chỉ cần mưa thêm một vài trận lớn, đập sẽ bị xóa sổ. Mọi ý kiến cho rằng nên di dời dân, phá đập phụ, riêng Chủ tịch tỉnh Lê Trí Tập quyết định: gia cố đập thêm 30cm, tích được thêm 18 triệu khối nước, chờ trời sáng tính tiếp.

Làm đập cao hơn là phá vỡ thiết kế ban đầu, vi phạm luật pháp hẳn hoi. Thời điểm đó, cùng với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ, ông đã điện trực tiếp với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, xin cái lệnh “tiền trảm hậu tấu”.

“Nhờ trời, đến sáng thì mưa tạnh, nước ngấp nghé ngưỡng 35,30m. Cả nước thở phào. Lúc đó, tôi biết, trời không nỡ ép lương dân vào cửa tử”.

Nguyên Chủ tỉnh tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập tốt nghiệp ngành thủy lợi ĐHBK Hà Nội năm 1965. Năm 1972 về công tác ở Quảng Đà và phục vụ quê hương Quảng Nam trong ngành thủy lợi. Ông làm Chủ tịch tỉnh Quảng Nam năm 1997, đến năm 2000 thì nghỉ hưu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Cường (Tiền Phong)
Nứt đập thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN