Nguyên bộ trưởng kể việc một con bò sữa ba bộ cùng quản lý
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát dẫn chứng, một con bò sữa có tới ba bộ cùng quản lý. Cụ thể, Bộ NN&PTNT quản lý về chăn nuôi, Bộ Công Thương quản lý về chế biến, Bộ Y tế quản lý về uống sữa.
10 người dân "nuôi" một cán bộ, công chức
Theo kế hoạch vừa được Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 ký ban hành, tổ chức bộ máy của Chính phủ tới đây sẽ giảm 5 bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, tổ chức bộ máy của Chính phủ sau sắp xếp còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Chính phủ cũng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn đầu mối các tổ chức bên trong, giảm mạnh cấp tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ và cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục.
Theo tính toán, cứ 9-10 người dân "nuôi" một cán bộ, công chức. (Ảnh minh họa)
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chính phủ, việc sắp xếp này sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
Đi kèm với việc sắp xếp lại tổ chức bên trong, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cơ cấu lại nhằm nâng cao chất lượng và tinh giản biên chế một cách triệt để, gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công.
Chủ trương tinh gọn bộ máy theo hướng này đã và đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các chuyên gia, nguyên bộ trưởng trong các thời kỳ. Tại hội thảo được Bộ Nội vụ phối hợp với Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam tổ chức, nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp phản ánh tình trạng số lượng cán bộ công chức hiện nay còn quá nhiều, đòi hỏi cấp thiết tinh giản biên chế.
Theo ông, trong khi ở một số nước như Trung Quốc, trung bình 170 người dân thì có một người hưởng lương ngân sách, còn ở Mỹ là 400, hay Nhật Bản là 700, trong khi đó, ở Việt Nam cứ 9-10 người dân "nuôi" một cán bộ, công chức.
Thực tế trên thể hiện “bộ máy đông quá, dân không chịu nổi”, do vậy cần gấp rút thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế. Từ đó, ông Lê Doãn Hợp cho rằng, cần có sự phân cấp mạnh mẽ, cấp trên không nên “ôm” việc mà nên tăng thẩm quyền cho cấp dưới và cần đảm bảo rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm. “Việc phân cấp dựa trên đánh giá về đạo đức, năng lực, tín nhiệm của cán bộ và phải phù hợp với tài chính, biên chế và cán bộ”, ông nói.
Ông Hợp kể lại, thời ông còn đương chức, việc chậm trễ trong xử lý công việc là do lãnh đạo, không phải chuyên viên. Do vậy, người đứng đầu phải nắm và hiểu rõ được công việc, thời gian, rồi phân quyền.
Phân định quyền hạn trong nội bộ
Cùng quan tâm đến phân cấp, phân quyền, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát dẫn chứng, một con bò sữa có tới 3 bộ cùng quản lý. Cụ thể, Bộ NN&PTNT quản lý về chăn nuôi, Bộ Công Thương quản lý về chế biến, Bộ Y tế quản lý về uống sữa.
Theo ông, từ thực tế trên, cho thấy giữa các bộ, ngành còn chưa rõ ràng, chồng chéo, nên phải đẩy mạnh phân quyền, phân cấp ngay trong nội bộ từng cấp chính quyền.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng, vướng mắc lớn nằm ở sự không rạch ròi khi phân quyền trong nội bộ từng cơ quan. Bộ trưởng hoạch định chính sách nhưng vẫn phải trình Thủ tướng quyết trong khi họ là tư lệnh quản lý ngành lĩnh vực.
Vì vậy, ông Thuận cho rằng, khi tổ chức, sắp xếp lại bộ máy cần thống nhất phân định quyền hạn trong nội bộ để đảm bảo sau sắp xếp các đơn vị hoạt động hiệu quả ngay.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Thứ trưởng Công an nhắc lại con số, tổng thu ngân sách thì có tới 70% chi vào bộ máy. “Từng làm lãnh đạo từ cấp chủ tịch, bí thư thành phố, tôi rất hiểu vấn đề đó”, ông Thành cho hay.
Từ thực tế đó, vấn đề cải cách bộ máy hành chính, giảm thời gian, giảm chi phí, giảm giấy tờ, tinh gọn thế nào… Yêu cầu đặt ra là phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền và điều này “rất ý nghĩa”.
Đánh giá tác động, Ban Chỉ đạo Chính phủ nhìn nhận, sau sắp xếp, quy mô, phạm vi của một số bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực sẽ lớn, đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu bộ và đội ngũ lãnh đạo bộ. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ trong công tác nhân sự để bảo đảm triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả. Đáng lưu ý, qua rà soát, có 113 luật đang quy định về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thuộc đối tượng sắp xếp. Do vậy, để hạn chế tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần có chính sách đủ mạnh, nổi trội với đối tượng chịu tác động của quá trình sắp xếp. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là rất khó, nhưng nhất định phải làm, với tinh thần "chỉ bàn...
Nguồn: [Link nguồn]