Nguy cơ Mỹ - Trung đụng độ trên Biển Đông
Lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố video cho thấy diễn biến hoạt động xây dựng bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông và đoạn âm thanh Trung Quốc xua đuổi máy bay Mỹ trên vùng biển này.
Dấu hiệu căng thẳng
Kênh truyền hình CNN ngày 20.5 cho biết Hải quân Trung Quốc đã 8 lần cảnh cáo máy bay do thám P8-A Poseidon của Mỹ bay trên các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông phải rời khỏi khu vực này.
Mỹ công bố hình ảnh Trung Quốc cải tạo đảo trên Biển Đông. (Ảnh: Reuters)
Theo phóng viên CNN có mặt trên máy bay, sau khi các phi công Mỹ hồi đáp tín hiệu của Trung Quốc rằng máy bay của họ đang bay trên không phận quốc tế, một nhân viên báo vụ Trung Quốc lớn tiếng cảnh cáo qua radio: "Đây là Hải quân Trung Quốc... Đề nghị bay ra khỏi khu vực này”.
Phát biểu với phóng viên CNN, chỉ huy chiếc máy bay Mỹ, đại úy Mike Parker nói: "Chúng tôi vừa bị Hải quân Trung Quốc thách thức cách đây 30 phút. Tôi chắc chắn rằng thách thức này đến từ trên bờ, từ cơ sở ở đây - tức trạm radar cảnh báo trên bãi Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef)”.
CNN cho hay khi đó P8-A Poseidon, máy bay do thám tối tân nhất của quân đội Mỹ, đang bay ở độ cao 4.500m, mức thấp nhất của loại máy bay này. Thước phim do máy bay P8-A Poseidon ghi lại và phát sóng trên CNN cho thấy các hoạt động xây dựng và nạo vét sôi động tại các hòn đảo mới mà máy bay này bay qua, cũng như các tàu của Hải quân Trung Quốc hoạt động ở gần đó. CNN cũng cho biết đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc công bố video về hoạt động xây dựng của Bắc Kinh và đoạn ghi âm các thách thức của Hải quân Trung Quốc đối với một máy bay Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng, hành động này của Trung Quốc cho thấy nước này đang dự định thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại các bãi đá mà nước này đang tiến hành cải tạo thành các đảo nhân tạo.
Một số chuyên gia an ninh cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc nhất là trong bối cảnh một quan chức Trung Quốc tuần trước vừa tiết lộ rằng, Lầu Năm Góc đang tính đến việc điều máy bay quân sự và tàu hải quân đến các bãi đá này nhằm đảm bảo tự do hàng hải tại đây.
Theo CNN, việc Bộ Quốc phòng Mỹ muốn tăng cường truyền thông nhằm tỏ rõ thái độ phản ứng của Mỹ trước các hành vi ngang ngược xây đắp đảo của Bắc Kinh và không chấp nhận hành vi khiêu khích và hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông.
Việt Nam theo sát hoạt động trên Biển Đông
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 21.5, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc các máy bay Mỹ bị tàu Hải quân Trung Quốc đuổi nhiều lần trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Khu vực Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng của thế giới đồng thời cũng là hành lang hàng không quốc tế rất quan trọng. Việc duy trì hòa bình, ổn định hàng hải, hàng không ở Biển Đông là nguyện vọng chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực”.
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông, đồng thời tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển (UNCLos) không làm phức tạp thêm tình hình.
Trả lời về việc Trung Quốc tuyên bố áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ở Biển Đông, ông Lê Hải Bình tái khẳng định: “Hoàng Sa là một phần lãnh thổ không tách rời của Việt Nam, và vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời nay. Các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy hải sản của ngư dân Việt Nam tại các vùng biển Việt Nam để kịp thời xử lý những vụ việc phát sinh trên biển”.
Liên quan đến những hoạt động mới nhất của giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Lê Hải Bình cho biết, hiện nay, cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát sao hoạt động của các bên ở Biển Đông, trong đó có hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981.