Nguy cơ nhiễm HIV của 36 người tham gia cấp cứu TNGT thế nào?
Nguy cơ nhiễm HIV của những người bị phơi nhiễm sau khi tham gia cấp cứu tai nạn giao thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
TS.BS. Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
Vụ tai nạn xe khách tại tỉnh Kon Tum vừa qua có tới 36 người bị phơi nhiễm với HIV. Họ là người dân và cán bộ y tế, công an tham gia cấp cứu và cứu nạn do tiếp xúc với máu của người nhiễm HIV.
Từ vụ này, nhiều người đặt câu hỏi: Phơi nhiễm với HIV là gì? Nguy cơ nhiễm HIV với những người này ra sao? Xử trí khi bị phơi nhiễm HIV như thế nào? Cần làm gì để phòng tránh phơi nhiễm với HIV?, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
Thưa ông, những người tiếp xúc trực tiếp với máu trong vụ tai nạn xe khách tại Kon Tum vừa qua là phơi nhiễm với HIV hay nghi bị phơi nhiễm với HIV?
36 cán bộ y tế, công an và người dân tham gia cấp cứu trong vụ tại nạn xe khách vừa rồi là phơi nhiễm với HIV chứ không phải có nguy cơ phơi nhiễm HIV.
Phơi nhiễm với HIV được xác định là khi có sự tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh học của người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.
Như vậy chỉ cần ai đó tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh học của một người nghi ngờ nhiễm HIV cũng đã gọi là bị phơi nhiễm với HIV.
Nguy cơ nhiễm HIV trong vụ tham gia cấp cứu nạn nhân tai nạn xe khách ở Kon Tum như thế nào, thưa ông?
Nguy cơ nhiễm HIV của những người bị phơi nhiễm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là tình trạng HIV của người gây phơi nhiễm tức là máu hay dịch của nạn nhân hay bệnh nhân đó có HIV hay không?
Nhiều trường hợp chúng ta không thể biết được họ có nhiễm HIV hay không vì không có điều kiện xét nghiệm máu của họ. Ngay cả khi xác định máu đó nhiễm HIV rồi thì nguy cơ phụ thuộc vào người nhiễm HIV ở giai đoạn nào? Nếu họ ở giai đoạn AIDS thì nguy cơ cao hơn.
Người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc ARV chưa? Thông thường nếu họ đã được điều trị ARV trên 6 tháng thì lượng HIV trong máu rất thấp nên nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác cũng thấp.
Ngoài ra, tình trạng phơi nhiễm như thế nào? Ví dụ tổn thương do kim có chứa máu đâm xuyên qua da gây chảy máu; nếu là kim nòng rỗng cỡ to, chứa nhiều máu, đâm sâu thì nguy cơ cao hơn là kim nòng nhỏ, chứa ít máu và đâm xuyên nông…. Tổn thương da sâu do dao mổ hoặc các ống nghiệm chứa máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bị vỡ đâm phải hoặc máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét hoặc xây xát từ trước... Nếu chỗ tiếp xúc với máu bị viêm loét hoặc xây xát rộng thì nguy cơ cao hơn.
Vậy những người bị phơi nhiễm với HIV cần được xử lý như thế nào?
Khi bị phơi nhiễm HIV do tiếp xúc trực tiếp với máu, có một số bước cần xử trí.
Trước tiên là phải xử lý tại chỗ: Nếu người bị phơi nhiễm tổn thương da chảy máu, cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước; Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, sau đó rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.
Nếu bị phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút. Dùng vòi rửa mắt khẩn cấp nếu có. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9 % và sau đó xúc miệng bằng dung dịch NaCl 0,9 % nhiều lần.
Tiếp theo, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, sàng lọc, đánh giá nguy cơ và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bằng thuốc ARV…
Sau sự việc này, ông có khuyến cáo gì đối với các thầy thuốc cũng như người dân tham gia cứu nạn?
Hành động tham gia cấp cứu người bị nạn, bất chấp nguy hiểm là hành động của những người dũng cảm và đầy lòng nhân ái. Đấy là những nghĩa cử cao đẹp, là gương người tốt, việc tốt, luôn được xã hội tôn vinh.
Ngành y tế đang tư vấn, hỗ trợ tâm lý, xét nghiệm và cấp thuốc ARV điều trị dự phòng miễn phí cho họ.
Sau sự việc, Bộ Y tế khuyến cáo các thầy thuốc phải thực hiện các biện pháp dự phòng. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có gần một nghìn trường hợp cán bộ y tế bị phơi nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ. Nguyên nhân có thể do tình huống bất khả kháng, đã áp dụng biện pháp dự phòng nhưng vẫn bị phơi nhiễm, hoặc nguyên nhân do cán bộ y tế chủ quan, không tuân thủ nghiêm ngặt quy định.
Mặt khác, cũng có nguyên nhân từ tình huống đặc biệt, khẩn cấp, thầy thuốc tham gia cấp cứu mà không kịp áp dụng các biện pháp dự phòng. Họ theo phản xạ, bản năng nghề nghiệp cứu người là trên hết.
Chẳng hạn: Khi một bệnh nhân đưa vào cấp cứu, máu đang phun chảy thành tia, thì phản xạ đầu tiên của thầy thuốc là phải cầm máu ngay cho bệnh nhân nếu không bệnh nhân sẽ tử vong, khi đó họ có thể không kịp đi găng tay, đeo kính, khẩu trang...
Người dân khi tham gia cấp cứu cho nạn nhân trong tai nạn cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch của nạn nhân bằng cách nhanh chóng tìm kiếm các vật dụng như bao ni lông, áo mưa hay quần áo hoặc bất cứ vật lót nào có thể có.
Xin cảm ơn ông!
Anh Tùng bức xúc về việc đi phơi nhiễm HIV mất tiền sau khi cứu 8 người bị TNGT ở Kon Tum hôm 30/6.