Nguyên Chủ tịch huyện tự… đẽo quan tài
Đồng bào Cơtu ở Quảng Nam không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy một vị già làng tự mình hì hục ngồi đục đẽo chiếc quan tài dành riêng cho mình suốt hơn 5 tháng.
Không "chịu" ở yên một chỗ, sau khi cáo quan về quê, ông Y Kông đã lặn lội khắp vùng có người Cơtu sinh sống để sưu tầm và khôi phục những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào. Đi đâu, ông cũng đều mang theo những nhạc cụ truyền thống "phòng" mỗi khi dừng chân giải trí.
Ấy vậy mà không bao lâu sau đó, ông đã trở thành một trong số hiếm hoi già làng Cơtu trên dãy Trường Sơn đại ngàn còn bảo tồn và gìn giữ được văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Ông chính là già làng Y Kông (84 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, Quảng Nam; hiện đang sinh sống ở thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang.
Hì hục suốt 5 tháng đẽo quan tài cho… mình
Đầu năm 2010, đồng bào Cơtu ở huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy một vị già làng ở thôn Tống Coói (xã Ba, huyện Đông Giang) đã tự mình hì hục ngồi đục đẽo chiếc quan tài dành riêng cho mình suốt hơn 5 tháng. Câu chuyện cứ thế lan nhanh đến từng buôn làng, thôn nóc khắp núi rừng Đông Giang và trở nên xôn xao mỗi khi nghe ai đó kể. Nhưng có một điều rất lạ là, cứ sau mỗi lần kể, nhiều người lại vỗ tay tán dương cho hành động "kỳ quái" của già làng Y Kông như một niềm tự hào đáng trân trọng. Bởi họ luôn đồng cảm trước những trăn trở của một vị già làng về sự mai một của nền văn hoá Cơtu.
Đến thăm già làng Y Kông vào một ngày đầu xuân, bên trong căn nhà là những hình tượng gỗ độc đáo được trưng bày khá đẹp mắt ở một góc nhà. Phía trong buồng nhà là nơi cất giấu cỗ quan tài được ông kì công đục đẽo suốt gần 5 tháng trời, mà theo lời kể của ông thì "tự làm cho mình thôi". Cỗ quan tài được đẽo gọt từ nguyên một thân cây, xẻ đôi thân cây rồi khoét rỗng ở giữa với đường kính gần 3 người ôm, theo ông phải nhờ 30 thanh niên kéo từ rừng về và phải mất hơn 1 tháng mới đưa được về đến nhà. Ông gọi chiếc hòm này là "T'rang Ch'ríh" (nghĩa là chiếc hòm kỳ lạ), vì theo lời ông kể, từ trước đến nay chưa có ai chạm khắc công phu trên chiếc hòm của mình bao giờ.
Cỗ quan tài kỳ lạ được già Y Kông đục đẽo suốt 5 tháng trời
Giải thích việc ở hai đầu chiếc "T'rang Ch'ríh" chạm một đầu là con voi và một đầu là con trâu, già làng Y Kông nói: "Con trâu là con thú to nhất ở dưới nhà, con voi là con thú to nhất ở trên rừng. Hai con vật này tượng trưng cho sức mạnh, cho sự to lớn. Chiếc hòm thì được tạo thành hình chiếc thuyền, vì già nghĩ, đời người là một chuyến đi, như chiếc thuyền trôi mãi không bao giờ dừng lại. Khi chết, con người đi sang một miền khác, chiếc thuyền sẽ đưa già đi trong hành trình đó". Cỗ quan tài này là thành quả sau gần 5 tháng trời một mình ông cặm cụi đục đẽo từ thân cây gỗ kiền kiền mà không cần ai giúp sức. "Từ việc khoét rỗng đến điêu khắc, chạm trổ từng chi tiết nhỏ tôi cũng đều tự thân làm, vì không muốn nhờ vả ai" - già làng Y Kông cho biết.
Theo già Y Kông, ngày xưa, những người đàn ông Cơtu khoẻ mạnh đều tự đẽo chiếc quan tài cho riêng mình, phòng lúc "ra đi" không phiền họ hàng, bà con lối xóm. Ngoài ra, quan tài còn được coi là vật quý, được người Cơtu dành tặng cho nhau trong mỗi dịp lễ hội. Tuy nhiên, văn hoá tự đẽo quan tài cho mình gần trăm năm nay đồng bào Cơtu không còn lưu giữ nữa và đang đứng trước nguy cơ biến mất. "Dù người Cơtu không có tục tôn thờ con rồng (Zéc Hoo) nhưng trong một số tác phẩm điêu khắc, con rồng vẫn luôn được sử dụng như là biểu tượng của sự phò trợ, hộ mệnh. Hai con rồng hai bên chiếc quan tài sẽ phò trợ "chiếc thuyền" đưa già về thế giới bên kia" - già Y Kông giải thích thêm về hoạ tiết hai con rồng được ông chạm khắc trên thân quan tài.
"Níu giữ" văn hóa Cơtu trước nguy cơ biến mất
Một thời, hình ảnh già làng Y Kông đã trở nên quen thuộc với người dân ở khắp các vùng miền núi Đông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam). Đó là một "ông già" có chòm râu trắng thường hay choàng con trăn to bằng bắp tay lên cổ, đi dạo khắp bản làng vùng cao Đông Giang. Ông là một trong số ít già làng Cơtu còn giữ nguyên vẹn những nét đẹp văn hóa của đồng bào mình.
Già làng Y Kông bảo: "Cái gì cũng xuất xứ từ gốc rễ, nguồn cội. Quên đi cái gốc rễ đó là quên đi công ơn của tổ tiên, ông bà". Do vậy mà ông luôn được đồng bào Cơtu ở núi rừng Đông Giang xem như một "nhân chứng sống" trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Đến thăm già Y Kông mới đây, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi trước cả một "bảo tàng sống" gồm những tượng hình người, tượng nhà Gươl, nhà mồ Cơtu,… được đặt trang trọng ngay giữa nhà. Căn phòng dường như quá nhỏ cho việc "trưng bày", nên những bức tượng, phù điêu nằm chật kín cả một góc.
Những bức tượng vẫn còn giữ nguyên nét mộc mạc, hoang sơ nhưng đó là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật mang sắc thái văn hóa đặc trưng riêng của loại hình nghệ thuật điêu khắc Cơtu trong từng thớ gỗ.
Chân dung "lão gàn" Y Kông bên góc bảo tàng của mình
"Già làm tất cả cũng vì muốn giữ lại hồn của cha ông thôi!" - già Y Kông chia sẻ. Có lẽ, khi nói già làng Y Kông là người đã "níu giữ" văn hóa Cơtu khỏi nguy cơ biến mất cũng không phải quá, bởi so với những gì mà ông đã đóng góp trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc cho một huyện miền núi như Đông Giang thì ông hoàn toàn xứng đáng với tên gọi như vậy.
Già Y Kông kể, cách đây hơn 30 năm, phần do chiến tranh loạn lạc, phần vì công cuộc đổi mới đất nước đang đứng trước giai đoạn khó khăn nên văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số không được quan tâm đúng mức, bị mai một dần.
"Ngày đó, già còn đương nhiệm chức vụ Chủ tịch huyện nên việc khôi phục văn hóa truyền thống cho đồng bào Cơtu mình luôn "nằm" trong suy nghĩ của già. Nhưng để làm công việc đó không phải một sớm một chiều, hơn nữa những người tâm huyết không phải là nhiều nên mọi suy nghĩ đó của già dường như sắp chìm vào ngõ cụt… Vậy mà, già cũng làm được!" - già Y Kông tự hào.
Ngày ấy, bàn chân ông đã vượt qua những cánh rừng hoang vu, đến từng buôn làng để vận động, tuyên truyền đồng bào trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Lúc nào có chuyến lên vùng cao công tác, ông cũng đều giắt theo mình những chiếc khèn Abel, Aluốt (sáo), cùng các nhạc cụ khác của đồng bào Cơtu, cùng đồng bào "ôn lại" truyền thống của dân tộc mình. Những đêm có trăng, bên bếp lửa bập bùng, ông lại cùng đồng bào vui múa cồng chiêng, hát điệu Ba'boóch, Ca'lới,… Chính từ cách làm mộc mạc đó mà chỉ sau vài năm, đồng bào Cơtu đã dần "kéo" lại được văn hóa truyền thống của mình. Để giờ đây, ông vỗ ngực tự hào vì đồng bào Cơtu đã biết giữ gìn nét đẹp văn hóa của mình. Và với riêng ông, tâm nguyện bảo tồn văn hóa dân tộc đã được đền đáp một cách xứng đáng.
Giờ đây, ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng già làng Y Kông vẫn luôn tận lực với đời, tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơtu. Ngôi nhà Gươl thôn Tống Coói hay chiếc cỗ quan tài kỳ lạ là những việc làm mà ông muốn giúp đồng bào Cơtu giữ gìn được nét văn hóa của mình không bị mai một, biến mất.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang tự hào: "Nếu kể về công lao của già làng Y Kông trong việc bảo tồn văn hóa Cơtu thì có lẽ không thể ghi bằng bút giấy hết được. Bởi những việc làm của ông như một huyền thoại sống góp phần giữ gìn những bản sắc Cơtu trong thời đại mới. Hiện, chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ xét đề nghị công nhận già làng Y Kông danh hiệu Nghệ nhân Dân gian".
Già Y Kông, tên thật là Nguyễn Văn Công, lúc thoát ly lên Tây Nguyên lấy họ Y của người Rak-lay để đấu tranh hợp pháp. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 50 tuổi Đảng. Ông cũng là một trong những già làng uy tín nhất của đồng bào Cơtu, từng được đại diện cho đồng bào Cơtu đi thăm Bác Hồ cùng với các đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam vào năm 1969, trước khi Bác mất. |