Nguy cơ mở thêm cửa biển sau bão
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, nếu bờ biển Hải Dương tiếp tục bị sạt lở, có nhiều nguy cơ mở thêm một cửa biển mới, gây hiểm họa khó lường.
Tính đến 11h sáng nay 1/10, siêu bão số 10 đã làm ít nhất 3 người chết (đều tại Quảng Bình) và 31 người bị thương và 4 người mất tích; trong đó, Quảng Bình 12 người, Quảng Trị 17 người và Thừa Thiên-Huế 2 người – Đây là báo cáo mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương sáng nay cho biết.
Thừa Thiên – Huế: Nguy cơ mở thêm cửa biển sau bão
Cơn bão số 10 đã “quần thảo” qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, khiến bờ biển bị xói mòn, trước những con sóng dữ nguy cơ tiếp tục sạt lở rất cao, nguy cơ mở thêm cửa biển mới của tỉnh này đang là tâm điểm chú ý sau cơn bão. Ngoài các điểm sạt lở trước đây, trong các cơn bão qua, bờ biển thôn Thai Dương Hạ Nam bị sạt lở chiều dài trên 200 mét, sâu 13 mét, chỉ còn cách nhà ở người dân 50m, đe dọa tài sản và tính mạng nhân dân. Chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán khẩn cấp 51 hộ sát bờ biển đến nơi an toàn, nhưng đến nay vẫn là nỗi lo chung của toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, nếu bờ biển Hải Dương tiếp tục bị sạt lở, có nhiều nguy cơ mở thêm một cửa biển mới sẽ gây hiểm họa khó lường, không chỉ đối với người dân sống ven biển mà cả những địa phương vùng đầm phá. UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ trên 700 triệu đồng cho xã Hải Dương mua đá và rọ thép để xây kè chắn sóng nhưng nguy cơ sạt lở vẫn rất cao.
Cơn bão gây ngập lụt cục bộ tại Thừa Thiên – Huế
Hiện tỉnh đề nghị Chính phủ cho triển khai giai đoạn 2 dự án xử lý khẩn cấp, khắc phục bờ biển Hải Dương, Phú Thuận và chỉnh trang luồng cảng Thuận An; đồng thời hỗ trợ 40 tỷ đồng xây dựng các khu tái định cư Hải Dương, Phú Thuận, Lộc Tiến để đưa dân đến định cư an toàn. Sau khi kiểm tra biển xâm thực, và nguy cơ mở cửa biển mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng lưu ý, các cấp chính quyền, ban, ngành không nên chủ quan, luôn đề cao cảnh giác, chủ động bảo vệ tính mạng và tài sản; thường xuyên theo dõi tình hình sạt lở bờ biển để có biện pháp huy động lực lượng, phương tiện, vật tư xử lý kịp thời; cương quyết không để mở thêm cửa biển mới.
Tại Quảng Trị, đã có 17 người bị thương, 11 nhà bị sập, 3.666 nhà bị tốc mái, nhiều lều, chòi, trại chăn nuôi bị hư hỏng. 30 điểm trường học với hơn 200 phòng bị tốc mái, hư hỏng; 3 điểm bệnh viện, trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng; 20 trụ sở công cộng khác bị tốc mái. Ngoài ra gần 6.900 héc ta cây cao su bị đổ gãy, 500 héc ta tiêu, 3.500 héc ta sắn, 2.000 héc ta hoa màu bị thiệt hại, 12.000 héc ta rừng, 12 héc ta cây ăn quả, khoảng 10.000 cây và hơn 500 héc ta tôm bị thiệt hại.
Quảng Bình: Quyết không để dân đói, rét
Ngay trong sáng nay (1/10), ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh đã triển khai công tác khắc phục hậu quả bão số 10 để lại.
Siêu bão đã làm nhà cửa sụp đổ ở Quảng Bìnhc
Cho đến sáng nay, bão số 10 đã tàn phá nặng nề nhà cửa, tài sản, cây cối... trong phạm vi nó đi qua. Mặc dù công tác dự báo về bão khá chính xác, công tác chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc nhưng thiệt hại là vô cùng lớn. Điện bị cắt hoàn toàn, hệ thống thông tin liên lạc bị tê liệt. Đã có 8 người bị thương, 3 người chết (Đồng Hới 2, Quảng Trạch 1), hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, có khu vực 100% nhà bị tốc mái. Hệ thống điện lưới, nước sinh hoạt mất hoàn toàn, nhiều cột điện, cột ăng ten của hệ thống thông tin liên lạc bị gãy đổ; cao su bị gãy đổ trên diện rộng. HIện chưa có con số cụ thể về số lượng tàu thuyền bị đắm, nhưng ban đầu đã có 11 tàu bị chìm. Trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh cơ bản đã thông, tuyến đường sắt thông suốt, nhiều tuyến đường ngang, đường liên thôn, liên xã còn bị tắc...Thiệt hại về giao thông rất lớn, ước tính khoảng 50 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, nhiệm vụ cấp bách cần tập trung làm ngay là nắm chắc tình hình thiệt hại để có biện pháp chỉ đạo khắc phục cụ thể, trước mắt tập trung khắc phục hạ tầng thiết yếu như điện, nước, giao thông. Ông Hoài yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành cần chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo với tinh thần tự lực, tự cường cả về kinh phí và trong chỉ đạo để giải quyết nhanh những hạ tầng thiết yếu trên. Các sở, ngành như nông nghiệp, y tế, công an, công thương, Bội đội Biên phòng có biện pháp nắm bắt chính xác tình hình để có biện pháp khắc phục hậu quả bão trong lĩnh vực mình phụ trách, trong đó kiên quyết không để dân đói, dân rét...
Bão làm tê liệt các tuyến đường điện
Hà Tĩnh: 1 người mất tích
Mưa to và gió lớn đã diễn ra suốt đêm qua tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), đặc biệt trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có điểm úng ngập rất lớn khiến hàng nghìn phương tiện ùn tắc kéo dài hàng chục km trên tuyến quốc lộ 1A. Mặc dù, Hà Tĩnh đã bớt mưa, nhưng những ảnh hưởng của bão số 10 vẫn cho thấy đây là cơn bão rất mạnh khi đổ bộ vào bờ, cây cối bị gãy đổ, ngập úng đã xảy ra cục bộ ở nhiều nơi.
Theo thống kê ban đầu tại huyện Hương Khê có 1 người mất tích trước khi bão đổ bộ, nạn nhân là Hồ Thị Mây (1982) thuộc xã Hương Vinh; ở huyện Lộc Hà. Ngoài ra có 3 người bị thương nhẹ trong khi chằng chống nhà cửa lúc chống bão. Bão kèm theo mưa lớn khi đổ bộ vào bờ đã khiến 4 xã ở huyện Kỳ Anh bị chia cắt. Hơn 400 nhà dân ở huyện Lộc Hà bị ngập úng và tốc mái. Hàng trăm ha lúa và hoa màu bị ngập úng.
Lũ các sông ở Quảng Bình lên nhanh
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 10, ở Quảng Bình đã có mưa to đến rất to. Tính đến 19h ngày 30/9, lượng mưa đo được phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi lớn hơn như: Mai Hóa: 222mm, Ba Đồn: 249mm, Đồng Hới (Quảng Bình): 328mm. Do mưa lớn, lũ trên các sông ở Quảng Bình đang lên. Lúc 20h ngày 30/9, mực nước trên các sông Giang tại Mai Hóa là 5,02m, trên báo động 2 là 0,02m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 1,71m, trên báo động 1 là 0,51m. Dự báo lũ trên các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên.
Nhiều nơi ngập úng vì mưa bão
Sáng sớm nay (1/10), lũ trên các sông ở Quảng Bình có khả năng đạt đỉnh và ở trên mức báo động 2. Cụ thể, mực nước đỉnh lũ sông Giang tại Mai Hóa ở mức 5,5m, trên báo động 2 là 0,5m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là: 2,2m, ở mức báo động 2.
Đến chiều tối nay, mực nước thượng nguồn sông La có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, hạ lưu sông La và sông Cả lên mức báo động 1. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình. Ngoài ra do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12 – 15 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp mới hình thành trên khu vực giữa biển Đông có vị trí hồi 7 giờ sáng nay (1/10) ở vào khoảng 12.5 – 13.5 độ Vĩ Bắc, 111.5 – 112.5 độ Kinh Đông nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
3 người chết (đều tại Quảng Bình) là anh Lê Thanh Nghị, SN 1972; anh Nguyễn Chí Thành, SN 1973 (do cột ăng ten phát sóng ở TP. Đồng Hới gãy đè lên) và anh Hồ Trung Thuần sinh năm 1973 (bị tường sập đè lên) và 31 người bị thương; trong đó, Quảng Bình 12 người, Quảng Trị 17 người, Thừa Thiên-Huế 2 người. Bão làm sập 23 nhà ( Quảng Bình 6 nhà, Quảng Trị 11, Thừa Thiên-Huế 6 nhà); 4.842 nhà bị tốc mái (Quảng Bình 808 nhà; Quảng Trị 3.666 Thừa Thiên-Huế 368 nhà).